Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước giữ một vị trí then chốt và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Lễ kết nạp Ðảng ở một doanh nghiệp ngoài Nhà nước (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021)
Phát triển tổ chức Ðảng và đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Ðảng, nhằm tăng cường và bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng đối với các thành phần kinh tế theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Các cấp uỷ Ðảng đã có nhiều nỗ lực, tập trung lãnh đạo thực hiện và bước đầu đạt được kết quả tích cực; song còn không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, đồng bộ.
Doanh nghiệp là tế bào cơ bản của nền kinh tế quốc dân, doanh nghiệp phát triển lành mạnh, ổn định, góp phần tạo ra nền kinh tế lành mạnh, ổn định. Song song với việc phát triển doanh nghiệp, Ðảng chú trọng xây dựng tổ chức Ðảng trong doanh nghiệp thành hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, người lao động, tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, các thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc doanh nghiệp theo đường lối của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm xây dựng nền kinh tế thị trường nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động, chủ doanh nghiệp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong doanh nghiệp.
Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng công tác xây dựng tổ chức Ðảng và đảng viên bảo đảm vai trò lãnh đạo, hạt nhân chính trị ở cơ sở, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước giữ một vị trí then chốt và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Việc phát triển tổ chức Ðảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước giúp xây dựng và phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp chấp hành đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm doanh nghiệp phát triển theo đúng mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, hạn chế đình công, lãng công.
Công tác tuyên truyền và hoạt động có hiệu quả của tổ chức Ðảng sẽ giúp chủ doanh nghiệp hiểu rõ phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài của Ðảng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và doanh nghiệp có trách nhiệm tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Ðảng trong doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định. Khi tổ chức Ðảng và đảng viên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp, sẽ được chủ doanh nghiệp ủng hộ, tạo điều kiện hoạt động.
Tổ chức Ðảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có vai trò lãnh đạo xây dựng các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật của Nhà nước, điều lệ doanh nghiệp và điều lệ của mỗi đoàn thể; phân công cấp uỷ viên, đảng viên trong doanh nghiệp đảm nhận và gương mẫu làm tốt công tác đoàn thể trong doanh nghiệp; lãnh đạo các đoàn thể trong doanh nghiệp ký kết thoả ước lao động tập thể, bảo vệ, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, quyền lợi chính đáng của người lao động...
Thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp có tổ chức Ðảng, đoàn thể thì hoạt động có nền nếp, sự gắn bó giữa cấp uỷ và chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội của cộng đồng dân cư ở địa phương tốt hơn.
Cấp uỷ của tổ chức Ðảng cùng các đoàn thể trong doanh nghiệp phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp lãnh đạo xây dựng và thực hiện các quy chế về công tác tổ chức, cán bộ trong doanh nghiệp, bảo đảm dân chủ, công khai; giới thiệu những lãnh đạo doanh nghiệp là đảng viên tham gia vào cấp uỷ của doanh nghiệp.
Tổ chức Ðảng, cấp uỷ trong doanh nghiệp góp phần thúc đẩy tích cực mối quan hệ chặt chẽ với chủ doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền đến quần chúng, người lao động, qua đó bồi dưỡng, tạo nguồn và kết nạp đứng vào hàng ngũ của Ðảng.
Trong đó, chất lượng hoạt động của tổ chức Ðảng là yếu tố quyết định, tác động lớn đến việc phát triển đảng viên trong doanh nghiệp, nhất là vai trò của cấp uỷ Ðảng lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; do đó, cấp uỷ phải phối hợp chặt chẽ với chủ doanh nghiệp để đưa được một số nội dung hoạt động của tổ chức Ðảng vào điều lệ doanh nghiệp.
Ðây chính là điều kiện người lao động yên tâm sản xuất, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đời sống vật chất, tinh thần, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp uỷ Ðảng trong doanh nghiệp, từ đó tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Ðảng; cũng là cơ sở tạo sự đồng thuận cao của chủ doanh nghiệp và người lao động để phát triển đảng viên trong doanh nghiệp.
Phát triển tổ chức Ðảng trong doanh nghiệp góp phần vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức Ðảng trong doanh nghiệp phải thực hiện tốt vai trò lãnh đạo đảng viên, người lao động và tuyên truyền vận động chủ doanh nghiệp thực hiện đúng đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia cùng lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng chương trình, kế hoạch sản xuất, kinh doanh; động viên đảng viên và người lao động phấn đấu thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; cùng với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và kịp thời kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền cấp trên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp.
Bằng các hình thức khác nhau, tổ chức Ðảng, cấp uỷ kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất của đảng viên, người lao động để kiến nghị chủ doanh nghiệp giải quyết, hạn chế các vụ tranh chấp giữa chủ doanh nghiệp với người lao động; phối hợp lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quy định của doanh nghiệp, bảo đảm dân chủ, công bằng về phân phối thu nhập; tích cực tuyên truyền đến các thành viên lãnh đạo doanh nghiệp nắm vững nguyên tắc tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, lãnh đạo đảng viên và những người lao động đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, hợp tác, phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp giải quyết những vấn đề phát sinh.
Việc phát triển tổ chức Ðảng và đảng viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước là một nhiệm vụ trong xây dựng Ðảng, có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp doanh nghiệp hoạt động đúng chủ trương, đường đối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy “tính Ðảng” trong lãnh đạo định hướng các hoạt động của doanh nghiệp, là chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện trách nhiệm xã hội.
Ðồng thời, thông qua tổ chức Ðảng và đảng viên là cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động tới chủ doanh nghiệp và cấp uỷ, chính quyền cấp trên, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và doanh nghiệp… Song, đây là một nhiệm vụ khó khăn, cán bộ làm công tác đảng ở tổ chức Ðảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước chưa có nhiều kinh nghiệm, do đó, đòi hòi vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Nhật Linh
(còn tiếp)