Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hiện nay, du lịch nông thôn của Tây Ninh chưa đa dạng, chưa khai thác triệt để những bản sắc riêng của tỉnh.
Trải nghiệm hái rau rừng tại phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng. Ảnh do Hương Sen Việt cung cấp
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” vào ngày 15.11.2023 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Các tập đoàn du lịch cần phải dấn thân, có trách nhiệm, có niềm tự hào để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn; cần phát triển tiềm năng du lịch cộng đồng, bởi đây là sức sống của địa phương, là di sản của cha ông để lại”.
"Khu Tây" ở nông thôn Tây Ninh
La’s Farmstay tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng là điểm du lịch nông thôn đầu tiên của tỉnh, xây dựng từ năm 2019. Theo anh La Quốc Phong- chủ La’s Farmstay, địa điểm du lịch này hiện đã thu hút được nhiều du khách nước ngoài đến đây lưu trú trước khi đi tham quan địa đạo Củ Chi.
Du khách nghỉ dưỡng tại La’s Farmstay. Ảnh do Hương Sen Việt cung cấp
“Địa đạo Củ Chi là một trong những điểm tham quan rất được du khách nước ngoài quan tâm. Trước đây, để đến địa đạo, đa phần khách nước ngoài chọn ngủ lại Thành phố Hồ Chí Minh 2 đêm.
Ví dụ, từ Ninh Thuận về và muốn đến địa đạo Củ Chi, họ dừng lại ngủ tại TP. Hồ Chí Minh 1 đêm. Sau khi đến địa đạo, họ phải quay lại TP. Hồ Chí Minh 1 đêm nữa để chuẩn bị hành trình tiếp theo như đi Campuchia, hoặc về nước... Du khách cho rằng nếu ở Sài Gòn 2 đêm rất lãng phí, họ muốn tranh thủ đến nhiều nơi hơn nữa.
La’s Farmstay ra đời, du khách đã lựa chọn nơi đây lưu trú, trải nghiệm cuộc sống vùng quê Tây Ninh; hôm sau tham quan địa đạo Củ Chi và về lại TP. Hồ Chí Minh. Do đó, với lợi thế cạnh bên địa đạo, La’s Farmstay đáp ứng được nhu cầu này của du khách nước ngoài”- anh La Quốc Phong nói.
Để tạo sự hứng thú cho du khách đến trải nghiệm, anh Phong đã cho đầu tư nhiều hoạt động vui chơi thể thao như tát ao bắt cá, đạp xe đạp địa hình, bắn cung, đốt lửa trại và đầu tư hồ bơi chuẩn 5 sao để du khách thư giãn, nghỉ ngơi. Đặc biệt, anh còn cho xây dựng khu vực tráng bánh tráng Trảng Bàng và thuê nghệ nhân biểu diễn để du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu về di sản văn hoá phi vật thể của Tây Ninh.
Du khách tìm hiểu các công đoạn làm ra chiếc bánh tráng phơi sương - di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
“Tôi tính 2 năm nữa sẽ làm thêm dịch vụ xe đưa đón La’s Farmstay - sân bay Tân Sơn Nhất; La’s Farmstay - địa đạo Củ Chi và La’s Farmstay đi Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Ước chừng farmstay sẽ chiếm ít nhất 30% du khách nước ngoài đến tham quan địa đạo Củ Chi và Toà thánh Cao Đài Tây Ninh”- anh Phong chia sẻ kế hoạch.
Tuy nhiên, để có thể thực hiện được kế hoạch, anh Phong cần có sự chung tay của cộng đồng. “Tôi dự kiến thành lập một hợp tác xã du lịch nông thôn, trước mắt sẽ có thêm 2 hộ cùng thực hiện các kế hoạch trong thời gian tới.
Hy vọng sau khi hoàn thành sẽ không chỉ thu hút du khách đến Tây Ninh trải nghiệm cuộc sống vùng nông thôn Tây Ninh, mà còn tạo việc làm cho nhiều người, mang lại giá trị cộng đồng to lớn hơn giá trị kinh tế của một doanh nghiệp”- anh Phong tâm sự.
Bà Đen Farm - để du khách hiểu hơn về Tây Ninh
Bà Đen Farm là một điểm dừng chân được anh Nguyễn Trung Đông đầu tư từ năm 2019 ngay dưới chân núi Bà Đen, thuộc địa bàn xã Phan, huyện Dương Minh Châu. Biểu tượng đón du khách của điểm dịch vụ là quả dưa lưới vàng ươm.
Đây cũng là đặc sản mà anh Trung Đông hướng đến và phát triển. Đúc kết từ kinh nghiệm của người xưa, “nắng trồng dưa, mưa trồng lúa”, anh Đông tận dụng cái nắng của Tây Ninh để trồng dưa lưới. Hiện nay, ngoài vườn dưa tại chân núi Bà Đen, anh còn 2 vườn trồng dưa lưới tại xã Tân Bình và phường Ninh Sơn (TP. Tây Ninh). Mỗi vườn trồng cách nhau 10 ngày để luôn có trái cho du khách trải nghiệm và bán phục vụ mọi người.
Nho Ninh Thuận đang được trồng tại Bà Đen Farm.
Dưa lưới của vườn chủ yếu bán trái cho du khách đến tham quan, hoặc làm nước ép phục vụ tại điểm dừng chân. Những trái có vẻ ngoài thô xấu, anh Đông mới bán ra cho vài tiểu thương mua đi bán dạo. Đây cũng là cách anh Đông nâng giá trị nông sản lên so với cách làm nông truyền thống.
“Điểm dừng chân Bà Đen farm có phục vụ ẩm thực với những món ăn đặc trưng, có lợi cho sức khoẻ. Như ở đây trồng dưa lưới, tôi tận dụng những trái dưa non làm chua, xào bê hoặc thay thế các món ăn cần dưa leo… tạo thành đặc sản của quán, không đâu có được. Ngoài ra, vườn còn trồng các loại rau như chòi mòi, lộc vừng, lá lụa… vừa tạo bóng mát vừa có lá non phục vụ món bánh tráng - rau rừng, một đặc sản ẩm thực của Tây Ninh. Thực đơn có những món từ gà thả vườn, cá hồ Dầu Tiếng… dân dã, đồng quê”- anh Đông nói.
Có lẽ, với thực đơn riêng có này, nơi đây đã thu hút nhiều du khách dừng chân và thưởng thức, trong đó, có đến 60% khách tour đến từ các tỉnh phía Bắc.
Ngoài phục vụ du khách, thời gian qua, Bà Đen farm còn dành một quỹ đất riêng làm khu trải nghiệm cho học sinh. Tuỳ theo nhu cầu của từng trường, tại đây luôn sẵn sàng máy móc xới đất, hạt giống để các em nhỏ vào vai nông dân: làm đất, gieo hạt, tưới cây; hoặc giới thiệu cho các em hiểu về quy trình phát triển của một cây dưa lưới... Bên cạnh đó, anh Đông đang từng bước đưa cây nho và táo Ninh Thuận về trồng, nhằm làm phong phú thêm những sản phẩm nông nghiệp của vườn, tạo sự đổi mới và hấp dẫn cho du khách.
“Tôi đang quy hoạch khu đất rộng 12.000m2 làm khu cắm trại. Dự kiến đưa vào phục vụ trong dịp tết nguyên đán năm nay. Tại đây, tôi sẽ bố trí những chiếc lều Mông Cổ, có khu vực tổ chức tiệc nướng BBQ, đốt lửa trại… để du khách đến Tây Ninh có thể lưu trú, cảm nhận không khí mát lạnh, trong lành mỗi sớm mai và ngắm núi Bà Đen lung linh, huyền ảo khi đêm xuống”- anh Trung Đông chia sẻ.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, hiện nay, du lịch nông thôn của Tây Ninh chưa đa dạng, chưa khai thác triệt để những bản sắc riêng của tỉnh.
Ngọc Diêu
(Còn tiếp)
Tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, vườn sinh thái Tâm An có diện tích 3.000m2 do chị Huỳnh Thị Ái Nhi đầu tư vừa mới đưa vào hoạt động gần đây đã trở thành điểm hẹn của vài nhóm bạn tìm đến thư giãn cuối tuần hoặc có nhu cầu họp mặt bạn bè. Vườn trồng nhiều loại cây ăn trái như chôm chôm, chuối, vú sữa, măng cụt, dâu tằm, ổi, sầu riêng… và chăn nuôi thả vườn. Chị Ái Nhi chia sẻ: “Xu hướng sống xanh đang được mọi người rất quan tâm.
Hiện tại, vườn mình trồng cây theo hướng hữu cơ. Mình muốn hướng mọi người quay về với cuộc sống ngày xưa, mùa nào thức ấy, làm ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho sức khoẻ. Những sản phẩm của vườn mình được nhiều anh em bạn bè đón nhận như quả trứng gà, chai rượu dâu tằm, hay ổi, chuối… Sau này, mình sẽ phát triển thêm những buổi làm bánh dân gian như bánh ít, bánh tét, bánh bò, bánh da lợn”.