Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xây dựng nhà nước pháp quyền: Sự nghiệp lâu dài
Bài 1: Quan điểm của đảng về nhà nước pháp quyền qua các kỳ đại hội
Thứ hai: 23:20 ngày 02/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp lâu dài, vấn đề này đã từng được đề cập qua nhiều kỳ đại hội Đảng, gần đây nhất, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục làm rõ nội hàm “Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa”. Xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vấn đề lớn, phức tạp, lâu dài.

Quan điểm nhất quán của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền là "kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội".

“Qua hơn 35 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011), công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Nhận thức, lý luận về Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng thống nhất, đầy đủ và sâu sắc hơn.

Hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện một bước cơ bản; vai trò của pháp luật và việc thực thi pháp luật được chú trọng trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và xã hội. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Bộ máy nhà nước từng bước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức và hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng cao.

Hoạt động của Chính phủ chủ động, tích cực, tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô, tháo gỡ rào cản, phục vụ, hỗ trợ phát triển. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp có bước đột phá trên một số lĩnh vực. Tổ chức bộ máy của toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên.

Quyền con người, quyền công dân theo Hiến định tiếp tục được cụ thể hoá bằng pháp luật và thực hiện tốt hơn trên thực tế; dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện được tăng cường. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước được đổi mới.

Mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.  Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được luận giải một cách đầy đủ, thuyết phục; tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu.

Quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên và Nhân dân chưa nghiêm; cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền công dân có mặt chưa được phát huy đầy đủ; cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nêu trên chủ yếu là do: việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vấn đề lớn, phức tạp, lâu dài.  Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, hoàn thiện lý luận chưa được quan tâm đúng mức. Quyết tâm chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền trong thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra”. Đoạn trích trong ngoặc kép là đánh giá của Đảng tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đánh giá 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Nội dung văn kiện của Đảng (qua các kỳ đại hội) ngày càng nhiều đổi mới, tiến bộ về chất. Nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nội dung các văn kiện đại hội Đảng và Đại hội lần thứ XIII sẽ thấy, Đảng kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, trân trọng lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nội dung các văn kiện đồng thời đã thể hiện sự tiếp thu có chọn lọc nhiều giá trị chung của nhân loại. Quan điểm, tư tưởng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền Việt Nam XHCN đã được đặt ra từ lâu và tiếp tục được đại hội lần thứ XIII của Đảng phát triển với nhiều nội dung đột phá, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của tình hình đất nước.

Tư tưởng về nhà nước pháp quyền là một giá trị quý báu của nhân loại được hình thành từ thời xa xưa, trong quan điểm của các nhà tư tưởng như Xôcrat (469-399 Tr.CN), Arixtốt (384-322 Tr.CN), Xixêrôn (l06-43 Tr.CN). Sau đó, tư tưởng về nhà nước pháp quyền được các nhà chính trị và pháp lý như John Locke (1632 - 1704), Montesquieu (1698 - 1755), J.J. Rút-xô (1712 - 1778), I.Kant (1724 - 1804), Hêghen (1770 - 1831)… phát triển như một thế giới quan pháp lý mới, đó là thế giới quan chống lại sự chuyên quyền, đặc quyền, tình trạng vô pháp luật, khẳng định mạnh mẽ những tư tưởng nhân đạo, các nguyên tắc tự do bình đẳng. Đây chính là nội dung cốt lõi của học thuyết nhà nước pháp quyền.

Khái niệm nhà nước pháp quyền, theo các nhà nghiên cứu, nguyên nghĩa của từ này là thuật ngữ “The Rule of Law”,  được hiểu là sự tối thượng của pháp luật. Một trong những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật.

Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm vị trí tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội; mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế XHCN, kỷ luật, kỷ cương trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” là yếu tố cốt lõi của Nhà nước pháp quyền và là điều kiện để xây dựng XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Việt Đông (Còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục