Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Người ở Tây Ninh kể chuyện 70 năm bản hùng ca Điện Biên Phủ
Bài 1: “Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn”
Thứ năm: 07:32 ngày 02/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bảy mươi năm đã trôi qua, những người tham gia chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu tại Điện Biên Phủ không còn nhiều. Cùng nghe họ kể về cuộc trường kỳ “kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ”

Cách nay tròn 70 năm, ngày 7.5.1954, dân tộc Việt Nam, sau “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” làm nên trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ thực dân cũ trên phạm vi toàn cầu. Do điều kiện lịch sử, những người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ, phần lớn ở miền Bắc.

Sau cuộc trường chinh vạn dặm, đất nước thống nhất, nhiều người trong số đó, mỗi người một hoàn cảnh, chọn Tây Ninh làm nơi dừng chân cuối cùng của cuộc đời. Bảy mươi năm đã trôi qua, những người tham gia chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu tại Điện Biên Phủ không còn nhiều. Cùng nghe họ kể về cuộc trường kỳ “kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ”.

Ông Nguyễn Văn Cát và người bạn đời.

Một trong số những người tham gia vận chuyển lương thực ra mặt trận Điện Biên đang sinh sống ở Tây Ninh là ông Nguyễn Văn Cát, ngụ xã Tân Phú, huyện Tân Châu. Sinh năm 1937 tại Thanh Hoá, tháng 3.1954, tròn mười bảy tuổi, cùng với hai người chú họ, Nguyễn Văn Cát tham gia vận chuyển lương thực phục vụ chiến trường Điện Biên.

“Ta phải giành lại giang sơn”

Ông Cát kể, thời điểm đó, đoàn dân công hoả tuyến mà ông tham gia không có xe thồ như những hình ảnh thường thấy. Vì không có xe thồ, cả đoàn dân công gồm nhiều lứa tuổi khác nhau gánh lương thực ra mặt trận.

“Mỗi người gánh từ 30 - 40 kg gạo. Chúng tôi xuất phát từ Thanh Hoá, đi qua tỉnh Hoà Bình, rồi đi mãi theo hướng dẫn. Đến địa điểm quy định, do gạo hao hụt trên đường vận chuyển, tại địa điểm mới, đoàn dân công nhận gạo bổ sung và sau đó tiếp tục trèo đèo lội suối ra mặt trận”- ông Cát nhớ lại.

Ông kể tiếp, hầu hết những người gánh gạo, vận chuyển lương thực ra mặt trận để bảo đảm công tác hậu cần cho chiến dịch, hầu như đi chân không, không ai có dép. Đường rừng, bụi rậm, gai nhọn, bàn chân của người nông dân, của anh thanh niên nông thôn tứa máu là chuyện bình thường.

Về sau, trong đoàn, có người đề xuất “sáng kiến kinh nghiệm” bằng cách lấy những chiếc lốp (vỏ) xe đạp đã hỏng cắt từng khúc, gấp đôi lại, xỏ sợi dây cột quanh chân làm dép. Trên đường đi, đoàn dân công hoả tuyến vừa lo tránh gai nhọn, đề phòng rắn độc, tránh những con suối chảy xiết lại vừa lo tránh máy bay địch thả bom. Chuyến vận chuyển đầu tiên, cả đoàn đi mất hơn ba chục ngày.

Sau khi vận chuyển lương thực đến địa điểm tập kết, tại đây, có một đoàn khác tiếp tục vận chuyển ra phía trước, cứ như chạy tiếp sức vậy. Nhiều lần, cả đoàn gặp máy bay, bị ném bom, nhưng thật may mắn, không ai trong đoàn hy sinh. Sau khi bàn giao lương thực, đoàn dân công có nhiệm vụ đưa thương binh về tuyến sau.

“Xin hỏi thật, trên đường vận chuyển lương thực ra mặt trận và tải thương binh về phía sau, đoàn dân công có ai bỏ về giữa chừng không?”. Ông Cát cho biết, sự hy sinh, gian khổ không ai sao kể xiết nhưng đoàn dân công có ông tham gia không hề có một trường hợp nào rời đội ngũ.

“Trong đoàn không chỉ có thanh niên, còn có cả những người 40 - 50 tuổi. Không chỉ có nam giới, có cả phụ nữ. Thiếu thốn, gian nan vô cùng nhưng tất cả có chung một quyết tâm rằng, ta phải thắng trận này để giành lại giang sơn”- ông Cát nhớ lại không khí, tinh thần khi cả dân tộc ra trận, cách nay tròn bảy mươi năm.

“Tham gia kháng chiến từ lúc còn trẻ, đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, tôi chỉ mong thế hệ trẻ hôm nay đừng quên những năm tháng gian lao của cả dân tộc và giữ cho được hoà bình”- ông Cát bày tỏ.

Đoàn dân công hoả tuyến, dẫu sao cũng không thể được chăm lo đầy đủ như bộ đội chính quy. Trên đường đi, đoàn chia làm nhiều tổ, mỗi tổ từ năm đến bảy người. Gạo có sẵn, họ hái rau rừng làm thực phẩm. “Lá lốt rừng là thứ lá chúng tôi ăn nhiều nhất, vì lá này lành và mát.

Thỉnh thoảng có thêm chút muối hay dừng chân bắt cá dưới suối để cải thiện, vì mọi nguồn lực hậu cần đều ưu tiên cho bộ đội chính quy. Số lượng người vận chuyển lương thực ra mặt trận rất đông, hết đoàn này đến đoàn khác, “người người lớp lớp” như thế”. Từ khi tham gia đợt đầu cho đến ngày kết thúc trận Điện Biên Phủ, ông Cát tham gia tổng cộng bảy chuyến vận chuyển lương thực và tải thương binh về phía sau.

“Không chỉ vận chuyển lương thực cho bộ đội của ta ở chiến trường Điện Biên Phủ, đoàn dân công chúng tôi còn vận chuyển lương thực giúp đỡ bộ đội cách mạng Lào (Pathet Lào). Do có kinh nghiệm, việc vận chuyển lương thực giúp bộ đội cách mạng Lào đỡ khó khăn hơn nhưng lại vấp phải bọn thổ phỉ (phỉ Vàng Pao).

Bọn phỉ này chạm mặt đoàn chúng tôi nhưng nó chỉ cướp lương thực, không ai trong đoàn chúng tôi bị giết bởi bọn phỉ. Có lẽ nó muốn tha chết cho mình để mình vận chuyển lương thực cho nó… cướp tiếp. Cuối cùng, bộ đội cách mạng Lào cũng chiến thắng phỉ Vàng Pao”- ông Cát nói về những năm tháng ra trận cách nay 70 năm.

“Anh đi đi, em gắng nuôi nhà”

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Cát, lúc này chỉ ngoài tuổi hai mươi về lại quê nhà Thanh Hoá. “Theo tinh thần Hiệp định Genève, chúng tôi chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước nhưng không ai ngờ được, “chúng nó” tìm mọi cách chia cắt đất nước ta”- ông Cát mở đầu giai đoạn mới của cuộc đời: chuẩn bị vào miền Nam.

Nghỉ ngơi được một thời gian, năm 1958, ông Cát trở thành cán bộ lương thực ở tỉnh Thanh Hoá. Năm 1964, ông Cát được kết nạp Đảng, chuyện không hề đơn giản lúc bấy giờ. Sau đó, ông Cát được cử đi học một lớp cơ yếu dài hạn do Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức.

“Khi cử tôi đi học, cán bộ cấp trên nói với tôi, học xong về phục vụ cho Tỉnh uỷ. Nhưng khi học xong, do yêu cầu của chiến trường miền Nam, lớp cơ yếu của chúng tôi gồm 40 người, được đào tạo bài bản, đều lên đường đi B (vào Nam)”. Ngày 30.6.1966, cùng với nhiều đồng chí khác, ông Cát chia tay người vợ trẻ và những đứa con còn nhỏ, lên đường vào miền Nam chiến đấu.

“Xuất phát từ tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi đi xe vào đến tỉnh Quảng Bình. Từ phía Bắc sông Gianh của Quảng Bình, chúng tôi bắt đầu đi bộ. Thời điểm đó, khu vực này bị ném bom liên tục, đoàn quân không sao đi theo lộ trình được.

Lãnh đạo đoàn quyết định cho toàn bộ anh em đi ra phía biển, rồi tiếp tục đi về phía Nam. Cứ như thế, chúng tôi đặt chân đến khu vực Đồng Rùm thuộc huyện Tân Châu hiện nay, đúng ngày 22.12.1966. Từ miền Bắc, mất đúng nửa năm, đoàn cán bộ cơ yếu chúng tôi đặt chân đến đất Tây Ninh. Trên đường đi, có một chiến sĩ tên Huệ, quê ở huyện Thiệu Hoá, qua đời vì sốt rét”.

“Tôi còn nhớ, hôm đó đang đi, một người trong đoàn chúng tôi bỗng dưng dừng lại, đi vào rừng rồi gục xuống bên gốc cây. Hôm sau, chúng tôi quay lại tìm, ba lô vẫn còn nguyên trên lưng nhưng gương mặt của đồng chí ấy đã bị mối ăn nham nhở. Đây là người đầu tiên trong đoàn chúng tôi hy sinh trên đường ra trận”- ông Cát kể. Trong những năm ở chiến trường miền Nam, ông Cát phục vụ trong lĩnh vực cơ yếu cho lãnh đạo Bộ Tham mưu Miền. Ngày 30.4. 1975, đơn vị ông Cát đóng quân tại Bình Long, Bình Phước và biết chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (Chiến dịch Hồ Chí Minh) toàn thắng.

Thật thiếu sót nếu bài viết này không nhắc đến vai trò của người phụ nữ. Người phụ nữ trong câu chuyện này là bà Nguyễn Thị Bình, vợ ông Cát. Sau chiến thắng Điện Biên, ông Cát lập gia đình với bà Bình. Những tưởng hoà bình lập lại và tổng tuyển cử thống nhất đất nước nhưng đúng 12 năm sau, kể từ năm 1954, ông Cát chia tay gia đình vào chiến trường miền Nam. Miền Bắc “nặng đôi vai” chi viện sức người sức của cho miền Nam đánh Mỹ. Ở tuổi gần 90, bà Bình nhớ lại, chồng bà- ông Cát đi một mạch từ năm 1966 đến 1977 mới trở về thăm quê, gặp lại vợ con.

“Mười một năm, ở nhà cày cấy nuôi con, thỉnh thoàng nhận được thư ông ấy nhưng tôi không thật sự tin ông còn sống để về với vợ con. Một hôm, đang đi cày, có người chạy ra đồng báo tin “ông Cát về”, tôi bỏ dở đường cày chạy về nhìn thấy chồng bằng xương bằng thịt trước mặt mình.

Lúc bấy giờ, tôi mới thật sự tin chồng mình còn sống” - cụ bà Nguyễn Thị Bình xúc động. Hình ảnh người phụ nữ miền Bắc như bà Bình được khắc hoạ trong mấy câu thơ của Tố Hữu: “Những người vợ biết tình sâu nghĩa nặng/ Anh đi đi, em gắng nuôi nhà/ Biết cầm cày và cầm súng cho ta/ Gieo giống mới, làm nên mùa gặt lớn…”.

Việt Đông - Đại Dương

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục