PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cách Mạng Tháng Tám: Không bàn tay nào che nổi “mặt trời chân lý”
Bài 1: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”
Chủ nhật: 23:53 ngày 10/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam còn có ý nghĩa quốc tế, bởi lẽ đây là một trong những phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu tiên trên thế giới.

Chúng ta đang sống giữa những ngày mùa thu lịch sử - 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9. Đúng vào thời điểm này, trên mạng xã hội lan truyền văn bản Chiếu thoái vị (1945) của Bảo Đại- ông vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Thực ra, nếu trên không gian mạng chỉ xuất hiện Chiếu thoái vị, điều này không có gì đáng bàn, những ai quan tâm lịch sử đều dễ dàng tra cứu, tìm đọc văn bản Chiếu thoái vị. Nếu muốn, người ta hoàn toàn có thể đối chiếu giữa “lời hay ý đẹp” trong Chiếu thoại vị với hành động sau đó của vua Bảo Đại xem có nhất quán không. Nhưng, điều đáng nói, nhân sự việc này, không ít người lợi dụng để đòi xét lại, nhìn nhận lại một sự kiện tưởng như không có gì phải bàn cãi: Cách mạng tháng Tám 1945 - sự kiện lịch sử mở ra kỷ nguyên mới đối với nhiều quốc gia bị áp bức, không riêng gì Việt Nam.

Hình ảnh tái hiện không gian lễ thoái vị của vua Bảo Đại và trao ấn kiếm cho đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế

Để không mang tiếng “nhà trồng được”, xin bắt đầu bài viết bằng ý kiến đánh giá cuộc cách mạng năm 1945 của các sử gia nước ngoài, kể cả những người Việt Nam nhưng từng ở bên kia chiến tuyến. Xin lưu ý, những người Việt Nam xuất hiện trong loạt bài này có hai nhóm: nhóm thứ nhất, họ đã có một thời theo cách mạng nhưng sau đó “đổi chiều”, nhóm thứ hai gồm những nhân vật hàng đầu trong triều đình nhà Nguyễn. Họ chống đối tới cùng chính quyền cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, song, trước khi từ giã cõi đời, họ đã nói lên tiếng nói khách quan.

Người nước ngoài nói về Cách Mạng Tháng Tám

Trong cuốn “The Vietnamese Revolution of 1945-Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War” (Cách mạng Việt Nam 1945-Roosevelt, Hồ Chí Minh và De Gaulle trong một thế giới chiến tranh) in năm 1991, nhà sử học người Na Uy (một quốc gia thịnh vượng ở Bắc Âu) S.Tonnesson đánh giá, sau ngày Quốc khánh, Hồ Chủ tịch đã thực hiện tổng tuyển cử, thành lập chính phủ hợp pháp dựa trên quyền tự do dân chủ.

“Cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, không chỉ có vậy, đó còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát và là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và những người thu thuế”- nhà sử học đến từ Bắc Âu bình luận, Theo nhà sử học phương Tây này, “cách mạng Việt Nam quan trọng và không phải chỉ thuần tuý trong bối cảnh Việt Nam.

Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh, đó là quá trình phi thực dân hoá. Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”.

Đối với nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và sử gia người Pháp, Cách mạng tháng Tám của dân tộc Việt Nam là sự kiện đặc biệt ấn tượng. Nhà sử học người Pháp, ông Alain Ruscio, viết: “Chiến thắng năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, đó là sự tất yếu mang tính lô-gíc trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh đòi độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, nhất là các nước ở châu Phi.

Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có vai trò quan trọng, là người đầu tiên tuyên bố độc lập của một nước thuộc địa”. Nhà sử học đến từ “chính quốc” phân tích, sau chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa thực dân vẫn còn tồn tại, khi đó, 1/3 các dân tộc trên thế giới phải sống dưới sự chiếm đóng của thực dân Pháp, Anh và Bồ Đào Nha.

“Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam là một tấm gương, là biểu tượng của quá trình đấu tranh giành độc lập, các dân tộc bị đô hộ cần phải lên tiếng”- ông phân tích. Nhà sử học này có nhiều hơn 15 tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam, các cuộc kháng chiến, về Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam.

Hơn 30 năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, càng đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, nhà sử học người Pháp càng thấy những điều hấp dẫn và cảm phục trước những thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến, đặc biệt là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.

Cũng đến từ “nước mẹ Đại Pháp”, nhà sử học nổi tiếng Charles Fournieau nhìn nhận, Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng hết sức quan trọng không chỉ đối với Việt Nam. Đây là cuộc cách mạng thực sự, với sự đồng lòng, chung sức của cả dân tộc đứng lên giành độc lập dân tộc.

Charles Fournieau bình luận, cuộc cách mạng của Việt Nam có tác động lớn trên thế giới, đặc biệt đối với các nước thuộc địa khi đó. Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử Việt Nam, phản ánh cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống lại sự chiếm đóng của giặc ngoại xâm, đồng thời đánh dấu sự chuyển giao sang thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam.

Không những vậy, thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam còn có ý nghĩa quốc tế, bởi lẽ đây là một trong những phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu tiên trên thế giới. Đối với phong trào cách mạng Đông Dương cũng như thế giới, Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng.

Như có lần đã đề cập, cách nay chừng bốn năm, một cán bộ ngoại gia từng công tác tại Uỷ ban Ðối ngoại của Quốc hội kể lại trên báo ViệtNam.Net câu chuyện, năm 1982, tức chỉ 7 năm sau khi đất nước thống nhất, một người Mỹ, vốn là sĩ quan tình báo đã xin lãnh đạo của nước ta lúc đó vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại thời điểm đó, chiến tranh kết thúc chưa lâu, quyết định để cho một cựu sĩ quan tình báo Mỹ vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều không đơn giản. Hoá ra, người cựu sĩ quan tình báo này, do cơ duyên của lịch sử, ông là người được chính Bác Hồ mời tham dự lễ Tuyên ngôn độc lập tại Hà Nội, mùa thu năm 1945.

Trước khi vào viếng lăng Bác, người ta hỏi ông, lý do vì sao lại vào viếng và ông trả lời: “Tôi đi gặp lại bạn cũ, gặp lại người bạn vĩ đại của tôi”. Khi đến trước lăng, thấy hàng chữ viết bằng tiếng Việt, người cựu sĩ quan không hiểu, vị cán bộ ngoại giao đã dịch cho ông biết hàng chữ đó là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nghe dịch xong, người cựu sĩ quan Mỹ nói rằng, câu nói của Bác Hồ là giá trị chung của nhân loại, tất nhiên, có cả nước Mỹ.

Tiếng nói người việt ở phía bên kia

Chịu khó để ý sẽ thấy, mỗi khi nhà sử học, nhà văn, nhà nghiên cứu quốc tế nào của phương Tây đánh giá tốt về Việt Nam (qua từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì những nhà “dân chủ” trong nước lại quy kết rằng, họ (nhà nghiên cứu người nước ngoài) là những người thiên tả.

Hàm ý của những nhà “dân chủ, nhân quyền” là, ý kiến của giới chuyên gia, nhà sử học nước ngoài đánh giá về lịch sử cách mạng Việt Nam không đáng tin, vì bị cảm tính chi phối, bị “cộng sản mua chuộc”. Thực tế không phải như vậy.

Phần trên bài viết đã trích dẫn đánh giá của giới nghiên cứu phương Tây về Cách mạng tháng Tám, vậy những nhân vật, nhân chứng (của Việt Nam) từng ở bên kia chiến tuyến nói gì về cuộc cách mạng mùa thu này.

Cách nay đã rất lâu, lúc còn sống, trong một bài trả lời phỏng vấn nhà văn Thuỵ Khuê trên đài phát thanh RFI (phát bằng tiếng Việt) của Pháp, ông Hoàng Xuân Hãn, người từng giữ chức bộ trưởng trong nội các Trần Trọng Kim khẳng định, tại thời điểm những năm 40 của thế kỷ XX, mặt trận Việt Minh đặt vấn đề độc lập dân tộc lên trên.

Trong giai đoạn lịch sử đó, chính thực dân Pháp cùng một số thế lực khác đã hỗ trợ, xúi giục tổ chức Quốc dân đảng chống lại đường lối của Việt Minh, dù trong tổ chức này không phải không có những người yêu nước nồng nàn.

“Dưới con mắt của một sử gia, ông đánh giá thế nào về vai trò của Hồ Chí Minh”- bà Thuỵ Khuê hỏi tiếp. Học giả Hoàng Xuân Hãn trả lời không chút do dự, rằng vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với độc lập dân tộc vô cùng to lớn, “nước mình bây giờ độc lập, thống nhất, công của Hồ Chí Minh to lắm, không khác gì thời kỳ Lê Lợi đánh đuổi quân Minh xâm lược"- ông Hoàng Xuân Hãn nói.

“Ông đánh giá thế nào về con người Hồ Chí Minh? “Đó là một người quê Nghệ An có nghĩa khí. Thế hệ cha ông của Hồ Chí Minh cùng chung chí hướng với cụ Phan Đình Phùng, Cao Thắng. Lúc đầu, Hồ Chí Minh từng kêu gọi và hy vọng, quốc tế sẽ giúp Việt Nam độc lập và ông kiên nhẫn chờ. Nhưng sau này, ông nhận ra rằng, chỉ có ta mới giải phóng cho ta”- ông Hoàng Xuân Hãn trả lời đài RFI của Pháp.

Việt Đông

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục