Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giá trị vĩnh cửu của hoà bình
Bài 1: Nhân danh điều tốt đẹp nhưng hành động ngược lại
Thứ tư: 07:27 ngày 07/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không chỉ những cá nhân đơn lẻ, chiêu trò dụ dỗ, kích động người dân, nhất là lớp trẻ còn được một số tổ chức thiếu thiện chí, thậm chí thù hằn ra mặt với chế độ hiện nay công khai trên mạng. Sau khi thất bại trong việc xâm nhập vào Việt Nam, những tổ chức này triệt để lợi dụng mạng xã hội để hy vọng vào một cuộc cách mạng đường phố.

Sau Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, các cấp, ngành, cả trung ương và địa phương triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của đại hội. Trong phần trình bày về công tác xây dựng Ðảng, ông Phạm Minh Chính- Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (vừa được Quốc hội bầu làm Thủ tướng) không chỉ đề cập mà còn nhấn mạnh về cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật, kiên quyết bác bỏ những thông tin bịa đặt, kích động, thù hằn trên không gian mạng.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cũng nhấn mạnh, hình thái chiến tranh đang thay đổi. Trong lịch sử, các nước lớn, khi phát động chiến tranh, họ xua quân chiếm lãnh thổ, sau đó xây dựng bộ máy cai trị theo ý đồ của họ.

Ngày nay, cách thức phát động chiến tranh như trên vẫn còn. Nhưng một hình thái chiến tranh mới đã và đang xuất hiện, đó là các thế lực có dã tâm đen tối tìm cách thay đổi chế độ từ bên trong. Công nghệ thông tin, nền tảng mạng xã hội là một công cụ hữu hiệu để một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thực hiện hành động đó.

Gần một tháng trước, trên trang cá nhân của một chức sắc tôn giáo (xuất phát từ sự tôn trọng với đồng bào có đạo, xin phép không nêu cụ thể danh tính, tôn giáo của người này) xuất hiện hình ảnh một đàn trâu khoảng 10 con.

Cả đàn trâu này con nào cũng có dấu hiệu lạ: phần lưng có màu đỏ, phồng rộp như bị bỏng. Từ hình ảnh đàn trâu, vị chức sắc của tôn giáo nọ “chẩn đoán” đây là những con trâu bị nhiễm xạ và nhà nước “đưa về vùng của chúng ta”, do đó, người dân không nên ăn thịt những con trâu này. Không lâu sau, lần theo dấu vết, người ta đã tìm  được đường dẫn (link) gốc của câu chuyện.

Thực tế, “đàn trâu bị nhiễm xạ” chính là những con trâu ở vương quốc Thái Lan bị bỏng sau một đám cháy. Chủ của đàn gia súc này vẫn nuôi chúng bình thường, không con nào chết, dù chúng bị bỏng khá nặng ở phần lưng.

Như vậy, rõ ràng, thông tin đàn trâu bị nhiễm xạ và “được đưa về vùng chúng ta” là sản phẩm của sự bịa đặt trắng trợn chứ không chỉ ở mức độ xuyên tạc, bóp méo thông tin như thường thấy.

Nhân câu chuyện trên, cần nhắc lại một sự kiện từng gây sóng gió cả trên mạng xã hội cũng như báo chí chính thống: sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Ðại. Tháng 9.2018, xuất phát từ một đoạn video clip không đầu không cuối, một “đám cháy” đã bùng lên dữ dội xung quanh bộ sách nêu trên.

Tận dụng cơ hội, một vài người đã có hành vi không chấp nhận được: đốt sách. Khái quát ngắn gọn, tại thời điểm đó, một video clip quay cảnh hai hoặc ba người phụ nữ lần lượt xé từng trang của tài liệu Công nghệ giáo dục rồi châm lửa đốt.

Theo âm thanh phát ra từ video clip, nếu trung thực, thì hình ảnh hai hay ba người phụ nữ xé sách sau đó châm lửa đốt diễn ra ở tỉnh Lâm Ðồng. Trong video clip, người phụ nữ vừa đốt sách vừa chửi rủa bằng ngôn từ nặng nề, thiếu văn hoá.

Ðoạn video dài chừng 12 phút này đã thu hút hàng ngàn người xem, like và bình phẩm loạn xạ. Trước đó, một người đàn ông nói giọng Nam bộ, khoác áo tu hành, đầu cạo trọc, khuôn mặt dữ tợn cũng phát một video clip kêu gào đòi “đốt sách cộng sản”, video này sau đó không còn thấy xuất hiện trên mạng nữa.

Ngoài hai đoạn video nêu trên, liên quan đến sách Công nghệ giáo dục, tại hai tỉnh thuộc khu vực miền Trung, hai chức sắc thuộc cùng một tôn giáo đã ra lệnh cho người dân có đạo trong địa bàn của họ không cho con em đến trường.

Thông tin này là hoàn hoàn có thật và đã được kiểm chứng. Không chỉ vậy, theo thông tin, vị chức sắc kia còn cho thân tín thuộc hạ đe doạ cả giáo viên rằng “nếu tiếp tục dạy sách Công nghệ giáo dục thì sẽ nhận hậu quả nặng nề và sẽ không còn ai để dạy nữa”.

Những sự việc, hành vi nêu trên được đưa lên mạng nhằm mục đích gì? Ðể thông tin, cảnh báo kịp thời? Không phải. Ðể bảo đảm thông tin đa chiều? Không phải. Ðể thể hiện quyền tự do ngôn luận? Cũng không phải? Ðể thể hiện quyền lực của người đưa tin? Chưa đúng. Khác với mọi loài, con người là sinh vật có trí tuệ duy nhất hành động có mục đích. Vậy, mục đích của những người vừa nêu là gì? Kích động người dân lương thiện, cả tin để từ đó làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Ðây mới là mục đích chính của họ.

Không chỉ những cá nhân đơn lẻ, chiêu trò dụ dỗ, kích động người dân, nhất là lớp trẻ còn được một số tổ chức thiếu thiện chí, thậm chí thù hằn ra mặt với chế độ hiện nay công khai trên mạng. Sau khi thất bại trong việc xâm nhập vào Việt Nam, những tổ chức này triệt để lợi dụng mạng xã hội để hy vọng vào một cuộc cách mạng đường phố.

Trước những biến động ở một nước trong khu vực Ðông Nam Á, một tổ chức của người Việt ở nước ngoài, thông qua bài viết của mình, công khai kêu gọi thanh niên Việt Nam xuống đường. Một thống kê cho thấy, tổ chức này (không muốn nêu tên) đã lập trên 300 tài khoản của các hội, nhóm (con) để ngày ngày truyền nhiều thông tin sai lệch từ trong nước ra nước ngoài và từ nước ngoài vào trong nước.

Số người theo dõi tin tức của trang này trên mạng xã hội facebokk lên đến gần 1,4 triệu người. Thật ra, việc một cá nhân, tổ chức muốn lập bao nhiêu tài khoản trên mạng, là quyền của họ, nó không quá quan trọng.

Ðiều đáng bàn là, số tài khoản khổng lồ nêu trên được dùng vào mục đích gì? Theo dõi nội dung thì thấy, những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, hầu hết những bài viết này chứa đựng thông tin phê phán, bịa đặt tình hình trong nước.

Không những vậy, họ (thường nhân danh những điều tốt đẹp nhất) để thực hiện những hành vi đê tiện, hèn hạ. Trong một bình luận, nhóm người này để hình ảnh vị lãnh tụ của dân tộc cạnh một kẻ khủng bố khét tiếng thế giới.

Thử hỏi, họ- những người luôn tự nhận mình đại diện cho “lương tâm, lương tri” có còn là con người bình thường nữa hay không? Một chiêu trò khá tinh vi nhưng không khó để nhận ra của tổ chức này, thông qua các bài viết, họ muốn kêu gọi người dân trong nước “nổi dậy” giống như đất nước M.

Chưa biết tình hình M sẽ đi về đâu và đi như thế nào. Nhưng có điều chắc chắn, toàn bộ nền kinh tế gồm đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, các dịch vụ công ích thiết yếu như y tế, giáo dục đã hoàn toàn bị ngừng trệ. Hơn ai hết, chính người dân nước này đang phải gánh chịu hậu quả.

Giới quan sát còn thận trọng cho rằng, nếu không khéo, đất nước này có nguy cơ rơi vào tình trạng phân rã giống như nhiều quốc gia của cái gọi là “mùa xuân Ả rập”. Ðây cũng là điều mà một số tổ chức, cá nhân hằn học với chế độ hiện nay trông chờ để đục nước béo cò.

Chợt nhớ, khi dịch bệnh Covid-19 đang lúc tăng cao về số người chết, trên mạng xuất hiện một bài viết có nhan đề: “Mỹ một ngày hàng ngàn người chết, bao giờ tới lượt Việt Nam”. Dưới góc nhìn của người làm báo, đó là một cái tít bài vô đạo đức.

Dưới góc nhìn cộng đồng, những người trông cho Việt Nam vỡ trận trong chống dịch, cũng là “máu đỏ da vàng” chứ không phải những ông tây, bà đầm nào đó. Tự nhận mình là chính nghĩa, tại sao họ lại phun ra những câu chữ độc ác, vô đạo đến như thế? Không chỉ dừng lại ở mức độ so sánh, ám chỉ gần xa, nhiều bài viết của tổ chức bị liệt vào khủng bố này còn thể hiện theo cách không hề giấu giếm của họ nhằm làm phân ly giữa người dân với chính quyền. Trong số đó có bài viết “Bao giờ vạc dầu biển Ðông bùng cháy”.

Ðây là một bài viết xào nấu từ nhiều nguồn tin đã cũ nhưng người viết luôn ám chỉ rằng, Việt Nam sẽ hứng nguy cơ chiến tranh trên biển Ðông. Những người- miệng luôn nhân danh những điều tốt đẹp nhưng trong thâm tâm, họ không muốn cho đất nước bình yên.

Việt Ðông

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục