Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Giáo dục “lý tưởng” ngay từ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng được đánh giá là cần thiết và không sớm.

10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24.3.2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030”, công tác thanh niên và giáo dục thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh đã được triển khai, đạt nhiều kết quả.
Trong đó, vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh được phát huy mạnh mẽ và đạt được hiệu quả thiết thực thông qua các hoạt động tuyên truyền giáo dục về chủ nghĩa Marx- Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ không ngừng được tăng cường và đổi mới. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động chăm lo, đồng hành với thanh thiếu nhi đồng thời được đẩy mạnh. Qua đó tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách cho thế hệ thanh thiếu nhi tỉnh nhà.
Cô và trò Trường mầm non Long chữ
Giáo dục “lý tưởng” ngay từ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng được đánh giá là cần thiết và không sớm. Bởi đây là giai đoạn hình thành nhận thức, nhân cách, dễ tiếp thu các giá trị tốt đẹp, trong đó có tình yêu quê hương, đất nước. Phát huy vai trò của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, nhà trường và gia đình trong việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, giúp các em phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, kỹ năng sống ngay từ tuổi mẫu giáo.
Tiết học lan toả tình yêu nước
Nhiều năm qua, sáng tạo trong tiết học trải nghiệm, lồng ghép giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho trẻ được cô giáo Nguyễn Thị Kim Đào, giáo viên lớp lá 2, Trường mầm non Long Chữ (xã Long Chữ, huyện Bến Cầu) thường xuyên thực hiện.
Cô Đào chia sẻ, trong năm học 2024-2025, nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.12, để tránh nhàm chán trong tiết học phát triển thể chất cho trẻ, cô Đào đã thực hiện lồng ghép tuyên truyền cho các con bằng việc dựng hoạt cảnh câu chuyện về Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Suốt và những người con của mình. Tham gia tiểu phẩm này, các con hoá thân thành các nhân vật từ những chiến sĩ, người mẹ thực hiện chui hầm, vượt sông. Cô Đào cho biết: “Qua tiết học tôi muốn các con được trải nghiệm hành động, cảm xúc để thêm hiểu và yêu hơn những chiến sĩ, người mẹ anh hùng và quê hương của mình”.
Những ngày tháng 4.2025, khi cả nước phấn khởi chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cô Đào lại tiếp tục lồng ghép vào các tiết học trải nghiệm của các cháu những bài học đặc sắc giúp trẻ nhận biết được hình dáng đất nước, màu sắc Quốc kỳ, bản đồ Việt Nam, đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Thông qua việc cho trẻ thực hành tô màu, tạo hình bản đồ Việt Nam từ màu sáp, những vật liệu tái chế như hạt gạo, đậu, vỏ trứng… Từ đó tạo được sự hứng khởi, giúp trẻ hiểu và nhận diện tốt hơn về quê hương đất nước.
“Qua thực tế giảng dạy, tôi thấy trẻ vui, hào hứng với các tiết học. Các con biết được tên nước ta là Việt Nam, có dáng hình chữ S, cờ có màu đỏ và ngôi sao vàng, đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Tôi thấy đó là một thành công của việc xây dựng nhận thức đúng về quê hương, đất nước cho các em”- cô Đào hào hứng chia sẻ.
Bên cạnh đó, hơn một tháng qua, cô Đào cùng các bé lớp lá 2 cũng tập luyện múa dân vũ và biểu diễn, tạo hình bài hát Việt Nam ơi. Tạo nên không khí sôi nổi vui tươi cho trẻ khi đến trường trong những ngày tháng 4 này. Hoạt động này được sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh.
Chị Trần Ngọc Yến, ấp Long Hoà, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu nói: “Được xem các cháu biểu diễn, tôi thấy rất vui. Con trai tôi cũng có tham gia trong nhóm biểu diễn. Được biểu diễn tiết mục, cháu rất hào hứng, mỗi khi về nhà bé hay khoe và nói mẹ mua áo cờ đỏ sao vàng, mở ti vi để tập theo. Tôi thấy vui vì con mình vui vẻ, hoà đồng hơn trong lớp học”.
Anh Nguyễn Văn Song, ấp Long Hoà, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu bộc bạch: “Tôi thấy trường tổ chức cho các cháu ca hát, biểu diễn tiết mục về tình yêu quê hương đất nước rất hay vì như thế giúp các cháu có tình yêu quê hương, cội nguồn. Đến trường con tôi học được nhiều bài hát, đặc biệt cháu cũng bắt đầu học hát Quốc ca. Tôi thấy vui khi con mình và các cháu nhỏ được dạy như vậy. Hy vọng các cháu lớn lên sẽ biết gìn giữ truyền thống quê hương, đất nước”.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Đào chia sẻ: “Qua những tiết học trải nghiệm đã mang lại hiệu quả tốt trong học tập, cũng như lồng ghép tuyên truyền cho các cháu. Trong những ngày lễ sắp tới tôi sẽ tiếp tục lên ý tưởng lồng ghép thực hiện cho trẻ về lòng yêu nước, vừa hun đúc tinh thần yêu nước cho con, vừa giúp các con hứng thú sáng tạo hơn trong học tập, thích đến lớp học hơn”.
Đẩy mạnh giáo dục tình yêu quê hương cho trẻ
Theo chị Trịnh Thị Như Trang- Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, trẻ em lứa tuổi thiếu nhiên, nhi đồng là lứa tuổi học hỏi, tiếp nhận kiến thức để hình thành nhận thức. Do đó, ngoài việc giáo dục về kiến thức giáo khoa cần quan tâm giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng thông qua các hoạt động sinh hoạt chính trị ngoài giờ lên lớp tại trường, Đoàn, Đội các cấp phải có các hoạt động hội thi, hội diễn, diễn đàn, hành trình về nguồn để các em tìm hiểu lịch sử địa phương, đất nước, dân tộc để các em hiểu như thế nào là yêu nước, nhận thức được “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình”, đóng góp cho xã hội, cộng đồng, tập thể. Được giáo dục thực tiễn trực quan sinh động về truyền thống, lý tưởng cách mạng giúp các em hình thành lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc từ sớm trong quá trình hình thành tính cách, biết trân quý, tự hào những giá trị truyền thống, lịch sử thì mai sau lớn lên mới biết gìn giữ và phát huy.
Với mong muốn đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thiếu niên, nhi đồng, nhiều năm qua, Hội đồng Đội tỉnh đã tích cực triển khai nhiều cuộc thi, hội thi nhằm tạo nên các sân chơi tuyên truyền lý tưởng cách mạng trực quan, sinh động đến các em nhỏ như: Cuộc thi Tiếng hát Vành Khuyên, khoá học Học kỳ trong quân đội, Khéo tay vui Trung thu, Hội thi Aerobic, dân vũ thiếu nhi… Bên cạnh đó, Hội đồng Đội tỉnh tăng cường phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo kết nối với các đơn vị trường học triển khai phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy” của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng”… Đồng thời sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hoá để giáo dục và phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của thanh thiếu nhi với 91 cụm trò chơi và 61 khu vui chơi từ vật dụng tái chế được xây dựng từ năm 2017 đến nay.
Với sự nỗ lực của các cấp bộ Đoàn cùng sự tích cực phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, sự ủng hộ tích cực từ phụ huynh, học sinh, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thiếu niên, nhi đồng đã đạt sự hiệu quả và lan toả rộng khắp. Từ đó dần ươm mầm lý tưởng cách mạng trong lòng các em thiếu nhi tỉnh nhà.
Cô Nguyễn Thị Kiều Trang, Tổ khối trưởng giáo viên Trường mầm non Long Chữ, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu chia sẻ, đầu các năm học nhà trường chỉ đạo giáo viên thực hiện lồng ghép thêm tình yêu quê hương, đất nước vào các chủ đề dạy học như chủ đề về nghề nghiệp, quê hương đất nước, Bác Hồ. Các tiết học sẽ cho trẻ trải nghiệm làm chú bộ đội, xem, làm các mô hình, đóng tiểu phẩm. Nhà trường, giáo viên cũng thường xuyên kết hợp với phụ huynh để thực hiện để mang lại hiệu quả.
“Với các cháu nhỏ, tình yêu quê hương, đất nước là thể hiện qua việc làm nhỏ như dạy các cháu biết chăm ngoan, rèn luyện sức khoẻ bằng tập luyện thể dục thể thao, biết đoàn kết, yêu thương giúp đỡ bạn bè, gia đình, thầy cô. Những sáng tạo trong các tiết học trải nghiệm giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, thẩm mỹ, phát triển tình yêu thương bạn bè, gia đình, thầy cô và lớn hơn là tình yêu với quê hương đất nước”- cô Trang cho biết.
Theo cô Nguyễn Thị Kim Đào, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước với trẻ, độ tuổi mầm non không phải quá sớm mà còn rất quan trọng. Ở độ tuổi này, giúp trẻ nhận biết được tên nước, lá cờ Tổ quốc, sự tươi đẹp của quê hương, biết hát Quốc ca khi chào cờ để trẻ có tấm lòng yêu quê hương, Tổ quốc của mình là cần thiết. Điều đó sẽ giúp nung nấu tinh thần yêu nước cho trẻ từ nhỏ, giúp các con xây dựng được ý thức trong sinh hoạt, biết làm việc tốt từ những thứ đơn giản nhất quanh mình là quan trọng và cần thiết. Và để điều này thêm hiệu quả cần tăng cường sự kết nối gia đình và nhà trường.
“Tôi thích xem con mình được tham gia các hoạt động trải nghiệm như hiện nay tại trường. Tôi nghĩ, được cô dạy, tuyên truyền sẽ giúp bé từ nhỏ đã có tinh thần yêu nước, như vậy mình cũng yên tâm. Nếu được giáo dục tình yêu quê hương, đất nước từ nhỏ, tôi hy vọng khi lớn lên con mình sẽ trở thành một công dân tốt”- chị Trần Thị Ngọc Yến, một phụ huynh học sinh bày tỏ.
Linh San - Vi Xuân
(còn tiếp)