Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hoà bình cho tổ quốc toàn vẹn và phát triển
Bài 1: “Quyết sách đúng đắn, bước đi chủ động”
Thứ ba: 18:16 ngày 30/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, các nước vừa và nhỏ đã đối diện với cả cơ hội và thách thức đan xen.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội ngày 12.12.2023

“Lịch sử loài người và các tư tưởng lớn về chính trị quốc tế, đặc biệt là phương pháp luận Mác - Lênin chứng minh thế giới là một hệ thống hoàn chỉnh, thống nhất của các mặt đối lập, với những mối quan hệ lớn mà sự vận động và phát triển của nó tuân theo quy luật biện chứng. Trong đó, các quốc gia, dân tộc đều phải giải quyết mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung, giữa bản sắc, lợi ích của quốc gia - dân tộc và mong muốn cùng tồn tại hoà bình, hợp tác và phát triển bởi các quốc gia, dân tộc là bộ phận không thể tách rời khỏi thế giới, không thể tồn tại biệt lập mà phải hội nhập, hợp tác, giao lưu”- Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng viết.

“Những kết quả quan trọng của công tác đối ngoại trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII thể hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước, được sự quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia, phối hợp tích cực của các cơ quan, bộ, ngành liên quan trong thực hiện nhiệm vụ đối ngoại. Cùng với sự ủng hộ to lớn của bạn bè, đối tác quốc tế, những kết quả đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII là cơ sở quan trọng để công tác đối ngoại tiếp tục góp phần tích cực vào việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối nhiệm kỳ và thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng”- trích bài viết của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, tháng 12.2023.

Thế giới diễn biến nhanh chóng

Từ sau Đại hội XIII đến nay, tình hình quốc tế và khu vực phản ánh đúng những nhận định, đánh giá chiến lược sâu sắc theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. “Thế giới trải qua những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo”. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, các nước vừa và nhỏ đã đối diện với cả cơ hội và thách thức đan xen.

Cục diện an ninh - chính trị thế giới diễn biến theo hướng căng thẳng và phức tạp hơn do các nước lớn vừa ưu tiên củng cố sức mạnh quốc gia vừa cạnh tranh gay gắt với nhau để giành ảnh hưởng. Cùng với quá trình cạnh tranh về sức mạnh quân sự, kinh tế (đặc biệt công nghệ cao), các nước lớn ngày càng gia tăng cạnh tranh về hệ giá trị, tư tưởng và mô hình phát triển. Tập hợp lực lượng diễn ra mạnh mẽ theo địa chính trị kết hợp sử dụng các cơ chế quốc tế. Các nước vừa và nhỏ bị lôi kéo vào các tập hợp lực lượng song vai trò cũng gia tăng. Các quốc gia tầm trung có thêm cơ hội để tăng cường ảnh hưởng, thúc đẩy lợi ích trong quan hệ đối ngoại song cũng đối mặt khó khăn trong cân bằng quan hệ với các nước lớn và triển khai chính sách đối ngoại.

Trong 3 năm thực hiện đường lối đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách đúng đắn, bước đi chủ động, đột phá, khẳng định bản lĩnh, mang tính lịch sử trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại. Tại hội nghị ngoại giao lần thứ 32 (12.2023) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác đối ngoại “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua”.

Dấu ấn nổi bật của đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chính là việc tổ chức thành công Hội nghị đối ngoại toàn quốc (12.2021) với việc khẳng định về sự hình thành, phát triển của trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Từ năm 2021-2023, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành đối ngoại, ngoại giao vẫn tổ chức thành công gần 200 hoạt động đối ngoại song phương và đa phương quan trọng, mạng lưới quan hệ đối ngoại của Việt Nam ngày càng rộng mở.

Mối quan hệ với các nước láng giềng tiếp tục được tăng cường. Thành công từ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (2022) và chuyến thăm Vỉệt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (2023) là những dấu ấn lịch sử, đưa mối quan hệ Vỉệt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc năm 2023 góp phần quan trọng tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hoà bình và tiến bộ nhân loại. Với Lào và Campuchia - những nước láng giềng có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt, cuộc gặp cấp cao lần thứ hai sau 30 năm giữa ba nhà lãnh đạo đứng đầu ba Đảng của Việt Nam, Lào, Campuchia (2023) khẳng định mạnh mẽ truyền thống đoàn kết đặc biệt, sự gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau là một tất yếu khách quan, là quy luật sống còn, nhân tố quan trọng hàng đầu đối với an ninh và phát triển của mỗi nước.

Đối ngoại Việt Nam đã đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác quan trọng khác, trong đó có việc nâng tầm và tạo những đột phá quan trọng. Trong 3 năm qua, Việt Nam đã hoàn tất việc thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thuộc tất cả các châu lục, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 đối tác chiến lược toàn diện, 12 đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Riêng trong hai năm 2022-2023, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Hàn Quốc (2022), Hoa Kỳ và Nhật Bản (2023). Trong đó, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (2023) và việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững đã đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và cũng là khi thành lập Liên Hợp Quốc vào năm 1945, Việt Nam là đối tác chiến lược hoặc đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các nước uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Vì hoà bình và tiến bộ

Công tác đối ngoại đã phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Đối ngoại Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy việc đối thoại, đàm phán, tham gia các hiệp định, sáng kiến vì hoà bình, tiến bộ nhân loại. Khu vực biên giới hoà bình, hữu nghị với các nước láng giềng được duy trì, giao lưu và hợp tác xuyên biên giới được thúc đẩy, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị với các nước. Đặc biệt, Việt Nam đạt được những kết quả rất quan trọng về phân định và giải quyết một số vấn đề biên giới lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố đường biên giới hoà bình, hữu nghị.

Trên biên giới đất liền, Việt Nam đã phối hợp với các nước láng giềng quản lý đường biên, mốc giới hiệu quả, giữ vững an ninh, an toàn trật tự xã hội biên giới, tạo điều kiện khôi phục giao lưu, giao thương biên giới giai đoạn sau đại dịch. Trên biển, Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng; tham gia xử lý tốt những vụ việc phát sinh, cùng với các nước liên quan nỗ lực, tạo chuyển biến trong xây dựng Bộ quy tắc ứng xử với các bên ở Biển Đông (COC). Việt Nam là một trong các nước đầu tiên ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ngoài vùng quyền tài phán quốc gia (BBNJ). Hoàn tất thành công hai năm làm uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam tiếp tục chứng tỏ là một thành viên có trách nhiệm, tham gia hiệu quả vào công việc chung của LHQ. Thông qua những đóng góp có ý nghĩa, Việt Nam đã nêu cao tư tưởng, lập trường ủng hộ hoà bình, phát triển, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, và quan trọng nhất là đề cao việc tuân thủ Hiến chương LHQ trên tất cả các trụ cột, từ hoà bình, an ninh, phát triển cho tới bảo vệ quyền con người. Bằng những đóng góp nổi bật tại các diễn đàn đa phương, vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam đã nâng cao.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục