Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 20.7.2024, một ngày sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân”. “Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, ý thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của văn hoá “văn hoá là hồn cốt của dân tộc”, “văn hoá còn thì dân tộc còn”, nhà văn hoá Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc trên mặt trận văn hoá của Đảng đã dành nhiều tâm huyết xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập toàn diện, sâu sắc lĩnh vực văn hoá; hội nghị toàn quốc về văn hoá của Đảng sau hơn 70 năm là dấu mốc gắn kết tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” - trích nội dung bài viết của Chủ tịch nước Tô Lâm. Đoạn văn nêu trên có một điểm rất đáng chú ý: Chủ tịch nước khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà văn hoá. Tháng 5.2024, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức biên tập, xuất bản
Cuốn sách dày gần 1000 trang được mở đầu bằng bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc tháng 11.2021. Tại thời điểm đó, người lãnh đạo cao nhất của Đảng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của văn hoá trong xây dựng con người và đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc, nếu không chú trọng đúng mức về xây dựng văn hoá. Những người dự hội nghị hôm đó hẳn chưa quên câu nói (lời chào ngoài văn bản) của Tổng Bí thư: “Tôi đã dự và chỉ đạo nhiều hội nghị quan trọng nhưng chưa bao giờ tôi vui, phấn khởi như dự hội nghị hôm nay”.
“Hạnh phúc đâu chỉ cơm ngon và áo đẹp”
Tháng 11.2021, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị văn hoá toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại câu nói của tiền nhân, văn hoá còn dân tộc mới còn. “Hạnh phúc của con người không chỉ có ăn ngon mặc đẹp mà còn bởi những giá trị tinh thần” - Tổng Bí thư nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của văn hoá. Tổng Bí thư nhắc lại tinh thần nội dung của Đề cương văn hoá năm 1943 của Đảng trên tinh thần khoa học, dân tộc, đại chúng. “Văn hoá Việt Nam thật sự là động lực tinh thần làm nên chiến thắng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, làm nên trận “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu”. Tổng Bí thư nhắc lại lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, “đó là hồn cốt, là hồn thiêng sông núi. Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của văn hoá, là nhà văn hoá kiệt xuất, là danh nhân văn hoá của thế giới. Mới đây, thêm hai nhà thơ được nhận danh hiệu này, là Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu, nâng tổng số danh nhân văn hoá là người Việt Nam lên con số 6. “Đảng luôn coi trọng vai trò của văn hoá. Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, nền văn hoá chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa văn hoá thế giới. Phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển. Chú trọng mối quan hệ giữa văn hoá và chính trị, trong đó chú trọng sự nêu gương của cán bộ đảng viên”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bên bàn làm việc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong những ngày cuối đời
Sâu sắc, toàn diện
Cố Tổng Bí thư chỉ ra một yếu kém được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đó là vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa thật sự được đặt đúng vị trí trung tâm. “Chúng ta vẫn còn thiếu những tác phẩm văn hoá lớn, có tầm cỡ. Trong thời kỳ kháng chiến, chúng ta có nhiều tác phẩm, nhiều vở diễn có giá trị, nay có tác phẩm nào xứng tầm không?” - Tổng Bí thư nêu câu hỏi. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng đặt vấn đề, cảnh báo một cách nghiêm khắc khi thời gian qua nhiều sản phẩm văn hoá nhưng thực chất là vô văn hoá, phản văn hoá thâm nhập vào nước ta. “Tôi nói điều này hơi nặng nề, nếu ai không đồng ý, có thể trao đổi lại” - đồng chí Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Xuất thân là một Cử nhân khoa Văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tầm nhìn rộng và đặc biệt sâu sắc về lĩnh vực văn hoá. “Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hoá chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Còn thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, các miền còn lớn. Nhiều di sản văn hoá quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong” - cố Tổng Bí thư chỉ ra những hạn chế về xây dựng văn hoá.
Lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối
Ngày 25.7.2023, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và có bài phát biểu rất hay về văn học, nghệ thuật. Theo đồng chí, nền văn học, nghệ thuật nước ta tiếp tục đổi mới, bám sát hiện thực sôi động của đất nước, có cách nhìn điềm tĩnh, tinh tế, tích cực ủng hộ sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin, khẳng định những cái tốt đẹp, cái tích cực, cổ vũ những nhân tố mới, thành tựu mới, “lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối”.
“Sự cống hiến của anh chị em đã góp phần to lớn vào việc xây dựng, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sự tin tưởng vào thành tựu đổi mới, gìn giữ các giá trị văn hoá, góp phần ổn định xã hội, cổ vũ sự phát triển của đất nước. Chính tình hình tư tưởng, tình cảm của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ hiện nay đã góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị của xã hội, sự phát triển của đất nước”- cố Tổng Bí thư khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ sáng tác.
Người lãnh đạo cao nhất của Đảng chỉ ra thực tế: một số người phát ngôn, viết hồi ký, sách báo, trang điện tử, sử dụng các mạng xã hội có nội dung thiếu xây dựng, thậm chí rất cực đoan. Cá biệt có hiện tượng “bôi đen” giá trị thiêng liêng của lịch sử, của chế độ, đề cao quá mức cái “tôi” để kêu gọi tự do sáng tác... phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn học nghệ thuật.
Cố Tổng Bí thư chỉ rõ, xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng đang diễn ra rất sôi động, nhanh chóng và xuất hiện nhiều vấn đề mới, khác nhiều so với trước đây trong chiến tranh và thời kỳ bao cấp. Điều đó đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo, vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam hôm nay.
Việt Đông
(còn tiếp)