Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giải pháp nào khắc phục tình trạng thừa-thiếu giáo viên
Bài 1: Giáo viên mầm non- từ thừa ðến thiếu
Thứ ba: 23:41 ngày 05/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại mỗi địa phương, tình trạng thừa-thiếu giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non và một phần giáo viên phổ thông diễn ra trong thời gian dài, là rào cản ảnh hưởng xấu đến lộ trình đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Giáo viên mầm non hướng dẫn học sinh rửa tay sát khuẩn.

Từ Trung ương đến địa phương, câu chuyện thiếu-thừa giáo viên đã được bàn thảo nhiều suốt những năm qua. Thống kê mới nhất cho thấy, cả nước thừa hơn 10.000 giáo viên nhưng cũng đang thiếu hơn 90.000 giáo viên ở các cấp, bậc học. Tại mỗi địa phương, tình trạng thừa-thiếu giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non và một phần giáo viên phổ thông diễn ra trong thời gian dài, là rào cản ảnh hưởng xấu đến lộ trình đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Vấn đề bất cập về đội ngũ giáo viên nói riêng, việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới (Chương trình 2018) đã được đề cập nhiều lần, từ rất sớm, trên Báo Tây Ninh. Loạt bài viết hy vọng cung cấp khá đầy đủ về thực trạng thừa-thiếu giáo viên trong những năm qua. Do nhiều nguyên nhân khách quan, phạm vi loạt bài này chỉ đề cập những bất cập về đội ngũ giáo viên từ năm học 2017-2018 đến nay.

THU NHẬP KHÔNG CAO, VỊ TRÍ BẤP BÊNH

Trở lại năm học 2017-2018 (xin nhấn mạnh - tại thời điểm đó), trước tình hình thiếu giáo viên mầm non, một số trường mầm non ở Hoà Thành đã ký hợp đồng với khoảng 20 giáo viên mầm non mới ra trường. Hằng tháng, nhà trường trả cho mỗi cô giáo hơn hai triệu đồng.

Ngoài khoản này, giáo viên không còn chế độ nào khác. Nhóm giáo viên này cũng không được đóng bảo hiểm, vì nếu đóng, thu nhập hằng tháng còn lại không bao nhiêu. Mặt khác, hợp đồng dạy học giữa các cô và nhà trường chỉ có tính chất tạm thời.

Một giáo viên mầm non vào nghề được 4 tháng chia sẻ: “Buổi sáng, em đi từ lúc hơn 5 giờ; khoảng 6 giờ chiều, sau khi giao hết trẻ cho phụ huynh, em mới ra về. Thu nhập 2,2 triệu đồng mỗi tháng, nếu trừ tiền xăng xe, khoản còn lại chỉ đủ chi cho cơm nước đạm bạc hằng ngày”.

Cô giáo này cho biết, trước khi vào học sư phạm mầm non, cô đã tìm hiểu kỹ về tính chất của bậc học này nhưng không nghĩ là khối lượng công việc lại nhiều đến vậy. Thu nhập thấp, công việc vất vả nhưng đó chưa phải là điều cô giáo trẻ này lo lắng nhất.

Cô kể tiếp, do năm nay (năm học 2017-2018) ngành Giáo dục không tổ chức tuyển dụng viên chức nên những trường hợp mới ra trường như cô chỉ ký hợp đồng với nhà trường. Cô cùng bạn bè tự tìm thông tin xem trường nào tuyển dụng thì đến xin việc. Cũng may, nhiều trường mầm non thiếu giáo viên nên cô được ký hợp đồng làm việc.

Một cán bộ quản lý tại trường mầm non cho biết, khi ký hợp đồng với giáo viên, nhà trường trích nguồn thu từ học phí và nguồn chi từ hoạt động thường xuyên để trả lương. Do thiếu giáo viên nên nhà trường chủ động thực hiện việc này trong khi chưa có văn bản của cấp có thẩm quyền hướng dẫn.

“Trường thiếu giáo viên, một cô giáo không thể chăm sóc 40 cháu được, do đó, chúng tôi phải hợp đồng với giáo viên mới ra trường để giáo viên bớt đi gánh nặng. Mức thù lao 2,2 triệu đồng mà chúng tôi trả cho giáo viên đã được tính toán kỹ.

Nhà trường cũng muốn nâng tiền lương hằng tháng lên để động viên đồng nghiệp trẻ nhưng không còn nguồn chi nào”- nữ cán bộ quản lý cho biết. Từ học kỳ 2 của năm học 2017-2018, nhà trường chưa biết phải tính toán như thế nào, vì vấn đề tài chính trong trường công lập liên quan đến ngành tài chính.

Theo lời một nữ cán bộ quản lý, nhà trường vừa động viên nhóm giáo viên trẻ tiếp tục công tác, vừa chờ các cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo bằng văn bản để có hướng giải quyết. Vẫn nữ cán bộ này cho biết, nếu không sớm giải quyết vấn đề, những giáo viên hợp đồng có thể phải ra đi. Khi đó, khối lượng công việc sẽ dồn hết lên vai những giáo viên hiện có. Tỷ lệ giáo viên trên mỗi lớp quá thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng nuôi dạy trẻ.

“Tụi em vẫn vừa dạy vừa trông ngóng tình hình. Nguyện vọng lớn nhất là tỉnh tổ chức tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục để những người đang dạy hợp đồng tìm được chỗ đứng chính thức. Chỉ khi được tuyển dụng, chúng em mới yên tâm công tác, còn như hiện nay tình hình bấp bênh lắm.

Bạn em bỏ nghề dạy học sang Bình Dương làm công nhân, mỗi tháng 5 triệu đồng, trong khi đi dạy cả ngày chỉ hơn 2 triệu đồng. Ước mơ làm cô giáo đã thành hiện thực được hơn bốn tháng. Trong bốn tháng đó, hầu như em đều xin thêm tiền ba mẹ để có chi phí đi dạy”- một giáo viên trẻ nói.

HẾT BIÊN CHẾ, VƯỚNG NGHỊ QUYẾT

Tại thời điểm đó, Hoà Thành không phải là địa phương duy nhất gặp khó về chuyện thiếu giáo viên mầm non. Tình hình nêu trên diễn ra ở nhiều huyện khác. Hiện tại có gần 400 cô giáo mầm non trong tỉnh thuộc diện dạy hợp đồng thấp thỏm chờ đợi xem có tổ chức tuyển dụng chính thức hay không, lúc đó, các cô mới định hình được tương lai của mình.

Cốt lõi của vấn đề nằm ở đâu? Đó là vấn đề biên chế trong cơ quan, đơn vị thuộc khối sự nghiệp công lập. Hiện tại, chỉ tiêu biên chế được giao cho ngành Giáo dục đã hết, do vậy, về nguyên tắc, ngành Giáo dục chưa thể tổ chức tuyển bổ sung giáo viên cho bậc học mầm non (thật ra không riêng gì bậc học mầm non).

Từ đây xuất hiện một nghịch lý khó chấp nhận, đó là, trong khi nhà trường thiếu giáo viên mầm non và số lượng sinh viên mầm non mới tốt nghiệp rất nhiều, sẵn sàng đi dạy nhưng cơ sở giáo dục lại không thể nhận hoặc chỉ nhận vào dạy tạm thời với mức thù lao “bèo bọt”.

Tình hình càng khó hơn khi cuối tháng 10.2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành một số nghị quyết liên quan đến vấn đề biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về viếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nêu: “Giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập.

Giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015. Cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính)".

Nghị quyết 19 yêu cầu chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp nhưng trường hợp nào được liệt vào dạng “hợp đồng lao động không đúng quy định” thì không phải đã tìm được câu trả lời thống nhất.

Nói về vấn đề này, một cán bộ quản lý ngành Giáo dục nhìn nhận: “Nghị quyết 19 yêu cầu chấm dứt hợp đồng lao động, có nghĩa nhà trường không thể chủ động ký hợp đồng với giáo viên, vì hoạt động của trường công do ngân sách bảo đảm. Riêng hệ thống trường ngoài công lập hay những đơn vị tự chủ tài chính thì Nghị quyết 19 không ảnh hưởng gì”.

Theo tinh thần tinh giản biên chế, khi trong cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập có hai người đến tuổi nghỉ hưu thì chỉ được tuyển bổ sung một người. Tuy nhiên, ngành Giáo dục thì không thể áp dụng “công thức” này.

Bởi vì, nếu trường nào có hai giáo viên nghỉ hưu vẫn phải tuyển hai giáo viên khác thay thế, đơn giản là một người không thể cùng lúc dạy hai lớp học tại một thời điểm. Chưa kể, nếu như số học sinh (ở đây là các cháu mầm non) tăng số lượng thì còn phải tuyển thêm giáo viên mới đủ tỷ lệ theo quy định.

Quay lại thời điểm ngày 16.3.2015, lúc đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch (Thông tư 06) quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Thông tư đã quy định chi tiết về từng vị trí việc làm và tỷ lệ giáo viên trên mỗi lớp ở bậc học mầm non. Trong đó quy định rõ, với nhóm trẻ, bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ, đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày thì bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp và với lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp.

Căn cứ vào Thông tư 06, không khó khăn gì, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã tính được rằng, năm học 2017-2018, toàn tỉnh cần tuyển thêm 540 giáo viên mầm non. Cần lưu ý rằng, sự quá tải không chỉ thể hiện ở chỗ thiếu giáo viên mầm non mà còn ở số lượng học sinh trong mỗi lớp hiện rất đông, vượt xa so với quy định của Trung ương.

Nếu sòng phẳng, tất cả các trường mầm non ở khu vực đô thị sẽ rớt trường chuẩn quốc gia vì số lượng học sinh trong mỗi lớp quá đông. Từ thực tế đó, hoàn toàn có cơ sở (cả pháp lý lẫn nhu cầu thực tế) để tuyển dụng thêm giáo viên cho bậc học này.

Tuy nhiên, trong khi bài toán tuyển dụng chưa được giải quyết thì sự việc thừa, thiếu giáo viên xảy ra theo một chiều hướng khác.

Việt Đông

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục