BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khởi sắc nông thôn mới 20 xã biên giới Tây Ninh

Bài 1: Xã biên giới đầu tiên “về đích” 

Cập nhật ngày: 21/10/2022 - 01:11

BTN - Nhờ sự ưu tiên quan tâm đầu tư cho vùng biên giới của Trung ương, tỉnh và huyện- nhất là thành quả sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo và đời sống người dân Tân Lập ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Bà Nguyễn Thị Thu Yên- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tân Biên trao quà cho các em học sinh Trường tiểu học Tân Khai (ấp Chàng Riệc, xã Tân Lập).

Tân Lập là một trong những xã biên giới đầu tiên của tỉnh “về đích” nông thôn mới (NTM) cuối năm 2015. Từ một xã nghèo, đất rộng, người thưa, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Tân Lập nỗ lực gây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất từ đống hoang tàn.

Sau hơn 40 năm kể từ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước và kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam, dấu tích của những hố bom thời chiến nay được phủ xanh bởi cao su, mía, mì và nhiều loại cây ăn trái. Hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thiết chế văn hoá, thể thao phục vụ đời sống và sản xuất của người dân được đầu tư kiên cố, khang trang. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, song hành cùng quá trình xây dựng NTM, tiến tới NTM nâng cao.

PHỦ XANH NHỮNG HỐ BOM

Xã Tân Lập được ví như huyện Tân Biên thu nhỏ bởi hội đủ các yếu tố vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Xã có đường biên giới dài 35km, tiếp giáp 4 xã của Vương quốc Campuchia, có cửa khẩu quốc tế Xa Mát, cửa khẩu quốc gia Chàng Riệc, Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, Khu di tích đặc biệt cấp quốc gia Trung ương Cục miền Nam và Căn cứ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Đầu tháng 9 vừa qua, Tân Lập là một trong 4 xã của tỉnh Tây Ninh được công nhận xã an toàn khu theo Quyết định 1056/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các khu di tích lịch sử trên địa bàn, trong đó có “Khu chứng tích tội ác quân Khmer đỏ Pol Pot-Ieng Sary” là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử đau thương và oai hùng. Nhờ sự ưu tiên quan tâm đầu tư cho vùng biên giới của Trung ương, tỉnh và huyện- nhất là thành quả sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo và đời sống người dân Tân Lập ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Dẫn chúng tôi đến thăm vườn mít Thái siêu sớm trên địa bàn ấp Tân Đông 1, lãnh đạo xã Tân Lập cho biết, đây là một trong những mô hình sản xuất đang được xã định hướng xây dựng sản phẩm OCOP. Chủ vườn là anh Nguyễn Quốc Oai- một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh nhiều năm liền. Năm 2019, sau khi trồng thử nghiệm thành công, anh mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích 4 ha với 2.000 cây mít Thái siêu sớm. “Toàn bộ vườn mít đều được chăm bón theo hướng sinh học, 100% phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường. Giống mít này trồng hơn một năm là cho trái, vườn đang làm bông để cho trái lần hai. Để cây cho ra trái thành phẩm đạt loại 1 phải tuân thủ quy trình chăm sóc và qua nhiều lần tuyển trái, mỗi cây chỉ giữ lại 1-2 trái. Từ kinh nghiệm đúc rút được trong quá trình trồng, chúng tôi cho cây ra trái nghịch mùa để mít bán được giá, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường” - anh Quốc Oai cho biết.

Với đặc thù địa hình cao, trên địa bàn xã không có hệ thống thuỷ lợi kênh mương, trong quá trình lãnh đạo xây dựng NTM, các ngành chức năng của xã hướng dẫn người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên chịu hạn, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm từ nguồn nước ngầm dưới lòng đất. Ngoài các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, mì, mía, điều, hiện nay một số diện tích được chuyển đổi trồng cây ăn trái và hoa màu. Xã cũng thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân và thành lập được một hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp cho các hộ dân. Gắn với xây dựng NTM nâng cao năm 2022, Đảng uỷ, UBND xã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân xây dựng quy trình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, xây dựng sản phẩm OCOP.

Cô và trò Trường mầm non Xa Mát, xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

Ông Nguyễn Văn Đảm- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập cho biết: “Trách nhiệm của địa phương là tạo điều kiện để người dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, có thu nhập cao; hướng dẫn người dân quy trình đăng ký sản phẩm OCOP. Khi nông sản đáp ứng các tiêu chí của Nhà nước đề ra, được công nhận sản phẩm OCOP sẽ có nhiều thuận lợi, giúp người dân quảng bá thương hiệu sản phẩm, đây là điều kiện để sản phẩm nông sản vươn xa hơn, cạnh tranh hơn trên thị trường, không chỉ đối với cây mít mà còn nhiều loại cây trồng khác”.

 

TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT VIỆC KHÓ, HỖ TRỢ CHO VÙNG KHÓ

Năm 2010- khi chủ trương xây dựng NTM được Đảng, Nhà nước triển khai trong toàn quốc, Tân Lập được Huyện uỷ Tân Biên chọn là xã điểm xây dựng NTM. Với xuất phát điểm thấp, năm 2011, xã mới chỉ đạt 2/19 tiêu chí xây dựng NTM, điều kiện kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, trình độ dân trí nhìn chung còn thấp, không đồng đều, người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nguồn lực huy động trong dân còn hạn chế. Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là chương trình tổng hợp, toàn diện, trong quá trình lãnh đạo, điều hành thực hiện thời gian đầu còn nhiều lúng túng, sự phối kết hợp giữa các ngành, các tổ chức có lúc thiếu chặt chẽ và đồng bộ, đặc biệt tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước vẫn còn trong một bộ phận nhân dân. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động được xã tăng cường thông qua nhiều đợt họp dân, tuyên truyền trực quan, truyền thanh cơ sở; tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên trong xây dựng NTM càng được đẩy lên cao.

Theo lãnh đạo UBND xã Tân Lập, trong các tiêu chí NTM, giao thông được xác định là tiêu chí khó, cần nguồn lực lớn. Cách làm của xã là tăng cường quán triệt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân để thống nhất về chủ trương, nhận thức, người dân là chủ thể, là người thụ hưởng thành quả NTM. Thông qua đó xác định rõ những việc nào Nhà nước làm, việc nào nhân dân tham gia thực hiện; việc nào ưu tiên làm trước, việc nào làm sau. Đối với các trục đường ấp, liên ấp, Ban quản lý xây dựng NTM thống nhất các cơ quan chuyên môn huyện khảo sát, lập hồ sơ từng dự án, kiến nghị cấp trên đầu tư. Đối với đường ngõ xóm, liên xã, Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM xã phát động và cho tổ chức, cán bộ đảng viên đăng ký tuyến đường vận động nhân dân đóng góp. Mỗi tuyến đường lập từ 1 đến 2 phương án về kết cấu mặt đường cho nhân dân lựa chọn phương án thực hiện. Đồng thời tổ chức họp dân, nêu rõ ý nghĩa, mục đích, trình bày dự toán theo từng phương án, đưa ra định mức đóng góp theo khả năng từng hộ để người dân bàn bạc và thống nhất tự mình nêu lên mức đóng góp tại cuộc họp. Ban giám sát đầu tư cộng đồng làm công tác giám sát, thống nhất thời gian bắt đầu đóng góp tiền hoặc vật tư, thời gian kết thúc và dự kiến ngày tổ chức thi công.

Với cách làm này, đến nay, 4/4 tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện đã láng nhựa; 9/10 tuyến đường trục ấp, liên ấp được nhựa hoá, bê tông; hệ thống đường ngõ, xóm, đường trục chính nội đồng trên địa bàn xã Tân Lập cũng đều được đầu tư cứng hoá, nhựa hoá phục vụ tốt nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân, đáp ứng yêu cầu duy trì tiêu chí NTM và NTM nâng cao.

Bên cạnh giải quyết tốt những tiêu chí khó, huyện Tân Biên, cấp uỷ, chính quyền xã Tân Lập chỉ đạo tập trung hỗ trợ cho địa bàn khó khăn, nhất là ấp Tân Khai- ấp mới được thành lập năm 2012 tại Khu dân cư biên giới Chàng Riệc gắn với Đề án bố trí, sắp xếp, ổn định 3 khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh của tỉnh. Sau 10 năm, ấp Tân Khai từ chỗ là một khu vực biên giới hoang sơ nay trở thành một khu dân cư biên giới đông đúc với 320 hộ dân, có đầy đủ cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hoá. Nhà cửa được người dân cải tạo cơi nới, xây mới khang trang; từ 1 ha đất sản xuất được cấp, người dân đầu tư, cải tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển thương mại, dịch vụ và kinh tế biên mậu.

Anh Nguyễn Quốc Oai- chủ vườn mít Thái siêu sớm tại ấp Tân Đông 1, xã Tân Lập, huyện Tân Biên

Đối với hệ thống trường học trên địa bàn ấp, do đặc thù biên giới xa trung tâm, việc tuyển dụng và “giữ chân” đội ngũ giáo viên ở đây gặp nhiều khó khăn. Để giúp Tân Lập thực hiện tốt tiêu chí về giáo dục và đào tạo trong xây dựng NTM và NTM nâng cao, huyện Tân Biên chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện có chủ trương hỗ trợ về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cho trường học trên địa bàn ấp Tân Khai. Đặc biệt, trong năm học 2022-2023, phòng GD&ĐT huyện thực hiện chương trình “Bếp hồng biên giới”, vận động cán bộ, giáo viên đóng góp, hỗ trợ bữa ăn trưa cho 20 thầy, cô giáo đang dạy 2 buổi/ngày tại khu vực ấp Tân Khai và các điểm trường lẻ của Trường THCS Tân Lập.

Bà Vũ Thị Hương- Hiệu trưởng Trường mầm non Rạng Đông, xã Tân Lập cho biết: “Từ ngày 1.9 đến nay, Trường mầm non Rạng Đông hỗ trợ một giáo viên tăng cường cho Trường mầm non Tân Khai và tới đây sẽ tiếp tục hỗ trợ cơ sở vật chất theo đề nghị của trường. Ngoài ra, cán bộ, giáo viên nhà trường tiếp tục ủng hộ quỹ “Bếp hồng biên giới”. Đây là cách làm mới, tuy giá trị vật chất không lớn nhưng động viên tinh thần cho cán bộ, giáo viên công tác ở vùng biên giới xa xôi để họ có niềm tin, yên tâm gắn bó với nghề. Chúng tôi rất mong các mạnh thường quân tiếp tục ủng hộ, chung tay cùng ngành GD&ĐT huyện chăm lo cho đội ngũ giáo viên vùng biên giới xa xôi. Đồng thời mong tỉnh quan tâm, có chính sách đặc thù cho đội ngũ giáo viên ở ấp Tân Khai. Sở dĩ chúng tôi chỉ nhắc đến Tân Khai bởi đây là địa bàn đặc biệt, điểm trường cách trung tâm huyện hàng chục ki-lô-mét đường rừng, là nơi tỉnh xây dựng khu dân cư biên giới, di dân lên đó lập ấp, giữ làng, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, rất cần có chính sách đặc biệt để cán bộ, giáo viên yên tâm công tác”.

PHƯƠNG THUÝ - TÂM GIANG

(còn tiếp)