Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đại đoàn kết dân tộc trước biến động của thế giới

Bài 1: Ngọn cờ đoàn kết 

Cập nhật ngày: 05/03/2024 - 08:34

BTN - Đại đoàn kết dân tộc là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, cả trong hoà bình xây dựng đất nước cũng như trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.

Hơn 20 năm trước, ngày 12.3.2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

20 năm sau, ngày 24.11.2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ban hành Nghị quyết số 43-NQ//TW về “tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Đại đoàn kết dân tộc là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, cả trong hoà bình xây dựng đất nước cũng như trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Trước những biến động lớn của tình hình quốc tế, truyền thống đó càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết

Năm 2003, dù công cuộc đổi mới thu được những thành tựu lớn nhưng lúc này nước ta vẫn chưa ra khỏi tình trạng khó khăn về nhiều mặt. Đối với vấn đề đại đoàn kết dân tộc, tại thời điểm đó, Trung ương đánh giá, từ sau Đại hội VI, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân, về đại đoàn kết toàn dân tộc, về dân tộc, tôn giáo, về mặt trận và các đoàn thể nhân dân.

Thông qua việc thực hiện các nghị quyết, quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội đã từng bước được phát huy, góp phần tích cực động viên nhân dân phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Hai mươi năm trước

Tại thời điểm đầu những năm 2000, Trung ương nhận định, việc tập hợp nhân dân với các hình thức đa dạng có bước phát triển mới. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên được mở rộng, vai trò và vị trí trong xã hội được nâng cao, nội dung hoạt động phong phú, thiết thực hơn, đã động viên, lôi cuốn được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức được mở rộng hơn, là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước.

Đạt được thành tựu trên là do nhân dân ta có truyền thống yêu nước, thương nòi, đoàn kết trong quá trình dựng nước và giữ nước; từ ngày có Đảng, luôn gắn bó với Đảng, với cách mạng. Đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng là ngọn cờ đoàn kết, tập hợp nhân dân trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Tổ chức đảng và chính quyền các cấp có bước chuyển biến về công tác dân vận. Mặt trận và các đoàn thể nhân dân nỗ lực đổi mới công tác, hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn.

“Tuy nhiên, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân chưa thật bền chặt và đang đứng trước những thách thức mới. Lòng tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ của một bộ phận nhân dân chưa vững chắc.

Phần vì đời sống còn nhiều khó khăn, phần vì bất bình trước những bất công xã hội và tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí còn khá phổ biến và nghiêm trọng. Kỷ cương phép nước nhiều lúc, nhiều nơi không nghiêm, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp, trật tự an toàn xã hội còn phức tạp.

Các vụ khiếu kiện đông người vẫn còn nhiều, có lúc, có nơi rất gay gắt. Việc tập hợp nhân dân vào Mặt trận và các đoàn thể, các tổ chức xã hội còn nhiều hạn chế, nhất là ở khu vực kinh tế tư nhân, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ở một số vùng có đông đồng bào theo đạo, đồng bào dân tộc thiểu số...”- Trung ương Đảng đánh giá. Trung ương chỉ ra, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là do: Đảng chưa phân tích và dự báo đầy đủ những biến đổi trong cơ cấu giai cấp - xã hội và những mâu thuẫn mới nảy sinh trong nhân dân, trong một thời gian dài chưa có chủ trương khắc phục những mâu thuẫn ấy một cách đúng đắn, kịp thời.

Nhiều tổ chức đảng, chính quyền còn coi nhẹ công tác dân vận. Hệ thống chính trị ở cơ sở còn yếu kém về nhiều mặt. Ở một số nơi, cấp uỷ đảng còn mất đoàn kết. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, thậm chí thoái hoá, hư hỏng, một số cấp uỷ, cán bộ, đảng viên còn hẹp hòi, định kiến với những người ngoài Đảng, người làm kinh tế tư nhân, chức sắc tôn giáo... làm giảm sút vai trò hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết của tổ chức đảng.

Một số chủ trương, chính sách của Nhà nước chưa thể hiện đầy đủ quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc; việc thực hiện còn nhiều thiếu sót. Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở nhiều nơi còn hình thức và nặng về hành chính, không sát dân.

Sự suy thoái về lối sống và đạo đức, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền làm xói mòn tình làng, nghĩa xóm. Ý thức công dân, ý thức chấp hành kỷ cương, chính sách, pháp luật của một bộ phận nhân dân còn yếu kém. Các thế lực thù địch ra sức phá hoại khối đoàn kết của nhân dân ta, luôn kích động những vấn đề "dân chủ, nhân quyền", dân tộc, tôn giáo... để gây ly gián, chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Từ thực tế đó, Trung ương đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, ngoài các giai tầng, đội ngũ, cần đặc biệt chú trọng tình hình dân tộc và tôn giáo. “Thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; chống kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc.

Tập trung phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Nêu cao ý thức tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời tăng cường sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. Thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân sĩ, trí thức dân tộc thiểu số. Động viên, phát huy vai trò của mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của đạo lý và truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với nước, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan.

Đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo có trách nhiệm sống “tốt đời, đẹp đạo”, phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo luật pháp và được luật pháp bảo hộ. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo.

Nghiêm cấm lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tổn hại đến an ninh quốc gia” - Nghị quyết 23, ngày 12.3.2003 của Trung ương Đảng nêu.

Hai mươi năm sau

Ngày 24.11.2023, tại Hội nghị lần thứ tám, Trung ương nhận định, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại được thực hiện có hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Quyền làm chủ của nhân dân được coi trọng, ngày càng đi vào thực chất, nhất là dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Vai trò của nhân dân trong tham gia, quyết định chính sách liên quan đến cuộc sống, những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước được phát huy; quyền con người, quyền công dân được đề cao.

Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền chú trọng tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị, bức xúc của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp, tạo sự đồng thuận, khơi dậy tinh thần yêu nước, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong các phong trào thi đua yêu nước. Truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường, phát huy, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việt Đông

(còn tiếp)