Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chính sách đối ngoại của Việt Nam: Độc lập, tự chủ, cân bằng, linh hoạt
Bài 1: “Đặt sự phát triển của đất nước vào dòng chảy thời đại”
Thứ tư: 00:39 ngày 09/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngoại giao Việt Nam giành thắng lợi bằng chính nghĩa, lẽ phải, đạo lý, nhân văn, “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, đấu tranh vì lợi ích của dân tộc mình nhưng cũng vì lợi ích chung của nhân loại tiến bộ. Đảng, Chính phủ, Nhân dân Việt Nam chưa và không trở thành công cụ cho một bên nào đó.

Nữ sĩ quan Việt Nam trong lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ tại Nam Sudan

“Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng, các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm.

Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác”.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang- trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ

 

Trên thế giới, có lẽ không nơi đâu, không quốc gia nào lại chịu nhiều đau thương, mất mát bởi chiến tranh như Việt Nam. Chỉ tính riêng nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, nếu tính theo năm, Việt Nam mất 117 năm (1858-1975) để đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành lại giang sơn, thống nhất đất nước, thực hiện quyền tự quyết dân tộc. Hàng triệu tấn bom đạn dội xuống mảnh đất hình chữ S, chỉ rộng hơn 300 ngàn ki-lô-mét vuông.

Hàng triệu người Việt Nam đã lần lượt nằm xuống vì sự sinh tồn của Tổ quốc. Do vậy, hơn ai hết, Việt Nam biết phải làm gì, làm như thế nào để giữ vững chủ quyền, giữ môi trường hoà bình, quan hệ tốt với tất cả các quốc gia, không chọn bên, Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Những ngày gần đây, nhiều người tự nhận mình là “dân chủ, cấp tiến” ở trong nước và cả một số người nước ngoài không ngừng công kích đường lối đối ngoại của Việt Nam, sau phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về tình hình khu vực Đông Âu.

SÒNG PHẲNG VỚI LỊCH SỬ

Như đã biết, sau khi chiến sự xảy ra giữa hai nước Nga - Ukraine, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 để thảo luận về tình hình Ukraine.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang- trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã có bài phát biểu tại cuộc họp. Đại sứ chia sẻ, từ lịch sử phải trải qua chiến tranh đau thương dai dẳng của chính mình, Việt Nam thấy rằng chiến tranh và xung đột thường xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Đại sứ khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, đặc biệt nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hoà bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

Đối với tình hình Ukraine, trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng, phù hợp với lợi ích chính đáng của tất cả các bên, trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đại diện Việt Nam nhấn mạnh, cần bảo đảm an ninh, an toàn của người dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế và đề nghị cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho dân thường.

Đại sứ đề nghị các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống ở Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán các công dân Việt Nam đến nơi an toàn.

Tại cuộc bỏ phiếu diễn ra sau đó, Việt Nam bỏ phiếu trắng. Chỉ chờ có vậy, nhiều ý kiến lập tức chỉ trích, phê bình gay gắt Việt Nam về sự lựa chọn này. Nhiều cá nhân, tổ chức lớn tiếng đòi Việt Nam phải có lựa chọn khác, cụ thể, họ muốn Việt Nam bỏ phiếu chống.

Thực tế, những ý kiến nêu trên chỉ mới nhìn thấy cây, họ không thấy cả khu rừng. Cả thế giới đều biết, nước Mỹ cấm vận Cuba hơn nửa thế kỷ đã và đang gây ra những hậu quả không thể đo lường hết được. Bao nhiêu năm qua, tại các kỳ họp của LHQ, trừ Mỹ và một vài quốc gia thân cận với Mỹ, hầu như cả thế giới, trong đó có nhiều đồng minh của Mỹ, đòi bỏ chính sách cấm vận nhân đạo đối với Cuba.

Nhưng tất cả đều bị phớt lờ. Cho đến hôm nay, hòn đảo tự do ở vùng Caribe này vẫn chịu lệnh cấm vận của chính phủ Hoa Kỳ. Hàng chục năm qua, không thấy nhà “dân chủ, cấp tiến, nhà đạo đức online” nào phê phán nước Mỹ, đòi Mỹ bỏ phiếu thuận hoặc chí ít phiếu trắng, nhằm bãi bỏ cấm vận Cuba.

Một số liệu thống kê cho thấy, trong 30 năm qua, 29 lần LHQ yêu cầu các quốc gia thành viên bỏ phiếu lên án Hoa Kỳ cấm vận Cuba. Trong 29 lần đó, lần nào số phiếu lên án Hoa Kỳ cũng áp đảo và vượt trội, trong đó, lần gần nhất có tới 184 phiếu thuận, một phiếu trắng (của Ukraine), hai phiếu chống (của Hoa Kỳ, Israel). Nghị quyết lên án Hoa Kỳ cấm vận Cuba là một trong những nghị quyết được ủng hộ lớn nhất lịch sử LHQ, tính từ khi tổ chức này thành lập.

Nhưng, nói về thái độ của các quốc gia, trong đó có nhiều nước lớn, đóng vai trò như “cảnh sát toàn cầu” vẫn còn thiếu Việt Nam một lời xin lỗi, thậm chí hối lỗi.

Chúng ta biết rằng, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, không một quốc gia nào trong số các cường quốc ủng hộ Việt Nam, ngược lại, họ còn hà hơi tiếp sức cho tập đoàn diệt chủng. Sau này, khi tội ác vượt khỏi sức tưởng tượng của tập đoàn diệt chủng ấy bị phơi bày trước toàn thế giới, không phải ai khác, chính phủ của những quốc gia nêu trên, lại thể hiện thái độ như những kẻ “ăn theo, hôi của, chia phần”.

Họ hoàn toàn phớt lờ sự hy sinh, mất mát của nhân dân Việt Nam. Cũng không phải ai khác, đã hơn một lần, người đứng đầu chính phủ Campuchia hiện nay phát biểu công khai (bằng cả tiếng Khmer, tiếng Việt, tiếng Anh) rằng, nếu không có Việt Nam, toàn bộ người dân Campuchia không còn có mặt trên cuộc đời này. Nhìn xa hơn, ở bên kia bờ Thái Bình Dương, nửa sau thế kỷ XX, người ta thống kê được rằng, chính phủ Hoa Kỳ, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp xâm lược, can thiệp chủ quyền của khoảng 80 quốc gia ở khắp địa cầu. Riêng Việt Nam, lượng bom đạn Mỹ ném xuống mảnh đất hình chữ S này gấp nhiều lần tổng số lượng bom đạn Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Đó còn chưa kể, giai đoạn sau của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta, 80% chiến phí của Pháp là nhận từ nước Mỹ. Trong suốt thời kỳ đó, truyền thông (thuộc quản lý của các chính phủ phương Tây) không một lần dùng từ “xâm lược” của các nước đối với Việt Nam.

Khái quát lại vài điều như trên không phải nhằm khơi lại thù hận, song nhìn nhận, đánh giá lịch sử cần khách quan, công bằng, sòng phẳng, vì sự thật lịch sử chỉ có một.

BẢO ĐẢM LỢI ÍCH QUỐC GIA

Đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã được xác lập, xác định, khẳng định nhất quán, xuyên suốt trong nhiều kỳ Đại hội Đảng. Điều này thêm một lần được minh chứng cụ thể tại hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tại thời điểm đó (những ngày cuối tháng 12.2021), Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, từ những kết quả đã đạt được về công tác đối ngoại, nhiều bài học đã được rút ra.

Trước hết, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và toàn bộ hệ thống chính trị. Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết đối với mọi thắng lợi của công tác đối ngoại, phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên mặt trận đối ngoại.

Chính phủ Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, vừa hợp tác vừa đấu tranh, kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chiến lược đối ngoại của Việt Nam đặt trong tổng thể đường lối phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn kết hài hoà, chặt chẽ, có hiệu quả với đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đặt sự phát triển của đất nước vào dòng chảy của thời đại, từ đó xây dựng, triển khai các đường lối, chính sách phù hợp, phát huy tối đa sức mạnh dân tộc, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đánh giá và dự báo đúng tình hình trong nước và quốc tế, không ngừng sáng tạo, đổi mới tư duy trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc và xu thế thời đại. Nắm vững thời cơ, giành thắng lợi từng bước.

Từ phá thế bao vây cấm vận, tiến tới chủ động thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá nhằm mở rộng quan hệ đối ngoại, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, thiết lập các khuôn khổ hợp tác bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục