Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đúng 11 giờ, ngày 30.4.1975, thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) được giải phóng, Tây Ninh hoàn toàn được giải phóng.


Đây là thành quả cách mạng đầy gian khổ, hy sinh xương máu của biết bao thế hệ, anh hùng, liệt sĩ, quân và dân Tây Ninh để có được ngày hoà bình, độc lập, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tỉnh Tây Ninh, địa phương miền biên viễn phía Tây Nam Tổ quốc, một vùng bán sơn địa có vùng rừng nhiệt đới rộng lớn, có núi Bà Đen cao nhất miền Nam, có dòng sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ biên giới đổ ra biển Đông, là gạch nối giữa đại ngàn Tây Nguyên với đồng bằng sông Cửu Long trù phú.
Với lợi thế tự nhiên như thế, đất và người Tây Ninh có được niềm tự hào cao cả: Lịch sử đã chọn Tây Ninh làm “điểm hẹn” xuất phát cuộc trường chinh giải phóng đất nước thoát khỏi ách xâm lược của một đội quân hùng mạnh nhất thế giới - quân đội viễn chinh Hoa Kỳ.
Để rồi hai mươi năm sau đó, Tây Ninh cũng là nơi xuất phát của những đoàn quân giải phóng tiến đến sào huyệt cuối cùng của kẻ địch để kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Việc chọn lựa ấy lịch sử còn ghi rõ và khắc sâu trong lòng mọi người dân miền Nam và cả nước cũng như bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam: Tây Ninh là nơi đứng chân của Trung ương Cục miền Nam, bộ phận lãnh đạo Cách mạng miền Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam qua hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Thực tế lịch sử đã diễn ra như thế. Mùa xuân năm 1960, đất Tây Ninh đã diễn ra trận chiến đầu tiên tấn công cứ điểm Tua Hai, cách tỉnh lỵ Tây Ninh chỉ 7 km, để làm “phát súng lệnh” đồng khởi trên toàn miền Nam.
15 năm sau, mùa xuân năm 1975 tại căn cứ Đồng Rùm ở vùng rừng núi Bắc Tây Ninh cũng đã diễn ra các sự kiện thành lập Quân đoàn 4 - Quân Giải phóng miền Nam và Đoàn 232 - mật danh của Binh đoàn cánh Tây Nam, hai trong năm cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch cuối cùng mang tên Bác Hồ kính yêu.
Trong giai đoạn 1 chiến dịch mùa xuân 1975, tại Tây Ninh và từ Tây Ninh đã xuất phát hai trận đầu tiên giải phóng núi Bà Đen - cao điểm “mắt thần” phóng xuống Đồng Tháp Mười, phóng lên Tây Nguyên, phóng sang biên giới Tây Nam và phóng về Sài Gòn để định hướng, mở đường chiến dịch mùa xuân 1975; và trận đánh đường 14 - Phước Long, giải phóng hoàn toàn tỉnh đầu tiên ở miền Nam.
Đây là hai trận đánh “thăm dò”, “nắn gân” quân địch để khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975 của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Đồng thời là những trận “nghi binh” đánh lạc hướng quân địch, tạo thế và lực mới cho quân ta.
Từ thế và lực này, Đảng ta đã vạch ra kế hoạch tiến công mùa khô 1974-1975, tiến tới tổng tiến công và nổi dậy. Ngày 13.11.1974, các lực lượng của Miền nhộn nhịp lên đường hành quân chuẩn bị bước vào chiến đấu theo kế hoạch, trước tiên là tổ chức đánh núi Bà Đen, đồng thời tiến đánh Đồng Xoài, đường 14 - tỉnh Phước Long.
Về phía địa phương, quân dân Tây Ninh bước vào chiến dịch mùa khô này với “ba thứ quân” có sự phát triển mới về chất. Mở đầu chiến dịch, ba tiểu đoàn chủ lực của tỉnh 14, 16 và 18 tấn công tiêu diệt các đồn Trường Đức, Quy Thiện (xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành ngày nay) và đánh thiệt hại nặng 3 đồn khác. Trên các chiến trường Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu, Bến Cầu, Châu Thành, thị xã Tây Ninh các lực lượng đồng loạt tổ chức các trận đánh hợp đồng thu nhiều thắng lợi.
Bước vào đợt 2 chiến dịch, tại Tây Ninh trận tiến công giải phóng núi Bà Đen diễn ra suốt một tháng ròng, từ đêm 6 rạng ngày 7.12.1974 đến ngày 7.1.1975. Đây là trận đánh cuối cùng của 13 năm kiên trì bám trụ của các “dũng sĩ Núi” Liên đội 7 thuộc Phòng Quân báo - Bộ Tư lệnh Miền phối hợp Tiểu đoàn Trinh sát 47 của Miền và lực lượng địa phương.
Với chiến công này quân ta đã thực hiện được mục tiên xoá bỏ “con mắt thần” của kẻ địch là trung tâm tiếp vận- truyền tin trên đỉnh núi, từng khống chế bầu trời miền Đông Nam Bộ, kể cả “thủ đô Sài Gòn” từ năm 1962 đến năm 1975.
Cùng lúc đó, các đơn vị thuộc Quân đoàn 4, sau thời gian “khổ luyện” ròng rã suốt 3 tháng liền ở khu vực Đồng Pan, phía Bắc núi Bà Đen, cũng đã lập chiến công giải phóng toàn tỉnh Phước Long.
Đặc biệt, thời gian diễn ra hai trận đánh cũng là thời gian Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp bàn về chiến lược giải phóng miền Nam, nên đã góp phần tạo ra tình hình mới, thời cơ mới, quyết tâm mới của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: “hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam trước tháng 5.1975”.
Đặc biệt hơn nữa, hai trận đánh giải phóng núi Bà Đen và tỉnh Phước Long chính là “đòn nghi binh” khiến cho kẻ địch phán đoán sai hướng tiến công của quân ta trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Về phía đối phương, tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng nguỵ quân đã ghi rõ trong hồi ký: “Về tính cách chiến lược của Phước Long: Nếu so sánh toàn diện, Phước Long không quan trọng bằng Tây Ninh, Pleiku hay Huế về kinh tế, chánh trị và dân số. Theo Bộ Tổng tham mưu, trong thời điểm ngặt nghèo về ngân quỹ quốc phòng đang đối diện, nếu phải giữ đất thì chúng ta nên giữ Tây Ninh hay Huế hơn là Phước Long”.
Thực tế, quân địch đã trúng “kế nghi binh” của quân ta từ Tây Ninh, Phước Long đến Ban Mê Thuột, dẫn đến thất bại dồn dập ở Tây nguyên, miền Trung rồi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh với 5 cánh quân rầm rập tiến về Sài Gòn.
Ngày 26.4.1975, chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, chung quanh “thủ đô Sài Gòn” của chế độ tay sai, 5 cánh quân giải phóng đã áp sát vùng ven đô. Trong đó có 2 cánh Tây Bắc là lực lượng Quân đoàn 4 và Binh đoàn cánh Tây Nam, tức lực lượng Đoàn 232, tiến về Sài Gòn theo hai hành lang phía Đông và phía Tây tỉnh Tây Ninh đã được lực lượng địa phương giải phóng trước đó.
Ngày 28.4.1975, ở phía Nam Tây Ninh, các đơn vị trực thuộc Binh đoàn cánh Tây Nam cùng lực lượng vũ trang các địa phương Tây Ninh, Long An tiến công vào tuyến phòng thủ trực tiếp thành phố Sài Gòn, cắt mọi đường giao thông thủy, bộ, triệt để cô lập Sài Gòn.
Sư đoàn 3 đánh chiếm đầu cầu khu vực An Ninh - Lộc Giang, tổ chức vượt sông Vàm Cỏ Đông. Sư đoàn 5 cắt đứt hoàn toàn Quốc lộ 4 đoạn từ Bến Lức đến Tân An. Sư đoàn 9 vượt sông Vàm Cỏ Đông vào vị trí tập kết tại Mỹ Hạnh, Đức Hòa.
Ngày 29.4, binh đoàn đồng loạt tiến công chặn và tiêu diệt các tập đoàn chủ yếu của địch ở vòng ngoài. Sư đoàn 3 đánh chiếm thị xã Hậu Nghĩa, chi khu Đức Hòa, chi khu Đức Huệ và căn cứ Trà Cú, mở bến vượt sông Vàm Cỏ Đông. Sư đoàn 5 chiếm lĩnh và giữ vững Quốc lộ 4, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Sư đoàn 9 vượt qua Mỹ Hạnh, Vĩnh Lộc, tiến vào hướng Bà Quẹo, Bà Hom.
Ngày 30.4, các đơn vị của Binh đoàn cánh Tây Nam đồng loạt tổng công kích. Sư đoàn 3 đánh chiếm khu vực Hậu Nghĩa, hai bên sông Vàm Cỏ Đông. Sư đoàn 5 đánh chiếm thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa. Sư đoàn 9 đánh chiếm biệt khu thủ đô, trung tâm ra-đa Phú Lâm, Trường đua Phú Thọ…
Đến 11 giờ ngày 30.4, các đơn vị của Binh đoàn cánh Tây Nam đã cắm cờ giải phóng trên nóc nhà biệt khu thủ đô, tổng nha cảnh sát, dinh tỉnh trưởng Long An và các căn cứ khác. Một số mũi thọc sâu của binh đoàn đã phát triển hợp điểm với các cánh quân khác tại Dinh Độc Lập.
Theo Đại tá Nguyễn Lương (còn gọi là Sáu Lương), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, nguyên Tiểu đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Tiểu đoàn 14, tại Tây Ninh, ngày 30.4.1975, các mũi tiến công trong chiến dịch giải phóng Tây Ninh đồng loạt tiến về vùng thị xã Tây Ninh và Toà Thánh - Long Hoa, vừa tác chiến vừa kêu gọi quân địch đầu hàng.
Bên cạnh đó, tài liệu lịch sử “Tiểu đoàn Mười Bốn Tây Ninh” ghi rõ: 10 giờ 30 phút, khi chỉ huy sở tiểu đoàn tiến đến gần chợ Long Hoa, Tỉnh đội phó Năm Nghĩa (Nguyễn Thành Nghĩa) gặp và báo cho Tiểu đoàn trưởng Sáu Lương biết viên đại tá tỉnh trưởng Bùi Đức Tài đã liên lạc bằng vô tuyến với ta xin đầu hàng. Tiểu đoàn trưởng Sáu Lương xin ý kiến đồng chí Tư Ngữ (Thượng tá Phạm Việt Ngữ), cán bộ của tỉnh đi với tiểu đoàn, rồi cho bộ đội dừng lại tại Báo Quốc Từ và cho đại diện của địch gặp.
Đúng 11 giờ trưa, viên thiếu tá tiểu khu phó Sanh dùng xe Jeep từ đường Giang Tân đến gặp hai đồng chí Tư Ngữ và Sáu Lương trao đổi sơ bộ về việc xin đầu hàng của chúng. Sau đó, thiếu tá Sanh cho 12 xe GMC chở tiểu đoàn 14 vào chiếm lĩnh tiểu khu Tây Ninh.
Lúc đó, đến lượt viên đại tá tiểu khu trưởng Bùi Đức Tài và thiếu tá tiểu khu phó Sanh cùng đại diện Ban chỉ huy Tỉnh đội - các đồng chí Tư Ngữ, Năm Hùng (Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Nam Hùng) và Ban chỉ huy tiểu đoàn 14 - các đồng chí Sáu Lương, Ba Đời chính thức thống nhất các thủ tục đầu hàng của địch.
Thị xã Tây Ninh coi như đã hoàn toàn giải phóng cùng lúc với sự có mặt của tiểu đoàn 14 tại đây. Còn tàn quân của sư đoàn 25 Ban chỉ huy chiến dịch của tỉnh cho ra hàng tại xã Long Thành (nay là phường Long Hoa) lúc 16 giờ cùng ngày.
Ba mươi năm đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược của những kẻ địch “siêu cường” trên thế giới của quân dân ta đã kết thúc như thế. Ngày 30.4.1975 đã trở thành ngày lịch sử vẻ vang của cả nước và của tỉnh ta - Quê hương Tây Ninh trung dũng kiên cường.
Tấn Hùng –Tố Tuấn
(Tổng hợp từ các tài liệu lịch sử)
(còn tiếp)