Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh với công tác vận động quần chúng đạo Cao Đài: Vì nghĩa lớn “Nước vinh, Ðạo sáng”
Bài 1: Tôn giáo nội sinh trên miền biên viễn
Thứ sáu: 00:01 ngày 15/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, công tác tôn giáo, dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Lãnh đạo Trung ương và tỉnh Tây Ninh tham dự Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung của tôn giáo Cao Đài.

Tây Ninh nằm ở vùng biên địa phía Tây Nam Tổ quốc, có đường biên giới đất liền dài 240km, tiếp giáp với 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia. Từ đầu thế kỷ 20, Tây Ninh là nơi khởi phát một nền tôn giáo nội sinh là đạo Cao Đài, một tôn giáo mà theo quan niệm “một người nhập môn cả nhà theo đạo” được cho là có tới hơn 2,6 triệu tín đồ ở nhiều tỉnh, thành trên đất nước Việt Nam và cả ở hải ngoại.

Tại Tây Ninh, các bậc khai sáng đạo Cao Đài chọn đặt ngôi Tổ đình, thờ phụng các đấng thiêng liêng tối thượng của nền đạo, vì thế người có tín ngưỡng tôn giáo này gọi nơi đây là “thánh địa”.

Từ đặc điểm của một tỉnh có tới khoảng phân nửa dân số (hiện nay, dân số Tây Ninh là 1,3 triệu người) là tín đồ Cao Đài, đồng thời có các tôn giáo khác, nên từ khi có tổ chức Đảng đầu tiên ở tỉnh cho đến nay, hơn 90 năm, trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ địa phương, Tỉnh uỷ Tây Ninh luôn quan tâm công tác vận động quần chúng là tín đồ các tôn giáo, trong đó có quần chúng đạo Cao Đài hưởng ứng tham gia cách mạng, ủng hộ cách mạng giải phóng dân tộc trong thời chiến; góp phần bảo vệ Tổ quốc, ổn định xã hội, xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp trong thời bình.

Trong chiến tranh, việc huy động sức mạnh quần chúng sẽ tạo được vành đai nhiều lớp, bảo vệ an toàn căn cứ địa cách mạng để lãnh đạo, chỉ huy thực hiện kháng chiến thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong hoà bình, việc thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc, tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo của người dân, phát huy sức mạnh toàn dân vượt mọi khó khăn để tái thiết, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, cả trong thời chiến lẫn thời bình, việc lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh quán triệt đúng đắn, đầy đủ chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để vượt qua dị biệt về ý thức hệ, thiên kiến về những vấn đề lịch sử, tạo được sự đồng thuận, thống nhất ý chí, cùng nhìn về một hướng, tiến đến một mục tiêu chung là điều không dễ dàng.

Để làm được điều đó trong gần 40 năm qua, Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã quán triệt, thấm nhuần chủ nghĩa Mác, Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới nói chung, trong công tác vận động quần chúng tôn giáo Cao Đài nói riêng đạt những kết quả rất tốt đẹp, căn cơ, thực chất, đưa kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh tiến lên một bước tăng trưởng, phát triển mới trên vùng kinh tế trọng điểm miền Đông Nam bộ; đặc biệt là giúp cho tôn giáo Cao Đài thực sự “hoằng khai đại đạo” không chỉ trong tỉnh, trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Nhìn lại quá khứ gần trăm năm trước, trong hoàn cảnh đất nước ta bị ngoại bang thống trị, riêng đất Nam kỳ đặt trong chế độ thuộc địa, tức là một phần lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp, những người Việt Nam có tinh thần dân tộc không ai cam phận làm người dân vong quốc.

Tuy nhiên do bị bế tắc về con đường giải phóng dân tộc, vì tất cả các cuộc khởi nghĩa, đấu tranh mong giành lại độc lập, tự do cho đất nước, nhân dân đều bị quân thực dân với tàu đồng súng lớn dìm trong biển máu, những bậc sĩ phu yêu nước phải nuốt hận, tìm sự khuây lảng bằng những lối thoát tâm linh.

Lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tham dự Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung năm 2021.

Đó cũng là bối cảnh lịch sử của sự ra đời của tôn giáo Cao Đài trên đất Tây Ninh, với ngày khai đạo được tổ chức vào ngày rằm tháng Mười âm lịch năm Bính Dần 1926 tại chùa Gò Kén, làng Long Thành, nay thuộc khu phố Long Trung, phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành, Tây Ninh.

Các vị tiền bối có công khai sáng đạo Cao Đài nhiều người có địa vị cao trọng trong bộ máy chính quyền Pháp thuộc, khi đã ngộ đạo- nền đạo mà theo các vị là do chính Đức Chí Tôn, tức “ông Trời” đem đến cho nhân loại, các vị đã không ngần ngại rũ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý để phế đời hành đạo.

Khi khai đạo Cao Đài, họ được thiên phong các phẩm vị chức sắc cao cấp nhất của tôn giáo, tuy nhiên do có những bất đồng trong quan niệm “thay trời hành đạo” nên sau ngày khai đạo, nhiều vị chức sắc cao cấp đã rời Toà thánh Tây Ninh về các tỉnh miền Tây Nam bộ mở các nền đạo riêng, gọi là các chi phái Cao Đài.

Cho đến nay, Hội thánh Cao Đài Toà thánh Tây Ninh đã được Nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo cùng với 9 Hội thánh Cao Đài, 21 tổ chức Cao Đài hoạt động độc lập và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo đối với 1 pháp môn Cao Đài.

Tại Tây Ninh, sau một thời gian ngắn “mượn chùa mở đạo” ở Từ Lâm tự (tên chính thức của chùa Gò Kén), các bậc tiền bối đạo Cao Đài đã dốc tài sản mua một sở đất rừng của một quan Kiểm lâm người Pháp, diện tích gần một cây số vuông (khoảng 96 ha) ở làng Long Thành, giáp với làng Hiệp Ninh, quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh để khai khẩn, khởi công xây dựng khu nội ô Toà thánh rồi dời “về chùa mới” làm Tổ đình của đạo cho đến ngày nay. Công cuộc khẩn rừng lập tự ban đầu hết sức gian nan, khổ hạnh với đội ngũ “làm công quả” chỉ vài trăm đạo hữu (từ xưng hô của tín đồ Cao Đài) dưới sự chỉ huy trực tiếp của các vị chức sắc đứng đầu Hội thánh.

Sự tích ban sơ nền đạo gần trăm năm trước, ngày nay vẫn còn được tái hiện bằng nghệ thuật “cộ bông” trong gian triển lãm “Về chùa mới” góc sân Đại đồng xã trước Đền thánh mỗi dịp Đại lễ Đức Chí Tôn, mồng 9 tháng Giêng hằng năm.

Đông đảo tín đồ và người dân tham dự Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của tôn giáo Cao Đài.

Quá trình “hoằng khai đại đạo” suốt gần một thế kỷ, nền đạo Cao Đài trải qua  nhiều nỗi thăng trầm, nhất là trong giai đoạn đất nước bị ngoại bang đô hộ trước 30.4.1975.

Trong giai đoạn ấy, vào đầu năm 1956, vị đứng đầu Hội thánh Nhị hữu hình đài (Hiệp Thiên đài và Cửu Trùng đài, hai cơ quan điều hành nền đạo), được tôn xưng như Giáo chủ của đạo là Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc bị chính quyền Mỹ-Diệm đàn áp dữ dội, phải lưu vong sang Vương quốc Campuchia rồi chỉ 3 năm sau đó ông từ giã cõi đời, nhưng phải gửi di hài ở ngoại quốc suốt gần nửa thế kỷ.

Và ngày 21.11.2006, thực hiện thoả thuận giữa Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam cùng Bộ Lễ nghi Tôn giáo Campuchia và được sự chấp thuận của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh cùng Hội thánh Cao Đài Toà thánh Tây Ninh đã tổ chức lễ di liên đài Đức Hộ pháp hồi hương, nhập bửu tháp trong nội ô Toà thánh.

Từ sự kiện thể hiện sự quan tâm sâu sắc ấy của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, đời sống tinh thần, tín ngưỡng của hơn nửa triệu đồng bào có đạo Cao Đài ở tỉnh Tây Ninh nói riêng, của khoảng 2,6 triệu tín đồ Cao Đài cả nước nói chung, khởi sắc hẳn lên.

Bởi lẽ đồng bào có đạo, nhất là các chức sắc, tín đồ có tuổi đã chờ đợi điều tưởng chừng như vô vọng ấy suốt 50 năm, từ khi “vị ân sư” của họ bị chế độ Mỹ- Diệm bức bách phải lìa Toà thánh, rời khỏi đất nước. Từ niềm khao khát lớn lao được đáp ứng, lòng tin của quần chúng Cao Đài đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ta được nhân lên gấp bội, nhất là lòng tin về việc bảo đảm, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân.

Nguyễn Tấn Hùng - Đặng Tố Tuấn

(còn tiếp)

“Tây Ninh hiện có 5 tôn giáo chính là Cao Đài, Phật giáo, Công giáo, Tin Lành và Hồi giáo với hơn 834.000 tín đồ, chiếm hơn 70% dân số toàn tỉnh; trong đó, đạo Cao Đài có số lượng tín đồ đông nhất, với 579.317 tín đồ, 1.925 chức sắc và 8.293 chức việc, chiếm gần 50% dân số”.

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục