Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 12.8.2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 91 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Trong Kết luận 91, Bộ Chính trị yêu cầu “đánh giá toàn diện việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên cả nước để có giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và phát triển hệ thống này trong thời gian tới”.
Sắp xếp, sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập không phải là câu chuyện mới, nhưng đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp- cụ thể là mô hình Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện, Tây Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước thí điểm hợp nhất một số trung tâm. Câu chuyện này cụ thể như thế nào, sau thời gian sáp nhập, hiệu quả ra sao, có nên tiếp tục sáp nhập các trung tâm còn lại?
Một trong những bất cập của loại hình Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên hiện nay là, theo quy định hiện hành, UBND cấp huyện quản lý về đội ngũ, ngân sách (chi trả lương) trong khi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý lĩnh vực dạy nghề, Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý về giáo dục phổ thông. Thay đổi lớn của việc hợp nhất 3 trung tâm là: sau khi sáp nhập, đơn vị này trực thuộc Sở GD&ĐT.
Cụm trung tâm trực thuộc Sở GD&ĐT
Quyết định số 1927 ngày 19.9.2023 của UBND tỉnh nêu, thí điểm tổ chức lại Trung tâm GDNN-GDTX cụm thành phố Tây Ninh trên cơ sở sáp nhập các Trung tâm GDNN-GDTX TP. Tây Ninh, thị xã Hoà Thành và huyện Châu Thành trực thuộc Sở GD&ĐT, bắt đầu hoạt động từ ngày 1.1.2024.
Trung tâm GDNN-GDTX cụm TP. Tây Ninh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD&ĐT, bảo đảm một phần chi thường xuyên theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Thời gian thí điểm tổ chức lại là 3 năm, tính từ ngày 1.1.2024, năm học 2023-2024. Sau thời gian thí điểm, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh đánh giá, tổng kết việc thực hiện.
Trung tâm GDNN-GDTX cụm TP. Tây Ninh tổ chức và hoạt động tuân thủ các quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH; chịu sự quản lý trực tiếp của Sở GD&ĐT về công tác tổ chức, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính, các mặt hoạt động trên địa bàn, thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục. UBND tỉnh giao Giám đốc Sở GD&ĐT sắp xếp số lượng người làm việc, tài sản, tài chính của các Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Hoà Thành, huyện Châu Thành vào Trung tâm GDNN-GDTX Tây Ninh, thu hồi con dấu của 3 trung tâm cũ và trả cho cơ quan Công an quản lý theo đúng quy định của pháp luật.
Quyết định sáp nhập (thí điểm) nhằm tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ viên chức, giảm số lượng lãnh đạo, quản lý. Theo quy định, trung tâm GDNN-GDTX (viết tắt là Trung tâm) huyện, thị xã, thành phố thực hiện giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp do Sở GD&ĐT quản lý. Chức năng dạy nghề, các Trung tâm phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Thí điểm tổ chức lại thành cụm Trung tâm khắc phục một số hạn chế hiện nay.
Cụ thể, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dàn trải, không tận dụng được cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ yêu cầu đào tạo. Mặt khác, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bố trí chưa hợp lý, có nơi thừa, nơi thiếu, phân tán nguồn lực. Hầu hết các Trung tâm có đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên bảo đảm đủ yêu cầu giáo dục và đào tạo và hướng nghiệp nhưng thiếu nhân lực dạy nghề lao động (hiện chỉ đáp ứng đủ nguồn nhân lực cho dạy nghề học sinh phổ thông).
Chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Trung tâm là giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có kiến thức, trình độ kỹ thuật tham gia sản xuất, hoạt động dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương. Trung tâm có cả 3 chức năng (liên kết đào tạo đồng thời với hướng nghiệp, dạy nghề), nhưng thời gian dài trước đây mới chỉ thực hiện tốt một chức năng giáo dục thường xuyên (dạy học bổ túc và dạy nghề học sinh phổ thông), các chức năng còn lại thực hiện chưa hiệu quả. Việc sắp xếp lại nhằm giảm đơn vị công lập, sắp xếp lại biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, giảm chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thiếu giáo viên
Tháng 10.2023, trao đổi với phóng viên Báo Tây Ninh, lãnh đạo Trung tâm GDNN-GDTX TP. Tây Ninh cho biết, Trung tâm có 24 lớp, 914 học sinh. Trong tổng số gần 1.000 học sinh nêu trên, có khoảng 60% đang là học viên, học sinh Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh. Do không đủ phòng học, hiện nay, Trung tâm sử dụng tạm thời các phòng học của Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (cũ).
Trước đó, ngày 20.9.2023, tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo đơn vị này kiến nghị xem xét đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất, xây thêm phòng học cho Trung tâm GDNN-GDTX TP. Tây Ninh. Lãnh đạo Trung tâm nói thêm, đơn vị đang thiếu giáo viên rất nghiêm trọng.
Trung tâm có 24 lớp nhưng chỉ có 7 giáo viên chính thức, phải thỉnh giảng hợp đồng với hàng chục giáo viên. Trung tâm phải liên tục thay đổi thời khoá biểu để tạo điều kiện thuận tiện cho giáo viên thỉnh giảng (vì số giáo viên này là người của nhiều trường phổ thông). Do thiếu phòng học và giáo viên, toàn bộ học sinh, học viên đang học Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh phải học ca đêm.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, cơ sở vật chất chưa đáp ứng giảng dạy, hiện trạng các phòng xuống cấp nặng, Trung tâm đang mượn cơ sở vật chất Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (cũ) tại đường Võ Thị Sáu, tổ chức dạy học từ năm học 2021-2022.
Sở GD&ĐT cho biết, Trung tâm GDNN-GDTX TP. Tây Ninh là nơi tiếp nhận học sinh từ nguồn tốt nghiệp THCS không trúng tuyển lớp 10 các trường THPT: Tây Ninh, Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn và chuyên Hoàng Lê Kha theo định hướng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Trung tâm đang hợp đồng liên kết dạy chương trình THPT cho Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh, dạy nghề cho học sinh các trường THCS trên địa bàn thành phố Tây Ninh. Điều này giải thích vì sao số lượng học sinh của Trung tâm hiện nay rất lớn.
Trong khi đó, Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Hoà Thành có 15 lớp, tổng cộng 552 học sinh; là nơi tiếp nhận học sinh từ nguồn tốt nghiệp THCS không trúng tuyển lớp 10 các trường THPT: Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trung Trực và Nguyễn Chí Thanh theo định hướng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Trung tâm GDNN-GDTX Châu Thành có 13 lớp, 389 học sinh nhưng hiện chỉ có 10 giáo viên; là nơi tiếp nhận các học sinh từ nguồn tốt nghiệp THCS không trúng tuyển lớp 10 các trường THPT: Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong theo định hướng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Trung tâm hợp đồng liên kết dạy chương trình THPT cho Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh, dạy nghề cho học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện Châu Thành. Trụ sở Trung tâm được đầu tư hoàn chỉnh, kiên cố, trong thời gian dài hoạt động còn hạn chế, tuyển học sinh lớp 10 hằng năm chỉ được 1 đến 3 lớp.
Việc sử dụng cơ sở vật chất hiệu quả chưa cao và đã bàn giao cho Trường THPT Hoàng Văn Thụ làm cơ sở 2. Trung tâm giữ lại khối phòng học bộ môn, khối phòng học nghề, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong việc bố trí phòng học theo quy định, tận dụng sắp xếp khối phòng học nghề làm phòng học văn hoá.
Sau một năm sáp nhập, Trung tâm GDNN-GDTX cụm TP. Tây Ninh hoạt động như thế nào, hiệu quả thu hút học sinh ra sao?
Sau khi tổ chức lại, Trung tâm GDNN-GDTX cụm thành phố Tây Ninh có 1 giám đốc, không quá 3 phó giám đốc, 27 giáo viên, 3 kế toán, 2 văn thư, 3 thư viện, 3 phục vụ, 3 bảo vệ, 1 thủ quỹ, 1 tổ trưởng tổ Hành chính - Tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ, giảm 1 giám đốc. Thời gian thí điểm hợp nhất 3 trung tâm là 3 năm. |
Việt Đông - Hoàng Yến (Còn tiếp)