Thời Sự - Chính trị   Thời Sự - Chính trị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Truyền thông đen hay là những ngòi bút bị tha hoá

Bài 1: “Không ai thay đổi được quá khứ, tương lai phụ thuộc vào chúng ta” 

Cập nhật ngày: 03/03/2021 - 08:19

BTN - Hàng chục năm qua, họ thường xuyên, liên tục tấn công vào địa hạt tư tưởng, văn hoá, xuất bản, báo chí nhằm làm suy giảm niềm tin của người dân vào chính quyền. Biết được nhược điểm của người dân là dễ tin, cả tin, họ không ngừng gieo rắc, lúc ngấm ngầm, khi công khai những điều bịa đặt với phương châm: “Mọi phương tiện đều tốt, miễn đạt mục đích”.

Một trong những biểu hiện cụ thể của chiến lược diễn biến hoà bình được các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với chế độ, với đất nước triệt để sử dụng, lợi dụng, đó là nền tảng công nghệ thông tin, mạng xã hội. Hàng chục năm qua, họ thường xuyên, liên tục tấn công vào địa hạt tư tưởng, văn hoá, xuất bản, báo chí nhằm làm suy giảm niềm tin của người dân vào chính quyền.

Biết được nhược điểm của người dân là dễ tin, cả tin, họ không ngừng gieo rắc, lúc ngấm ngầm, khi công khai những điều bịa đặt với phương châm: “Mọi phương tiện đều tốt, miễn đạt mục đích”. Họ, những ngòi bút chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư luôn nhân danh điều tốt đẹp nhất để thực hiện những hành vi đê tiện nhất.

“Tao bày tỏ sự căm phẫn và kinh tởm đối với nhóm làm chương trình thời sự 7 giờ của VTV1 tối nay (17.2.2021), cùng với đám quan thầy các loại của chúng mày. Tao đã bỏ qua những kênh truyền hình quốc tế ưa thích, cố xem cho hết chương trình thời sự VTV1 tối nay để xem thử chúng mày có nhắc đến sự kiện Trung cộng xâm lược Việt Nam vào ngày này cách đây 42 năm hay không?... Chúng mày hèn hạ đến thế sao? Chúng mày không sợ cả dân tộc Việt Nam này phỉ nhổ lên tên tuổi của chúng mày, nguyền rủa dòng họ, tổ tiên của chúng mày đã sinh ra những kẻ hèn hạ, đốn mạt như chúng mày, hả?”.

Ðoạn văn vừa trích dẫn ở trên không phải của một kẻ đầu đường xó chợ, không phải của một người bình thường. Nó là của một người có học vị tiến sĩ, từng đứng đầu một viện nghiên cứu của một thành phố trực thuộc trung ương. Do những sai lầm trong quản lý và cả những dấu hiệu suy thoái tư tưởng, người này bị kỷ luật, khai trừ ra khỏi Ðảng.

Kể từ đó, người này thường xuyên xách mé, thể hiện sự hằn học qua từng bài viết. Xin nói trước, chúng tôi (người viết bài này) đã hết sức cân nhắc trước khi quyết định dẫn lại đoạn văn kể trên. Tại sao phải cân nhắc? Vì hai lẽ, trước hết, cho dù có bức xúc cá nhân, thì lời lẽ, văn phong nêu trên hoàn toàn không nên được phát ra bởi một người có học vị tiến sĩ.

Thứ hai, là người có học vị cao, giàu kiến thức, không thiếu thông tin, chẳng lẽ vị tiến sĩ (đã bị kỷ luật, khai trừ khỏi Ðảng) không biết rằng, VTV1 là đài truyền hình quốc gia, một cơ quan ngang bộ, trực thuộc Chính phủ, do đó, nói cái gì, nói như thế nào đều được cân nhắc kỹ lưỡng từng câu, từng chữ, đặc biệt, trong bang giao quốc tế.

Hằng năm, vào tháng 2, nhiều người cầm bút vốn sẵn định kiến cộng với góc nhìn thiên kiến lại “khai quật” cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 ra làm đề tài. Những người này gồm nhiều thành phần, lứa tuổi, địa vị xã hội khác nhau.

Theo dõi những gì họ viết hết năm này qua năm khác, dễ nhận thấy một điểm chung: họ thường xuyên vu khống, xuyên tạc, bịa đặt chủ trương của Ðảng trong quan hệ quốc tế bằng những lời lẽ hết sức nặng nề. Có người hỏi, xuyên tạc, bịa đặt ở đâu, có dẫn chứng được không hay chỉ nói chung chung? Xin thưa, không hề thiếu bằng chứng.

Nhiều năm nay, trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin rằng, đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành.... một tỉnh của Trung Quốc. Xin lưu ý, những loại hoang tin này không phải xuất phát từ những người thiếu hiểu biết hay thiếu thông tin.

Ngược lại, những người đưa thông tin nêu trên hầu hết đều thuộc tầng lớp được đào tạo, học hàm học vị cao, họ có thừa kinh nghiệm cũng như thời gian để đối chiếu thông tin, nếu muốn. Tuy nhiên, vì cái nhìn thiên kiến có sẵn, họ thường xuyên viết bài, nêu ý kiến có tính chất quy chụp, mạ lỵ, xúc phạm cá nhân, kể cả những lãnh đạo cao nhất của Ðảng và Nhà nước.

Lần theo dấu vết có thể nhận thấy, câu chuyện hoang đường “Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc” bắt nguồn từ một trang blog, trước khi mạng xã hội Facebook trở nên phổ biến. Tại thời điểm đó, năm 2009, câu chuyện tưởng tượng đến mức điên rồ này được xuất hiện rất nhiều lần trên một trang blog.

Khi Facebook trở nên phổ biến, nhiều người, xuất phát từ các nguyên nhân, động cơ khác nhau đã xào nấu lại câu chuyện hoang đường nêu trên và đăng lên trang cá nhân của mình. Trong số đó, có một dịch giả, ngoài trình độ ngoại ngữ, người này có biệt tài làm thể loại thơ 5 chữ.

Ông ta đã làm một bài thơ về chuyện “sáp nhập”, đăng lên trang cá nhân của mình và hỏi lãnh đạo Ðảng rằng, có chuyện đó hay không?! Ðiều đáng nói, không chỉ nhà thơ (những người vốn dễ bị yếu tố cảm xúc chi phối) mà ngay cả những người từng làm báo hoặc đang làm báo, vốn phải đặt sự tỉnh táo lên hàng đầu cũng mượn câu chuyện hoang đường này để bày tỏ sự hoài nghi rồi... chửi bới.

Theo dõi trang cá nhân của những người như vừa nêu, không khó nhận thấy hai điều. Một, là những người ít nhiều có trình độ, có kiến thức, họ hoặc chủ quan hoặc cố ý viết lại câu chuyện theo thuyết âm mưu, kiểu như truyện trinh thám. Những cụm từ xuất hiện nhiều lần trong bài viết của họ đậm chất thâm cung bí sử, kiểu như “mật nghị, mật ước, bí mật, hé lộ, rò rỉ, giả định...”.

Thứ hai, cách viết, lối hành văn như vừa nêu tạo ra sự hấp dẫn, tò mò của người đọc. Hầu hết bạn bè (trên trang cá nhân) của những người này, trong phần bình luận, chỉ thấy hùa theo, a dua “chủ thớt”, hiếm thấy có ý kiến nào nói ngược lại.

Ðầu năm 2021, trên trang cá nhân, một người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài đã đặt câu hỏi vừa có tính chất vấn, vừa kèm theo sắc thái mỉa mai đối với những người bị hoang tưởng, rằng: “Năm 2021 rồi, sao chưa thấy Việt Nam sáp nhập vào nước khác, các nhà dân chủ trả lời tui đi!”.

Tất nhiên, không “nhà dân chủ” nào có đủ dũng khí để trả lời câu hỏi đó! Cần nhắc lại, cũng xuất phát từ sự chống chế độ, chống đất nước đến điên rồ, một thời gian dài, trên mạng xã hội lan truyền thông tin nói Bác Hồ là người... nước ngoài. Chỉ căn cứ vào cuốn tiểu thuyết của một người thuộc vùng lãnh thổ Ðài Loan, những nhà “dân chủ hoang tưởng” đòi công khai quê quán thật của vị lãnh tụ.

Không chỉ cá nhân đơn lẻ, một đài phát thanh của nước ngoài, vốn không mấy thiện cảm với Việt Nam đã đặt câu hỏi với hai người Việt (một nhà văn, một nhà báo) dù nổi tiếng chống đối chế độ trong nước nhưng cả hai người này cũng ngay lập tức bác bỏ thông tin đồn nhảm về vị lãnh tụ.

Cả hai người này đều trả lời dứt khoát rằng, đó là những câu chuyện tào lao, nhảm nhí, không đáng để bàn. Chuyện nhiều tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, thiếu công tâm, không khách quan tập trung hạ bệ bằng được vị lãnh tụ không có gì khó hiểu. Cách nay đã lâu, Báo Công an nhân dân đăng bài viết lý giải thấu đáo về hiện tượng này. Gần đây nhất, ngày 21.2.2021, trên mạng xã hội Facebook và Tiktok xuất hiện hàng loạt bức ảnh (dạng ảnh động) bôi nhọ, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vài dẫn chứng nêu trên chứng minh rằng, những người thiếu thiện chí với đất nước, chế độ, bất chấp tất cả, họ không chỉ dừng lại ở bức “xỏ xiên” xuyên tạc, nhào nặn, bóp méo thông tin mà còn bịa đặt một cách trâng tráo nhất. Ðiều đáng nói là, do nền tảng công nghệ thông tin, tính chất của mạng xã hội, cộng với đặc tính của xã hội nông nghiệp, không ít người vẫn tin theo những thông tin bịa đặt đó.

Mối quan hệ bang giao quốc tế, từ lâu, lãnh đạo Ðảng, Nhà nước đã chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia. Ðể đạt được mục tiêu “dân cường, nước thịnh”, Việt Nam chấp nhận gác lại những trang sử đau thương, những mối quan hệ sóng gió, thăng trầm.

Ðiều này không hề đồng nghĩa với việc phủ định hay lãng quên. “Không ai và cái gì bị lãng quên”- lãnh đạo Ðảng nhiều lần nhấn mạnh điều này. Có ai đó cũng đã đúc kết “không ai thay đổi được quá khứ, còn tương lai phụ thuộc vào chúng ta”.

Việt Ðông

(còn tiếp)