Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cảnh báo hành vi vi phạm nồng độ cồn
Bài 1: Coi thường pháp luật
Thứ bảy: 10:12 ngày 18/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với sự quyết tâm của các lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, nhiều trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe đã bị xử lý. Tuy nhiên, sau tết, tình trạng này tái diễn.

Một trường hợp vi phạm về nồng độ cồn bị xử lý.

Những con số “giật mình”

Theo báo cáo của Uỷ ban ATGT quốc gia, Cảnh sát giao thông Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về TTATGT, tập trung vào các hành vi là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn.

Năm 2022, lực lượng CSGT toàn quốc xử lý hơn 2,8 triệu trường hợp vi phạm pháp luật về TTATGT trên đường bộ, trong đó có 308.508 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 11,01%).

Trong đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu Xuân 2023, từ ngày 15.11.2022 đến ngày 5.2.2023 trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng tập trung phát hiện, xử lý 3.321 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (trong đó có 28 xe ô tô; 3.293 mô tô, xe máy). Cảnh sát giao thông tước giấy phép lái xe 3.321 trường hợp và tạm giữ phương tiện.

Những con số thống kê về hành vi lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông bị phát hiện, xử lý trong thời gian qua cho thấy, lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt. Trên thực tế, số người vi phạm chưa bị phát hiện vẫn còn rất nhiều!

Một số ý kiến cho rằng, việc sử dụng bia, rượu trong những lần gặp mặt, liên hoan, dịp lễ, tết hay sự kiện quan trọng đã trở thành thói quen của người dân. Tuy nhiên, việc uống bia, rượu rồi điều khiển phương tiện dẫn đến  gây tai nạn giao thông. Ông Trần Thanh Hiếu, người dân ngụ phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành cho biết: “Để thay đổi một thói quen lâu ngày là rất khó. Trong khi đó, muốn hình thành thói quen mới, trong trường hợp này là “đã uống rượu bia thì không lái xe” lại càng khó hơn”.

Bên cạnh việc tăng cường xử lý nghiêm hành vi vi phạm, cần có những biện pháp bổ sung, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục được triển khai sâu rộng.

Lập chốt kiểm tra nồng độ cồn.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT vẫn còn khá phổ biến, trong đó vi phạm về nồng độ cồn là một trong những lỗi thường gặp. Năm 2022, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường xử lý theo chuyên đề, trong đó vi phạm về nồng độ cồn hơn 9.080 trường hợp.

Những vụ việc đáng tiếc…

Uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông. Do tác động của chất cồn trong cơ thể, người lái xe thường không kiểm soát được nhận thức và hành vi, không làm chủ được tay lái, có xu hướng phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, ngủ gật khi điều khiển phương tiện, dẫn đến tự gây tai nạn (tông vào dải phân cách, gốc cây, trụ điện, các xe khác đang dừng đỗ…) hoặc gây tai nạn với các phương tiện khác đang lưu thông. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các thương tật nặng nề, cái chết đau lòng cho người tham gia giao thông.

Ông V.T.L, ngụ thị xã Hoà Thành, trên đường trở về nhà không may bị một người điều khiển phương tiện trong tình trạng say rượu tông trúng, dẫn đến tử vong. Bà B.T.R, sinh năm 1964, vợ ông L cho biết: “Chồng tôi là công nhân, trên đường trở về nhà sau giờ làm thì bị tai nạn giao thông, không qua khỏi. Nếu người thanh niên kia đừng sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện thì sẽ không gây ra hậu quả thương tâm như vậy. Từ khi chồng mất, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, cuộc sống khổ càng thêm khổ”.

Xảy ra va chạm với người lái xe say rượu vào tháng 10.2022, nhưng đến nay, bà N.T.H, 50 tuổi, ngụ thành phố Tây Ninh vẫn chưa dám tự mình chạy xe ra đường. Bà N.T.H kể lại, hôm đó, khoảng 19 giờ, trên đường trở về nhà, bà nhìn thấy phía ngược chiều có một người điều khiển phương tiện chạy lạng lách, đánh võng, sau đó đâm thẳng về phía bà. Quá bất ngờ, bà H nhanh chóng chuyển hướng xe, tránh vào lề. Do chuyển hướng gấp, bà H và phương tiện té xuống đường, may mắn chỉ bị thương ngoài da. “Khi thấy tôi té, người thanh niên đó vẫn phóng xe đi tiếp, chạy lạng lách trên đường, không còn làm chủ được hành vi của mình. Tôi may mắn tránh kịp, nếu không hậu quả vô cùng khủng khiếp. Trường hợp đã uống rượu, bia, mọi người không nên chạy xe ra đường, tránh gây tai nạn cho bản thân và người khác, khi xảy ra hậu quả thì hối hận cũng đã muộn”- bà N.T.H nói.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1.1.2020 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng đều quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn quá mức cho phép. Theo đó, người lái xe ô tô khi vi phạm nồng độ cồn ở mức trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt lên tới 40 triệu đồng; người lái xe máy là 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; người đi xe đạp là 400.000 đồng - 600.000 đồng.

Có thể thấy việc đã uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện là hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông, nhưng thực tế có rất nhiều trường hợp phớt lờ những lời cảnh tỉnh, răn đe về tác hại của rượu, bia.

Tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh, tình trạng khách đến quán sử dụng rượu, bia sau đó tự lái xe về rất phổ biến. Anh T.T.D, ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành cho rằng, anh chỉ uống bia hơi, không uống rượu, chắc sẽ không có nồng độ cồn cao trong hơi thở.

V.H, sinh năm 1985, ngụ thành phố Tây Ninh, sau khi uống hơn 10 lon bia, dù đã không còn tỉnh táo, bước đi không vững nhưng vẫn muốn tự mình chạy xe về nhà. Chị P.T, bạn của anh H cho biết: “Hôm nay, nhóm bạn tổ chức sinh nhật, anh H uống khá nhiều nhưng vẫn đòi tự chạy xe về nhà. Chúng tôi nhất quyết không để anh lái xe, bởi nó rất nguy hiểm. Nhóm đã bàn bạc sẽ cùng đi taxi về, còn phương tiện cá nhân thì gửi lại quán, hôm sau ghé lấy để bảo đảm an toàn”.

Để tránh tâm lý chủ quan, đối phó của người dân, nhiều địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền đến các chủ nhà hàng, quán bia, rượu cùng phối hợp ngăn chặn tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, một số chủ quán vì lợi nhuận, sợ mất lòng, ảnh hưởng đến doanh thu nên phớt lờ quy định.

Anh H, chủ một quán kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Tây Ninh cho biết: “Khi khách hàng có đề nghị liên hệ với taxi thì chúng tôi sẽ hỗ trợ. Trong trường hợp khách muốn tự chạy xe, quán không thể ngăn được, cùng lắm chỉ nhắc nhở chú ý an toàn. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của khách hàng. Nhiều người biết như vậy là vi phạm quy định khi tham gia giao thông và dễ gây ra tai nạn nhưng họ vẫn bất chấp”.

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, việc lạm dụng rượu, bia còn làm giảm sức khoẻ, năng lực nhận thức, năng suất lao động. Để chấm dứt tình trạng sử dụng rượu, bia rồi lái xe, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của rượu, bia, mức xử phạt đến người tham gia giao thông, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Ngoài ra, cần tăng cường cảnh báo đến người dân, triển khai các giải pháp về công nghệ và dịch vụ như mở rộng dịch vụ taxi đưa người uống rượu, bia về nhà an toàn… 

Phương Thảo - Nhật Quang

(Còn tiếp)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục