Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trải qua chặng đường 49 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2024), dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng nỗ lực phấn đấu của chính quyền, quân và dân tỉnh Tây Ninh đã đồng lòng vượt qua những thăng trầm của mỗi thời kỳ cách mạng, đưa Tây Ninh ngày càng phát triển.
Tây Ninh thời kỳ Pháp thuộc (ảnh tư liệu)
Vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30.4.1975, khi cả nước đang ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế thì tại biên giới Tây Nam, tập đoàn Pol Pot (Campuchia) đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Bến Cầu, Tân Biên và lan rộng ở hầu hết 18 xã thuộc 4 huyện biên giới của Tây Ninh. Chúng đốt phá, cướp bóc, tàn sát người dân dã man như thời trung cổ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Tây Ninh cùng lúc vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Ngay sau khi giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, theo sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh tiếp tục chi viện sức người, sức của giúp tỉnh Kampong Cham (Campuchia) trong 10 năm (1979-1989).
Đối với nhiệm vụ khôi phục kinh tế địa phương, từ năm 1975 đến năm 1985, quân dân Tây Ninh tập trung vào nhiệm vụ chính là cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội IV và V của Đảng đề ra, chủ yếu lấy sản xuất lương thực làm nhiệm vụ trung tâm hàng đầu.
Từ chỗ phải nhận chi viện của Trung ương, Tây Ninh đã nỗ lực phấn đấu không những tự lực được lương thực, mà còn làm nghĩa vụ với Trung ương và từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa nền kinh tế đi vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, tạo ra những vùng chuyên canh lớn: mía, đậu phộng, cao su, lúa. Hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng được củng cố kiện toàn, dân chủ được mở rộng, chính trị ổn định, tạo tiền đề cho sự phát triển mới.
Đặc biệt, ngày 29.4.1981, tại huyện Dương Minh Châu, Phó Thủ tướng Chính phủ Huỳnh Tấn Phát đặt nhát cuốc đầu tiên phát lệnh khởi công công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn. Đây được xem là “mạch máu” cấp nước cho hàng ngàn ha đất trồng cây của Tây Ninh và các tỉnh lân cận.
Một góc thành phố Tây Ninh ngày nay.
Tăng trưởng kinh tế
Từ điểm xuất phát gần như không đáng kể trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm gần 90%, công nghiệp chỉ có 2%, thương mại dịch vụ chiếm khoảng 9%, đến 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế xã hội của Tây Ninh đã có sự tăng trưởng vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Trung ương Đảng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện, từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh tuyệt đối trung thành, luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, vận dụng sáng tạo, có hiệu quả vào hoàn cảnh thực tiễn của địa phương. Qua đó, đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Đảng bộ tỉnh đã đặc biệt chú trọng nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối của Đảng vào thực tiễn của tỉnh; đồng thời nghiên cứu, phân tích, nhận thức đúng đắn những ưu điểm, hạn chế, yếu kém trên mọi lĩnh vực, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân thuộc về chủ quan, như tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỷ lại, thiếu ý chí quyết tâm đổi mới... Từ đó đề ra được nhiều giải pháp có tính đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần để tỉnh cùng với cả nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước..
Năm 1993 đánh dấu là năm đầu tiên tỉnh Tây Ninh có 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký hơn 3,8 triệu USD. Qua từng giai đoạn, số lượng nhà đầu tư nước ngoài tìm đến với Tây Ninh ngày càng nhiều. Từ 2 dự án ban đầu, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 369 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với số vốn đăng ký hơn 9,7 tỷ USD.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giúp cho nông dân Tây Ninh phát triển kinh tế
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Lê Hồng Anh - nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ghi nhận sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn của Đảng bộ, dân và quân tỉnh Tây Ninh. Tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh tăng bình quân 10,5%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng hàng năm, nhất là trong khu vực dân doanh và khu vực đầu tư nước ngoài tăng cao; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh vượt chỉ tiêu được giao và một trong những những tỉnh có kim ngạch xuất khẩu tăng khá hằng năm.
Công nghiệp phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Chương trình an sinh xã hội, nhất là công tác xoá đói, giảm nghèo được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả tốt, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cuối năm 2015 giảm còn 1,59%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.630 USD, cao hơn mức bình quân chung cả nước, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện.
Những cánh đồng xanh mướt từ nguồn nước hồ Dầu Tiếng.
Trong 6 tháng năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,9%, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố cả nước và dẫn đầu các tỉnh miền Đông Nam bộ. Trong đó, một số khu vực có mức tăng trưởng cao, như: công nghiệp xây dựng tăng 11,02%; thương mại dịch vụ tăng 7,09%; nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,74%…
Tổng thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng ước đạt 6.375 tỷ đồng, đạt 57,43% dự toán năm, tăng 14,85% so cùng kỳ; tổng chi ngân sách 6 tháng ước đạt 4.991 tỷ đồng, đạt 44,69% dự toán, giảm 2,7% so cùng kỳ. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 6 ước đạt 67.700 tỷ đồng, tăng 2% so đầu năm.
Vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.521 tỷ đồng, đạt 35,78% kế hoạch; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 19.599 tỷ đồng, bằng 34,31% so với GRDP, tăng 7,6% so cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 160 triệu USD, bằng 26,4% so cùng kỳ.
Hồ Dầu Tiếng không chỉ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bền vững hơn mà còn giúp người dân phát triển nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản.
Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công thực hiện tốt; hộ nghèo và các đối tượng hưởng bảo trợ xã hội luôn được chính quyền và hệ thống chính trị các cấp của địa phương quan tâm, giúp đỡ vượt qua khó khăn…
Những kết quả đạt được của tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua chính là kết quả của sự hội tụ giữa “ý Đảng” và “lòng dân”, đó là niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã chọn. Niềm tin đó tạo động lực và sức mạnh to lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tây Ninh vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Vũ Nguyệt
(còn tiếp)