Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xứng đáng là người đại biểu dân cử
Bài 1: Đột phá với những nghị quyết sát thực tiễn
Thứ bảy: 08:03 ngày 15/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian qua, các nghị quyết của HĐND tỉnh đều bám sát và cụ thể hoá nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các nghị quyết của Tỉnh uỷ và tình hình thực tế địa phương.

Chính sách hỗ trợ nông nghiệp giúp hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn; tăng cường công tác quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện hiệu quả; huy động các nguồn lực để phát triển KT-XH của tỉnh. Các Nghị quyết ban hành được UBND tỉnh, các sở, ngành triển khai thực hiện, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Hiệu quả từ chính sách nông nghiệp

Tây Ninh có hơn 342.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 84,6% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp đóng góp hơn 21% tỷ trọng trong nền kinh tế của tỉnh.

Với nhiều lợi thế, ngành nông nghiệp được tỉnh hết sức quan tâm và ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp.

Từ năm 2016 đến nay, HĐND tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết liên quan đến nông nghiệp. Tất cả các Nghị quyết đều được UBND tỉnh, sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện.

Trong đó, nhiều nghị quyết đem lại kết quả khả quan như: Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đã hỗ trợ 8 dự án hơn 36 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ lãi vay, đã hỗ trợ khoảng 20 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất, nuôi trồng khoảng 5 tỷ đồng.

Chính sách đưa cán bộ trẻ về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp, đã đưa 10 cán bộ trẻ về làm việc tại 7 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố, kinh phí thực hiện gần 1 tỷ đồng.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cầu Khởi tặng quà cho hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, 3 chính sách trên đã góp phần giúp các hộ, doanh nghiệp và HTX có thêm nguồn vốn đầu tư vào quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động, góp phần cho nông nghiệp Tây Ninh ngày càng phát triển.

Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường, công nghiệp chế biến và xuất khẩu; Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, các mô hình trang trại lạnh, quy mô lớn…

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai ứng dụng phầm mềm truy xuất nguồn gốc điện tử Kipus cho trên 1.800 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích hơn 1.500 ha; cấp trên 50.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các cơ sở sản xuất cây ăn trái.

Đồng thời đẩy mạnh công tác cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường lớn như: EU, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và Trung Quốc…Qua đó đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.

Ông Phan Hoài Thịnh- Giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) cho biết, việc được cấp 2 mã số vùng trồng sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính khác. Qua đó, giúp đầu ra của nông sản ổn định hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên hợp tác xã.

Những quyết sách hợp lòng dân

Năm 2022, HĐND tỉnh tổ chức thành công 4 kỳ họp, thông qua 54 nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội. Các nghị quyết thông qua với cơ chế, chính sách rất cụ thể, thiết thực, bám sát thực tiễn cuộc sống, hợp lòng dân như: Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buyt trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về chính sách thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ bồi dưỡng chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành y tế tỉnh…

Ngay sau kỳ họp thứ 6, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhanh chóng triển khai Nghị quyết quy định chuẩn hộ nghèo tỉnh và chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều; hộ nghèo tỉnh; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 - 2025.

Qua rà soát, đến ngày 20.3, toàn tỉnh có 22.366 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo đa chiều, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình giảm 391 người so với số liệu phê duyệt kết quả rà soát cuối năm 2022. Có hơn 19.800 người được cấp thẻ bảo hiểm y tế, đạt gần 90% số đối tượng cần cấp. Bên cạnh đó, các đối tượng này còn được hưởng các chính sách hỗ trợ về giáo dục đào tạo và được trợ giúp pháp lý theo quy định.

Chị Lê Thị Hoài Ngọc, ngụ ấp Khởi Nghĩa, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu cho biết, chị Ngọc được chính quyền địa phương quan tâm tặng thẻo bảo hiểm y tế, vay vốn khởi nghiệp, được dự nhiều lớp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.

Chị Ngọc chia sẻ: "Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và được hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn mà tôi trồng trọt, chăn nuôi tốt hơn, thu nhập ổn định hơn. Tới đây, tôi sẽ cố gắng lao động để thoát nghèo và giúp đỡ các chị em khác”. 

Chị Lâm Thị Hồng Điệp, ngụ ấp Tân Định 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu là hộ nghèo của xã. Từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, địa phương, chị Điệp được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tặng bò sinh sản để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình.

Chị Điệp cho biết: “Trước đây gia đình tôi khó khăn lắm, nhưng được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ vốn khởi nghiệp, được tặng bò, dạy nghề. Từ một con bò mẹ, nay tôi có thêm 6 bò con, bán được gần 100 triệu đồng. Số tiền này tôi tiết kiệm để xây nhà và phát triển kinh tế. Cảm ơn các cấp chính quyền đã hỗ trợ gia đình tôi được thoát nghèo”.

Nghị quyết số 10 về Quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con em công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Mặc dù Nghị quyết được triển khai vào đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhưng UBND tỉnh, các sở ngành có liên quan đã quyết liệt triển khai. Qua đó, có 140 đối tượng được thụ hưởng.

Anh Lê Văn Trí, cử tri huyện Châu Thành chia sẻ: "Qua theo dõi các kỳ họp HĐND trong năm, người dân chúng tôi rất phấn khởi bởi những chính sách được thông qua đều liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Ngay sau đó, những nghị quyết này cũng được các cấp, ngành quan tâm triển khai, qua đó giúp cuộc sống người dân ngày càng tốt đẹp hơn”.

Có thể thấy, hiệu quả việc triển khai các nghị quyết HĐND tỉnh được thể hiện rõ nét qua kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022. Cụ thể, 100% các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đều đạt và vượt so với nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra. Tạo động lực mạnh mẽ để tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. 

Còn nữa…

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục