Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giáo dục phổ thông sau 3 năm đổi mới: Nhiều bất cập
Bài 1: “Cuộc đổi mới nào cũng có những tâm tư”
Thứ tư: 08:21 ngày 04/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - SGK Ngữ văn lớp 9 và SGK Ngữ văn mới ở lớp 10 có một số điểm không tương thích, thiếu thống nhất.

Học sinh Trường THCS Lê Văn Thới (Gò Dầu) trong giờ học

Trên phương diện thuần tuý chuyên môn, giáo viên dạy Ngữ văn của một trường THPT phân tích, SGK Ngữ văn lớp 9 và SGK Ngữ văn mới ở lớp 10 có một số điểm không tương thích, thiếu thống nhất, có bài ở lớp 9 đã giảm tải, học sinh không học nhưng lên lớp 10 lại yêu cầu phân tích tác phẩm này như một tác phẩm ngoài SGK.

Những ngày cuối tháng 12.2022, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBHQ) đơn vị tỉnh Tây Ninh tiến hành khảo sát về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã thực hiện sang năm thứ 3, thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội.

Diễn biến thời sự nói chung, thời sự giáo dục nói riêng thời gian gần đây cho thấy, có nhiều điều cần nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, khách quan về Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“UBND huyện Gò Dầu cần tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa cho ngành Giáo dục. Cơ sở vật chất của ngành chưa thật sự bảo đảm, chính quyền địa phương cần xem xét đầu tư, nâng cấp; làm tốt công tác tuyên truyền về Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Phòng GD&ĐT nắm bắt cho được dư luận của giáo viên, phụ huynh trong việc lựa chọn SGK”- bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tây Ninh phát biểu trong buổi làm việc với UBND huyện Gò Dầu.

THIẾU GIÁO VIÊN, THIẾU THIẾT BỊ DẠY HỌC

Đây là năm thứ 2 Trường THCS Lê Văn Thới (Gò Dầu) thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Lãnh đạo, giáo viên của trường đánh giá, Chương trình phù hợp với mục tiêu và yêu cầu đổi mới. Tuy nhiên, lãnh đạo trường thừa nhận không phải không có những khó khăn, bất cập: “Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng theo hướng phát triển năng lực nhưng trang thiết bị bộ môn chưa có, gây khó khăn cho giáo viên trong xây dựng và thực hiện chương trình môn học.

Công tác tập huấn chỉ để giới thiệu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập huấn phương pháp dạy, xây dựng kế hoạch qua các mô-đun trực tuyến 1, 2, 3, 4, 5, 9… không có mô-đun nào tập huấn kiến thức cơ bản”. Đặc biệt, lần đầu tiên ở cấp học này có hai môn tích hợp, gồm Lịch sử-Địa lý và Khoa học tự nhiên nên nhà trường gặp không ít khó khăn trong chuyên môn, vì “giáo viên chỉ được đào tạo một chuyên ngành”.

“Đến thời điểm này, nhà trường chưa có tài liệu giáo dục địa phương. Môn Vật lý phần thực hành thí nghiệm gặp khó khăn vì chưa có thiết bị dạy học, phải tận dụng đồ dùng dạy học cũ. Môn Hoá học, giáo viên gặp khó khăn khi đọc tên nguyên tố hoá học (giữa tiếng Việt và tiếng Anh). Hình ảnh trong SGK môn Hoá học cũng chưa thật chuẩn, đồng bộ”- giáo viên Trường THPT Quang Trung (Gò Dầu) thông tin về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở  lớp 10- lớp đầu tiên của cấp học này.

Trên phương diện thuần tuý chuyên môn, giáo viên dạy Ngữ văn của một trường THPT phân tích, SGK Ngữ văn lớp 9 và SGK Ngữ văn mới ở lớp 10 có một số điểm không tương thích, thiếu thống nhất, có bài ở lớp 9 đã giảm tải, học sinh không học nhưng lên lớp 10 lại yêu cầu phân tích tác phẩm này như một tác phẩm ngoài SGK. Việc Bộ GD&ĐT yêu cầu giáo viên ra đề thi (tác phẩm) ngoài SGK (chống lại nạn văn mẫu) đang gặp không ít khó khăn.

“Học sinh khó áp dụng kiến thức đã học để phân tích tác phẩm ngoài SGK, từ đó viết rất lung tung. Nếu thi tập trung, ví dụ thi tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn khi phân tích tác phẩm ngoài SGK”- ý kiến của giáo viên.

Việc dạy chuyên đề, theo giáo viên, là quá tải đối với trình độ của học sinh, giáo viên đề xuất đề thi chỉ nên ra phần nghị luận xã hội, khó làm nghị luận văn học, vì học sinh không đủ tri thức để làm bài. Môn Tin học, Trường THPT Quang Trung có 5 phòng nhưng chỉ 2 phòng sử dụng tốt, 3 phòng còn lại xuống cấp, máy móc cũ kỹ, hoạt động không ổn định.

Giáo viên cho biết, sách tham khảo dành cho chương trình mới chưa có, giáo viên phải tìm kiếm ngữ liệu ở SGK cũ cho học sinh tham khảo. SGK mới cung cấp lý thuyết, công cụ giúp học sinh có thể phân tích được bất kỳ văn bản nào cùng thể loại nhưng thực tế, khi kiểm tra, học sinh chỉ viết lại nội dung lý thuyết đã hỏi. Nói khác đi, học sinh chưa thể phân tích được tác phẩm ngoài SGK.

Giáo viên Trường THPT Quang Trung phát biểu ý kiến

ĐỀ XUẤT CHỈ NÊN CÓ HAI TỔ HỢP MÔN HỌC

Một vấn đề khác được giáo viên Trường THPT Quang Trung nêu: thi tốt nghiệp như thế nào? Bài thi năng lực (trường đại học tuyển sinh) đánh giá tổng hợp nhiều môn học khác nhau, trong khi học sinh THPT đang học theo nhóm môn (tự chọn). Học sinh học theo nhóm môn, không phải môn nào cũng học chuyên sâu thì các em sẽ đăng ký tuyển sinh đại học như thế nào?

Giáo viên chỉ ra, học sinh đang học phổ thông nhưng vì một lý do nào đó phải chuyển trường, sẽ gặp khó khăn vì tổ hợp môn mỗi trường không phải khi nào cũng giống nhau. Trên cơ sở từng nhóm môn học (thực hiện năm đầu tiên ở lớp 10), nhà trường dự báo, trong tương lai gần, môn Sinh học có thể thừa giáo viên, vì rất ít học sinh chọn môn này (nếu thực sự được chọn).

Từ thực tế đó, nhà trường đề xuất chỉ nên có hai tổ hợp môn Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên; chia nhiều nhóm tổ hợp môn như hiện nay, học sinh không xác định được năng lực, sở trường, xu hướng chọn nghề sau khi học xong phổ thông.

Ông Đỗ Văn Minh- Trường Phòng GD&ĐT huyện Gò Dầu chia sẻ, cuộc đổi mới nào cũng có những tâm tư. Khó khăn hiện nay là công tác quản lý yêu cầu ngày càng cao hơn, trong khi một số cán bộ quản lý chưa đáp ứng được; đội ngũ giáo viên đang thiếu, tuyển dụng không được. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Gò Dầu kiến nghị Quốc hội xem xét lại chính sách và thu hút nhân lực cho ngành. Ông Minh cho rằng, không nên để trường ngoài công lập đào tạo giáo viên vì chất lượng đào tạo không đạt yêu cầu.

Các thành viên đoàn giám sát đặt câu hỏi về việc dạy môn Tin học, Tiếng Anh ở cấp tiểu học, có đủ giáo viên hay không? Việc cung ứng SGK và giá bán SGK có cao như dư luận phản ánh? Hai năm học vừa qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, ngành Giáo dục có kế hoạch củng cố kiến thức cho học sinh không? Dư luận cho rằng SGK có nhiều sai sót, ngành khắc phục như thế nào?

Trả lời những câu hỏi nêu trên, ông Đỗ Văn Minh cho biết, việc bố trí giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học đối với học sinh lớp 3 thật sự khó khăn, có giáo viên phải dạy hai trường, khoảng cách giữa các trường khá xa. Chuyện thừa - thiếu giáo viên khó khắc phục, vì trường nhỏ ít lớp ít tiết, ngược lại trường lớn nhiều lớp nhiều tiết. Khối THCS, một số môn học như Mỹ thuật, Âm nhạc không tuyển được giáo viên.

Hồ sơ sổ sách mấy năm gần đây giảm nhiều, chỉ có giáo viên dạy chương trình mới phải dành nhiều thời gian nghiên cứu chương trình. “Những bất cập khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là do Bộ GD&ĐT tham mưu không đầy đủ với Chính phủ, Quốc hội, cả về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên”- ông Minh bình luận.

“UBND huyện Gò Dầu cần tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa cho ngành Giáo dục. Cơ sở vật chất của ngành chưa thật sự bảo đảm, chính quyền địa phương cần xem xét đầu tư, nâng cấp. Cần làm tốt công tác tuyên truyền về Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Phòng GD&ĐT nắm bắt cho được dư luận của giáo viên, phụ huynh trong việc lựa chọn SGK”- bà Hoàng Thị Thanh Thuý phát biểu trong buổi làm việc với UBND huyện Gò Dầu.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh