Thời Sự - Chính trị   Xây dựng Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

NHỮNG ĐẢNG VIÊN KIÊN TRUNG

Bài 1: Giữ vững và phát huy lý tưởng cao đẹp của người đảng viên 

Cập nhật ngày: 25/03/2022 - 20:00

BTNO - “Tôi xin hứa với Đảng luôn trung thành tuyệt đối, biết lấy đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân, luôn giữ vững phát huy lý tưởng cao đẹp của người đảng viên Đảng Cộng sản…”. Đây không phải là một lời hứa suông, kém sức thuyết phục, bởi đó là những lời bộc bạch chân thành, rất đỗi gần gũi mà đậm tính nhân văn của một ông cụ 92 tuổi đời, của người đảng viên kiên trung Lê Văn A (tên thường dùng là Lê Văn Nghe, sinh năm 1930), sinh hoạt Đảng tại Chi bộ khu phố Gia Huỳnh, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng khi vinh dự được nhận Huy hiệu cao quý 75 tuổi Đảng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hùng Thái gắn huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đảng viên Lê Văn A.

Xuất thân từ gia đình bần nông, cuộc sống vất vả, khó khăn, cả gia đình cần cù lao động kiếm sống qua ngày, trong những giai đoạn cùng khổ nhất của quê hương, dân tộc. Tuy nhiên, đó cũng là một gia đình có truyền thống cách mạng hết sức vẻ vang, mà hoạt động cách mạng của cha ông còn ghi rõ trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005) cùng với tổ chức Đảng được thành lập rất sớm ở Tây Ninh, từ trước khi diễn ra sự kiện Nam kỳ khởi nghĩa (1940).

Ông Lê Văn A sớm giác ngộ cách mạng, từ người cha của mình là ông Lê Văn Vẳng. Cha của ông theo cách mạng, theo Đảng từ những năm 1930, quá trình hoạt động ông Vẳng cùng các đồng đội trực diện đấu tranh với Tỉnh trưởng Tây Ninh Renoux, khi hắn đến diễn thuyết tại chợ Rạch Tràm (Phước Chỉ) tháng 8.1938, thực chất là đến thăm dò khảo sát tình hình hòng đàn áp phong trào hành động cách mạng tại đây từ trong trứng nước.

Với áp lực của quần chúng do các ông Lê Văn Vẳng, Bùi Quang Ngỡi, Dương Quang Thanh…dẫn đầu, Tỉnh trưởng Renoux đã phải nhận bản yêu sách về dân sinh của người dân Rạch Tràm và hứa sẽ trình lên Thống Đốc Nam kỳ xem xét.

Từ sự kiện lịch sử này, cha ông A đã đi theo ánh sáng của Đảng, tham gia chiến đấu để gây dựng phong trào cách mạng cho quê hương xã Phước Chỉ anh hùng cho đến ngày hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập. Cha của ông A, chính là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Phước Chỉ vào năm 1937, đã được tặng Huy hiệu “Đảng viên tiền khởi nghĩa” và được cấp bằng Tổ quốc ghi công.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hùng Thái, lãnh đạo Thị ủy Trảng Bàng và chính quyền địa phương chụp hình lưu niệm với đảng viên Lê Văn A  khi nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng

Noi theo truyền thống cách mạng của cha, ông Lê Văn A cùng gia đình thoát ly theo cách mạng từ những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945, rồi hoạt động liên tục đến ngày giải phóng năm 1975.

Theo lời ông kể, lúc đó ông chỉ có cái áo ngắn, quần cụt, chiếc khăn sọc và chiếc nóp bên mình là hành trang theo cách mạng cùng đồng chí, đồng đội và nhân dân chiến đấu để giải phóng quê hương. Và với thành tích chiến đấu, cống hiến cho cách mạng trong vị trí cán bộ chính trị của Chi đội 12, lực lượng vũ trang Nam bộ, ông được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng vào năm 1948.

Nói về quá trình tham gia cách mạng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, với bài học lấy dân làm gốc, ông A kể, nhờ đi làm cách mạng, được sống ba cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” trong nhân dân, nên được dân mến, dân yêu, từ đó được dân đùm bọc, che chở yêu thương, được dân cho cái ăn, cái mặc để luôn đầy đủ sức lực đấu tranh với kẻ thù.

Đặc biệt đối với quê hương Phước Chỉ, nếu cha ông là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã nhà từ thời “tiền khởi nghĩa”, thì người con Lê Văn A cũng là Bí thư chi bộ đầu tiên của quê hương từ giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1951) rồi từ năm 1955 ông chuyển sang lãnh đạo chi bộ thị trấn Trảng Bàng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1975.

Sau ngày giải phóng ông vẫn còn tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ để góp phần đổi mới, phát triển quê hương, cho đến năm 1989 ông mới nghỉ hưu khi đang làm nhiệm vụ Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo huyện uỷ Trảng Bàng.

Tuy đã nghỉ hưu ông vẫn tích cực tham gia công tác địa phương với vai trò Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Uỷ viên UBMTTQVN thị trấn Trảng Bàng, đến năm 2003 ông mới thực sự thôi công tác, nhưng vẫn tham gia sinh hoạt Đảng tại nơi cư ngụ ở khu phố Gia Huỳnh.

Với vai trò là người đứng đầu tổ chức Đảng của 2 địa bàn trọng điểm của quê hương xứ Trảng anh hùng, ông Lê Văn A không thể nào kể hết, nhưng ai cũng có thể hình dung được sự gian khổ, khó khăn ác liệt mà ông cùng đồng chí, đồng đội đã trải qua suốt hai thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ông chỉ bộc bạch đôi điều mà ông tâm đắc nhất. Theo ông: “Đi theo cách mạng luôn được Đảng dạy dỗ, rèn luyện, người cán bộ, đảng viên cần phải có đạo đức, có lý tưởng, có tổ chức, biết nguyên tắc, phải có ý chí quyết tâm cao, phải biết kiên trì, nhẫn nại, dám hy sinh…”. Đó là những điều ông luôn tâm niệm trong suốt cuộc đời mình và chỉ bảo, dạy dỗ thế hệ trẻ về quá trình tham gia cách mạng. Theo ông, điều đó cũng chính là chìa khoá để mở cửa cho mọi thành công trong cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ của người cách mạng.

Ông tâm sự: “Tôi được dân nuôi, Đảng dạy mới nên người hôm nay, có ngọt bùi, phải nhớ lúc đắng cay, tôi không bao giờ quên công ơn của Đảng, nghĩa tình của dân, đó là điều tâm đắc luôn canh cánh bên lòng tôi trong quá trình đi theo cách mạng, theo Đảng cho đến khi tóc bạc trắng đầu…”.

Đảng viên Lê Văn A đã vinh dự 7 lần nhận Huy hiệu cao quý của Đảng (chân dung đảng viên Lê Văn A với những Huy hiệu cao quý của Đảng).

Và với tố chất của người đảng viên kiên trung, theo ông sẽ luôn giữ gìn và phát huy tốt phẩm chất. Ông cho biết, theo quy luật phát triển, cuộc sống sẽ ngày càng nhiều thay đổi, nhưng với ý chí và quyết tâm của mình, người già chứ tuổi không già, để luôn có cách đóng góp bằng trí tuệ, tinh thần nhằm xây dựng đất nước phồn vinh, xã hội yên bình, ổn định.

Với 92 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, người đảng viên kiên trung Lê Văn A vẫn luôn giữ vững khí chất của mình, luôn cần mẫn, gương mẫu, dạy dỗ con cháu khôn lớn nên người. Gia đình ông có 6 người con đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có 2 người đã vinh dự nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Vinh dự và tự hào, khi được 7 lần nhận Huy hiệu cao quý của Đảng, lần nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, ông vẫn luôn bồi hồi xúc động như lần đầu tiên nhận Huy hiệu 30 tuổi Đảng.

Theo ông đó là niềm vinh dự rất lớn, là phần thưởng cao quý nhất mà ông nhận được trong từng chặng đường tham gia cách mạng của mình. Theo ông, từng chiếc Huy hiệu Đảng đã nói lên và khẳng định sự trung thành, sức phấn đấu, mối quan hệ gắn bó cuộc đời vì dân, vì Đảng của người đảng viên mà tổ chức Đảng luôn quan tâm đến. Và ông xúc động đọc lên mấy vần thơ:

“Lời thề còn đó những lời sắc son

Đảng là bà mẹ đông con

Tôi xin xứng đáng người con chí tình…”.

Tố Tuấn