Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển”

Bài 1: Nhân dân là trung tâm 

Cập nhật ngày: 18/03/2024 - 07:27

BTN - Tháng 2.2024, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết, nhan đề "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng".

Cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm De Castries.

Giáo sư Valeria Vershinina, Học viện Quan hệ quốc tế Moscow đánh giá bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “có vai trò quan trọng nhằm củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng".

Trong mắt bạn bè quốc tế

''Bài viết của Tổng Bí thư nhấn mạnh "đảm bảo hài hoà giữa kiên định và đổi mới; kế thừa và phát triển" thể hiện quyết tâm thích nghi với mọi tình hình, mọi biến động, ưu tiên giải quyết nhu cầu của Nhân dân, đặt người dân ở vị trí trung tâm, thắt chặt hơn mối quan hệ mật thiết giữa Nhân dân và Đảng Cộng sản Việt Nam'' - Giáo sư Valeria Vershinina phát biểu với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Hơn 10 năm sinh sống tại Việt Nam, nhà báo Mỹ Amiad Horowitz tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Việt Nam có thể tiến tới hoàn thành thắng lợi những mục tiêu chung của đất nước. ''Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" cũng là một tư tưởng xuyên suốt được nhấn mạnh nhiều lần trong bài viết của Tổng Bí thư- nhà báo người Mỹ, ông Amiad Horowitz bình luận.

Nhà báo đến từ nước Mỹ bình luận rằng, ''Nhân dân là trung tâm" là điểm mới quan trọng tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, được đúc kết, hoàn thiện từ tư tưởng "dân là gốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việt Nam luôn kiên định trên con đường phát triển đất nước vì sự phát triển của Nhân dân. Nhờ vậy, giữa những khó khăn toàn cầu, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng cao và đồng bộ.

Đây không phải lần đầu nhà báo người Mỹ, ông Amiad Horowitz bình luận về bài viết của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2021, khi cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư ra mắt bạn đọc, nhà báo đến từ Mỹ nhận định: "Bài viết (trong cuốn sách) có tầm quan trọng to lớn đối với phong trào cộng sản quốc tế" và "Đảng Cộng sản Hoa Kỳ được hưởng lợi từ tinh thần quốc tế chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam và vô cùng tự hào về mối quan hệ đồng chí sâu đậm của chúng ta". Ông cho rằng "những người cộng sản trên khắp địa cầu nên nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".

Trong bài viết, Tổng Bí thư dành một phần nội dung nhấn mạnh phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Những tư tưởng lớn của Tổng Bí thư trong công tác phòng, chống tham nhũng đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho các phóng viên nước ngoài công tác tại Việt Nam. ''Năm 2023, Việt Nam đã khởi tố mới hơn 730 vụ án với hơn 2.100 bị can phạm tội về tham nhũng. Tôi nghĩ không dễ để vạch trần mặt tiêu cực.

Thông điệp trong bài viết của Tổng Bí thư thể hiện ý chí của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc xử lý các vụ án tham nhũng một cách toàn diện, nghiêm minh và nghiêm khắc'' - bà Jung Rina, Trưởng đại diện Văn phòng thường trú Hãng Thông tấn Asia Today (Hàn Quốc) tại Hà Nội cho biết.

“Ta đã đi và ta đã đến”

Bài viết của Tổng Bí thư, về tổng quan, chia làm ba phần. Phần một, tác giả khái quát lịch sử ra đời của Đảng, Đảng lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

“Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta đã chứng minh rằng, yêu nước và giữ nước, kiên quyết chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền và thống nhất đất nước là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Nối tiếp truyền thống đó, từ giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, không cam chịu làm thân phận nô lệ, Nhân dân ta đã liên tiếp vùng lên đấu tranh qua các phong trào yêu nước diễn ra liên tục và mạnh mẽ bằng nhiều con đường với nhiều khuynh hướng khác nhau.

Từ con đường cứu nước của các sĩ phu cho đến các cuộc khởi nghĩa nông dân và con đường cách mạng tư sản... mặc dù đã đấu tranh rất kiên cường, đầy tâm huyết và chịu những hy sinh to lớn, song, do hạn chế lịch sử, nhất là thiếu một đường lối đúng, các phong trào đó đã không thành công. Lịch sử đòi hỏi phải tìm con đường mới”- trích phần một của bài viết.

Đoạn văn này, tác giả khẳng định truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam và lý giải, trước hoàn cảnh lịch sử những năm 30 của thế kỷ XX, sự ra đời của Đảng là một đòi hỏi của lịch sử. Lúc sinh thời, trong một lần trả lời phỏng vấn của các nhà báo phương Tây, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho biết, tính từ năm 1858 (khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng, mở màn cuộc xâm lược và chiếm đóng Việt Nam) cho đến năm 1930, tổng cộng có hơn 300 cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ nổi dậy chống thực dân Pháp nhưng đều thất bại.

Hai mươi bốn năm sau, năm 1954, kể từ ngày Việt Nam có một chính đảng lãnh đạo, thực dân Pháp, sau trận Điện Biên Phủ, buộc phải rút khỏi Việt Nam. Sau sự kiện lịch sử chấn động toàn cầu này, tướng De Castries- Chỉ huy quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ De Castries phải điều trần trước uỷ ban điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp. Viên tướng này chỉ trả lời một câu ngắn gọn khiến các thành viên uỷ ban chưng hửng: “Người ta có thể thắng một đạo quân nhưng không thể thắng một dân tộc”.

“Nhìn lại chặng đường 1930-1975, chúng ta rất đỗi tự hào, tin tưởng và biết ơn sâu sắc Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại đã luôn luôn sáng suốt lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi vang dội này đến thắng lợi vang dội khác, viết tiếp vào lịch sử của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng những trang vàng chói lọi, được thế giới ngưỡng mộ, đánh giá cao: Tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất, giành chính quyền về tay Nhân dân, đưa nước ta ra khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc vào năm 1945; Trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc bằng Hiệp định Geneve và thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; Vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, vừa đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ trên không và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” - nhà báo, nhà lý luận hàng đầu, người lãnh đạo cao nhất của Đảng đúc kết lại hành trình lịch sử của dân tộc ta.

“Mọi cái đều có thể”

Cần nhắc lại, tối 5.3.2021, kênh truyền hình của Báo Nhân Dân và kênh VTV1 của Ðài truyền hình Việt Nam phát sóng tập 85 bộ phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình”. Trong tập phim này (nói về những sự kiện diễn ra năm 2015), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thời điểm này chưa nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước), ngay tại Phòng Bầu dục của Nhà trắng, ông đã nói với Tổng thống Mỹ Obama rằng, hai nước Việt Nam và Mỹ cần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai.

Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ngay tại cuộc hội đàm, bày tỏ sự tán thành với lãnh đạo Việt Nam. Như chính Tổng Bí thư của Ðảng đã nói, chỉ vài chục năm trước, không ai nghĩ rằng, có một ngày, người đứng đầu Ðảng Cộng sản Việt Nam lại ngồi trò chuyện với người đứng đầu nước Mỹ ngay tại thủ đô của quốc gia này.

Thomas A.Hutchings - một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam viết: “Việt Nam đang thay đổi và có một lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước thật hào hùng”. Trong một dịp trao đổi với bạn bè thế giới, trong đó có nhiều phóng viên nước ngoài, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Sự tín nhiệm và ủng hộ của Nhân dân là cơ sở quan trọng, quyết định nhất đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Nhân dân Việt Nam có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình và chúng tôi tin tưởng rằng, đó là sự lựa chọn đúng đắn vì tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam”. Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao bình luận, sự ổn định chính trị, ổn định về kinh tế vĩ mô ở Việt Nam là điều kiện, là cơ sở vững chắc để Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tăng trưởng đồng đều.

Việt Đông

(còn tiếp)