Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ
Bài 1: Triển khai các chính sách hỗ trợ chuỗi liên kết
Thứ bảy: 10:17 ngày 18/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc liên kết giúp nông dân an tâm sản xuất có đầu ra và thu nhập, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng.

Một cơ sở giết mổ trên địa bàn huyện Dương Minh Châu

Để mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, Kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Đồng thời triển khai các giải pháp như: ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư có thực hiện chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, cung cấp giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân; triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác).

Hình thành các chuỗi liên kết

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm chủ lực như chuỗi giá trị chăn nuôi, trồng trọt. Việc liên kết giúp nông dân an tâm sản xuất có đầu ra và thu nhập, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng.

Trong lĩnh vực trồng trọt thực hiện chuỗi liên kết trên các loại cây mía, mì, cao su, lúa. Sau thu hoạch có nhà máy chế biến trong vùng sản xuất, thuận lợi cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ổn định. Riêng cây bắp, nông dân liên kết sản xuất hạt giống bắp lai với doanh nghiệp sản xuất cung ứng giống hoặc liên kết trồng bắp sinh khối cung cấp thức ăn chăn nuôi.

Đối với một số cây ăn quả chủ lực của tỉnh như: mãng cầu, mít, chuối, xoài, bưởi, nhãn và sầu riêng, đa số nông dân bán cho thương lái cung cấp thị trường trong nước hoặc các doanh nghiệp ngoài tỉnh có hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (chuối, mít, ớt); Hàn Quốc, Nhật Bản (chuối); Mỹ (xoài) và Campuchia (nhãn).

“Để các chuỗi trong chăn nuôi phát triển bền vững cần các điều kiện: chính sách hỗ trợ dễ tiếp cận và thực hiện; quy hoạch phát triển vùng sản xuất chăn nuôi rõ ràng, công khai để người dân dự trù được khả năng đầu tư, tránh lãng phí thời gian, tiền của. Bên cạnh đó, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa người chăn nuôi cá thể và HTX, doanh nghiệp để bảo đảm ổn định nguồn cung đầu vào và thị trường tiêu thụ; đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm”.

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN&PTNT

Trong lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh có 8 loại hình chuỗi giá trị chăn nuôi bao gồm: 2 chuỗi thịt tươi trên heo; 3 chuỗi trên bò (thịt tươi, sữa, chăn nuôi - giết mổ - pha lóc - chế biến) và 3 chuỗi trên gà (trứng và thịt).

Cụ thể: Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi heo thịt, tỉnh có 2 mô hình là chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các chợ truyền thống và chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các điểm cung cấp thịt heo an toàn của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Tây Ninh.

Dây chuyền sơ chế trứng gà của Công ty TNHH QL Việt Nam Agroresources, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên (Ảnh: Minh Dương)

Đối với bò thịt, bước đầu hình thành chuỗi thịt bò tươi cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh (chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh); chuỗi chăn nuôi, giết mổ, pha lóc, chế biến sản phẩm thịt bò của Công ty TNHH Pacow International theo công nghệ thịt mát và chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa các nông hộ chăn nuôi bò thịt của Hợp tác xã (HTX) Hiệp Phát tại phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng. Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa, 92% sản phẩm sữa trên toàn địa bàn tỉnh gắn kết được giữa sản xuất và tiêu thụ.

Đối với chăn nuôi gà thịt, có 3 chuỗi giá trị đang thực hiện là chuỗi của Công ty TNHH Thanh Bảo Hân và Tập đoàn Hùng Nhơn - De Heus - Bel gà. Đối với chăn nuôi gà trứng, tỉnh có 2 chuỗi giá trị đang thực hiện là chuỗi gà trứng của Công ty TNHH QL VietNam Agroresource và Công ty TNHH TS Farm.

Liên kết chưa bền vững

Để hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28.6.2019 quy định hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2019-2025. Theo đó, trong năm 2022, lĩnh vực trồng trọt thực hiện 2 dự án cấp tỉnh và 6 dự án cấp huyện.

Còn trong lĩnh vực chăn nuôi, UBND cấp huyện phê duyệt 7 dự án (4 dự án bò, 3 dự án lúa) hỗ trợ liên kết tại các huyện Bến Cầu, Gò Dầu, Châu Thành, thị xã Trảng Bàng và TP. Tây Ninh. Số lượng 850 con bò, diện tích trồng lúa 70,5 ha; kinh phí hỗ trợ 4.039 triệu đồng; thời gian từ năm 2020 đến năm 2025 tuỳ theo dự án.

Đối với chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 theo Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 13 dự án tại các huyện Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên, Gò Dầu và thành phố Tây Ninh.

Tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 4.672 triệu đồng, thời gian hỗ trợ từ năm 2020 đến năm 2025 tuỳ theo dự án. Nhìn chung, hơn 2 năm triển khai, chính sách hỗ trợ lãi vay thực hiện tương đối tốt, các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư phát triển theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, còn một số chính sách khác đang được triển khai thực hiện như: Chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thuỷ sản giai đoạn 2022-2025; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị theo Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 7.2.2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Nông dân liên kết với doanh nghiệp trồng bắp giống.

Riêng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 theo Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND (thay thế chính sách ban hành theo Nghị quyết số 25/2016/NQ-HĐND ngày 22.9.2016 của HĐND tỉnh), từ khi triển khai đến nay chưa có doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ dự án.

Theo Sở NN&PTNT, khó khăn trong việc triển khai là đối tượng hưởng hỗ trợ chính sách là doanh nghiệp, một số doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu nhưng năng lực hạn chế ngại thực hiện chủ trương đầu tư.

Một số doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng địa điểm thực hiện của dự án không nằm trong quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm tập trung, không phù hợp quy định sử dụng đất hoặc không đáp ứng điều kiện, quy mô, công suất phù hợp danh mục khuyến khích đầu tư theo quy định.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, mặc dù trên địa bàn tỉnh đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi nhưng số lượng chưa nhiều, thiếu sản phẩm có giá trị cao, ít sản phẩm được bảo quản lạnh, pha lóc, bao gói, chế biến sau thịt, sữa…

Còn nhiều sản phẩm chưa được giết mổ, chế biến tại địa bàn tỉnh nên nguồn thu hoạt động này còn thấp, chưa xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu là chưa thu hút được doanh nghiệp giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có năng lực làm nhiệm vụ dẫn dắt toàn bộ hoạt động chuỗi giá trị chăn nuôi từ khâu giống, thức ăn, thuốc thú y; liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp, doanh nghiệp - hợp tác xã, nông hộ trong thời gian qua chưa tốt.

Trúc Ly

(còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục