Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bác bỏ quan điểm sai trái: Vì một Việt Nam ổn định và phát triển
Bài 1: Thế nào là quan điểm sai trái, thù địch?
Chủ nhật: 23:59 ngày 08/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quan điểm sai trái, thù địch: do tính chất phức tạp, quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ hiện đại, chúng ta thường sử dụng thuật ngữ kép là “sai trái, thù địch” để chỉ các quan điểm đối lập với lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân, của Ðảng Cộng sản Việt Nam và cả dân tộc.

Ngày 22.10.2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Lâu nay, chúng ta thường nghe nói về “đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch”.

Nhưng, quan điểm sai trái như thế nào và làm gì để đấu tranh bác bỏ, không hẳn ai cũng hiểu một cách thấu đáo. Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng lắm khó khăn, thách thức lớn, đan xen nhau.

Nhiều vấn đề mới quan trọng, phức tạp đã và đang đặt ra. Một trong những thách thức đó là sự chống phá của các cá nhân, tổ chức thiếu thiện cảm với chế độ, họ không muốn thấy một Việt Nam phát triển. Thậm chí, họ xem những khó khăn (tạm thời) của đất nước như một cơ hội, một miếng mồi để thể hiện thái độ hả hê của cá nhân. Họ thường nhân danh những điều tốt đẹp nhưng hành động ngược lại.

Quan điểm sai trái, nói một cách ngắn gọn, là thể hiện sự lệch lạc về nhận thức lý luận cũng như hoạt động thực tiễn (không phải thực tế). Sự lệch lạc đó có thể do hạn chế về trình độ nhận thức (nhận thức sai, không đúng đắn), thiếu thông tin chính thống, tiếp nhận thông tin từ những nguồn không chính thức, thông tin bị xuyên tạc, bóp méo hoặc chỉ một nửa sự thật… Do đó, trong một số trường hợp nhất định, người có quan điểm sai trái không hẳn là những kẻ thù địch, bởi vì họ nhận thức chưa tới chứ không phải “cố ý làm trái”.

Quan điểm thù địch là những quan điểm mà bản thân nó đã chứa đựng luận điểm sai trái, đối lập với lợi ích, lập trường giai cấp. Chủ thể của nó thường là những người đối lập về tư tưởng chính trị, về lợi ích giai cấp, quốc gia, dân tộc hoặc có hận thù giai cấp.

Quan điểm sai trái, thù địch: do tính chất phức tạp, quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ hiện đại, chúng ta thường sử dụng thuật ngữ kép là “sai trái, thù địch” để chỉ các quan điểm đối lập với lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân, của Ðảng Cộng sản Việt Nam và cả dân tộc.

Thuật ngữ “sai trái” được sử dụng để nhấn mạnh phương diện phản khoa học, phi thực tiễn của loại quan điểm nói trên. Còn thuật ngữ “thù địch” là để nhấn mạnh tính chất đối lập với lợi ích, lập trường của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.

Bản chất

Theo các nhà nghiên cứu, bản chất của quan điểm sai trái, thù địch cần được nhận diện trong sự so sánh, phân biệt với các ý kiến khác với các quan điểm, đường lối của Ðảng. Bởi vì, sự so sánh này sẽ làm nổi bật động cơ, mục đích, nội dung khái quát, chủ thể, phương pháp, cách thức thể hiện các quan điểm sai trái, thù địch. Sự khác nhau giữa những quan điểm sai trái, thù địch với các ý kiến khác với quan điểm, đường lối của Ðảng thể hiện ở một số điểm cụ thể.

Thứ nhất, về chủ thể, những người đưa ra các ý kiến khác có thể là cán bộ, đảng viên hoặc nhân dân, do hạn chế về trình độ nhận thức, có phương pháp tư duy giản đơn, thiếu biện chứng, do ngộ nhận hoặc chịu ảnh hưởng nhất định của những quan điểm sai trái, thù địch được tuyên truyền, phát tán trong xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng.

Còn những người có quan điểm sai trái, thù địch chủ yếu là các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị trong và ngoài nước, các đảng phái phản động ở nước ngoài hoặc những người từng vi phạm pháp luật Việt Nam, hận thù chế độ.

Một số trường hợp thuộc nhóm những người từng là cán bộ, đảng viên nay trở thành các đối tượng chống đối, thù địch như một số cá nhân đã và đang gây ồn ào trên không gian mạng hiện nay. Những tổ chức, cá nhân này có trình độ, có hiểu biết nên họ thường sử dụng ngòi bút của mình như một thứ vũ khí để chĩa mũi giáo vào đất nước.

Thứ hai, về động cơ, mục đích, thế lực thù địch, cơ hội chính trị tung ra các quan điểm sai trái, thù địch một cách công khai nhằm đả kích Ðảng, vai trò lãnh đạo của Ðảng, hướng tới phủ nhận, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong khi đó, những ý kiến của cán bộ, đảng viên đôi khi khác, hay trái với một số chủ trương, chính sách cụ thể của Ðảng trong một thời điểm nhất định; thậm chí là những ý kiến quá tâm huyết, bức xúc đến mức phê phán gay gắt, mạnh mẽ trước những tiêu cực xã hội và sự yếu kém trong lãnh đạo, quản lý của các cơ quan Nhà nước nhưng là vì mục đích xây dựng, giúp Ðảng, Nhà nước thực hiện tốt hơn vai trò, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý thì không thể coi là những quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ ba, về nội dung các quan điểm, những ý kiến khác thường lẻ tẻ, rời rạc, không có hệ thống; tập trung vào những vấn đề có tính chất công khai, cụ thể, những hiện tượng tiêu cực nổi bật trong thời gian qua. Tác giả của các ý kiến này thường bày tỏ quan điểm, suy nghĩ thông qua một số bài viết thiên về cảm xúc, để cảm tính chi phối.

Tuy nhiên, cũng có những bài viết, công trình nghiên cứu bàn bạc, thảo luận về quan điểm, đường lối của Ðảng, cách vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong cách mạng Việt Nam, đặt vấn đề xem xét lại một số sự kiện, kết luận lịch sử, đề xuất kiến giải cho các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội một cách khoa học và có ý nghĩa nhất định. Các quan điểm sai trái, thù địch thường phủ nhận, bác bỏ thẳng thừng những nội dung cốt lõi, then chốt trong hệ thống lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Ðảng.

Thứ tư, về phương pháp, giới nghiên cứu, học thuật chỉ rõ, những người đưa ra ý kiến khác thường có tính cá nhân, tức thời, chưa có sự tập hợp, phối hợp lực lượng. Cách thức phản ánh của họ thường là đề đạt ý kiến lên cấp trên, cấp có thẩm quyền hoặc yêu cầu bảo lưu, trình bày ý kiến trong các cuộc hội thảo, diễn đàn khoa học, hội nghị nội bộ…; không tuỳ tiện phát tán trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu là đảng viên thì chấp hành điều lệ Ðảng và quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; có ý thức giữ gìn đoàn kết nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước…

Ngược lại, những người có quan điểm sai trái, thù địch, không từ một thủ đoạn nào để chống Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, nhân dân.

Nhóm đối tượng này sẵn sàng bịa đặt, nói xấu, đổi trắng thay đen, suy diễn một cách vô căn cứ, đồng nhất tổ chức Ðảng với một số đảng viên tham nhũng, thoái hoá biến chất. Họ phủ nhận công lao của Ðảng, phủ nhận lịch sử, cực đoan, phiến diện, siêu hình, quy chụp mọi sai lầm, khuyết điểm về cho Ðảng Cộng sản Việt Nam, lấy hiện tượng thay cho bản chất.

Ðể thực hiện mục tiêu này, các thế lực thù địch - chủ thể của các quan điểm sai trái, thù địch tận dụng các nền tảng mạng xã hội để phát tán quan điểm sai trái trên phương tiện thông tin đại chúng, chĩa mũi nhọn phá hoại vào Việt Nam.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong giai đoạn hiện nay, phương thức sử dụng internet, blog cá nhân, mạng xã hội để phát tán các quan điểm đang trở nên phổ biến và tạo hiệu ứng rộng rãi.

Các lực lượng thù địch bao gồm cả những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Ngay ở các nước tư bản phát triển, thì những nhà hoạt động chính trị thuộc giới cầm quyền có tư tưởng tư bản theo kiểu truyền thống và các nhà hoạt động chính trị thuộc giới cầm quyền có tư tưởng xã hội chủ nghĩa cũng đấu tranh lẫn nhau.

Cuộc đấu tranh này không chỉ diễn ra ở đất nước chúng ta mà còn trên phạm vi thế giới. Các nhóm cực đoan người Việt ở nước ngoài luôn lôi kéo, kết hợp với số chống đối, bất mãn ở trong nước. Nhóm thứ ba, là một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Lực lượng này len lỏi, phức tạp, không khó để nhận ra nhưng lại rất khó để đấu tranh. Ðây là những người phản bội lại quá khứ, phản bội lại lý tưởng, và nguyên nhân của sự phản bội đó đôi khi lại bắt nguồn từ sự bất mãn, không đồng ý một số vấn đề cụ thể trong chính sách, ứng xử của những cơ quan, đơn vị nơi người đó công tác.

An Châu

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục