Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bất cập ở các xã nông thôn mới
Bài 2: An Hoà, 200 hộ dân “khát” nước sạch
Thứ bảy: 07:00 ngày 15/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - An Hoà (cũng thuộc huyện Trảng Bàng) được công nhận xã NTM từ năm 2015, nhưng hiện vẫn còn hơn 200 hộ dân ở ấp An Thới chưa có nước sạch để sử dụng.

Thùng nước bị đóng cặn của gia đình ông Ðỗ Anh Dũng.

Bà Ðặng Thị Thuỷ (ngụ ấp An Thới) cho biết, mỗi tháng gia đình bà phải tốn gần 200.000 đồng tiền mua nước uống và nấu ăn. Trong khi gia đình có nước giếng khoan chỉ để tắm giặt, bởi nước ngầm ở đây bị ô nhiễm nặng. Nước từ giếng được bơm lên để lắng vài ngày sau vẫn còn mùi hôi. Do đó, mỗi khi có mưa, bà Thuỷ cũng như nhiều hộ khác tranh thủ hứng lấy dự trữ để dùng dần.

Vừa mới khoan thêm một giếng sâu hơn 100m với số tiền trên 20 triệu đồng, nhưng ông Ðỗ Anh Dũng (người dân ấp An Thới) vẫn không có nước sạch để sử dụng. Theo ông Dũng, nước giếng ở đây không những bị nhiễm phèn mà có thể còn bị ô nhiễm hoá chất khác nữa. Cụ thể, sau khi đun sôi để nguội, nước có vị mằn mặn, màu ngả sang hơi tím, mùi tanh, bên dưới đáy nồi có nhiều tạp chất kết lại như nhớt, có màu nâu xám.

Cùng ngụ ấp An Thới, một phụ nữ cho biết, trước đây, nguồn nước sinh hoạt của gia đình chị là nước giếng khoan. Không hiểu vì sao, những năm gần đây, nguồn nước này bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Trước đây, giếng khoan sâu chưa tới 50m là đã có nước sạch sử dụng, nay khoan giếng sâu cả trăm mét mà nước vẫn có phèn và mùi tanh rất khó chịu. Mỗi tháng, gia đình chị phải mua hơn 20 bình nước lọc vừa để ăn uống vừa để tắm cho con nhỏ.

Theo ông Dũng, trước đây người dân ấp An Thới cũng có một trạm cung cấp nước sạch, nhưng do nằm trong quy hoạch Khu công nghiệp Thành Thành Công nên đến nay trạm này không còn. Tình trạng chất lượng nguồn nước ngầm ngày càng xấu đi khiến người dân hết sức lo lắng, hoang mang.

Ông Nguyễn Công Hường, Chủ tịch UBND xã An Hoà cho biết, việc người dân ấp An Thới chưa có nước sạch để sử dụng cũng là nỗi trăn trở của địa phương. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri các cấp, lãnh đạo xã và nhân dân nhiều lần có ý kiến với ngành chức năng cấp trên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã khảo sát nhưng do kinh phí đầu tư chưa có nên chưa thực hiện được.

Một cán bộ Chi cục Thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, qua khảo sát thực tế nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ấp An Thới, xã An Hoà và các xã Gia Bình (huyện Trảng Bàng), xã Thanh Phước (huyện Gò Dầu), Chi cục đã giao Công ty cổ phần đầu tư xây dựng VietCom triển khai 2 dự án cấp nước tại ấp An Thới, xã An Hoà và dự án cấp nước liên xã An Hoà, Gia Bình (thuộc huyện Trảng Bàng) và xã Thanh Phước (huyện Gò Dầu).

Cả hai dự án đều đã được nhà đầu tư khảo sát, dự toán kinh phí và lập kế hoạch thực hiện trình Sở Kế hoạch - Ðầu tư và UBND tỉnh. Dự kiến, dự án cấp nước cho ấp An Thới sẽ triển khai trong quý III năm 2018, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu quý II năm 2019.

Ðối với dự án cấp nước liên xã An Hoà - Gia Bình - Thanh Phước, sau khi UBND tỉnh phê duyệt, dự án sẽ được triển khai thi công trong quý II năm 2019, đến quý II năm 2020 sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác.

Bà Ðặng Thị Thuỷ phải dùng nhiều lu hứng nước mưa sử dụng thay nước giếng khoan bị ô nhiễm.

 Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc hiện nay là chủ đầu tư không tìm được vị trí đặt trạm cấp nước, do nguồn đất công của địa phương không có đủ để thực hiện dự án. Trong khi đó, giá đất thị trường đang đắt đỏ, khiến nhà đầu tư ngần ngại, bởi nếu mua đất làm dự án sẽ gây tác động bất lợi đến giá thành nước kinh doanh.

Là một trong 19 tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nước sạch và vệ sinh môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sức khoẻ và sự phát triển bền vững của người dân, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Do đó, người dân rất mong các ngành chức năng quan tâm hơn nữa, sớm tạo điều kiện cho họ tiếp cận được với nước sạch.

Mặt khác, người dân cũng đề nghị ngành chức năng khảo sát, lấy mẫu nước ngầm ở An Thới để  phân tích các thành phần độc hại nào trong nước hay không để cảnh báo kịp thời cho người dân.

Nhóm PV kinh tế

Cuối năm 2017, trước hội nghị tiếp xúc, đối thoại với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền tỉnh Tây Ninh với nhân dân địa phương, người dân An Thới kiến nghị ngành chức năng sớm cho thi công trạm cấp nước sạch ở ấp này nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của khoảng 200 hộ dân trong ấp. Theo người dân địa phương, trước đây ấp đã có trạm cấp nước sạch nhưng do phải triển khai thực hiện dự án Khu công nghiệp Thành Thành Công nên trạm bị giải toả. Thời điểm mới triển khai dự án, nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hứa sẽ xây dựng lại trạm cấp nước khác trả lại cho người dân An Thới, nhưng đến nay, dù người dân kiến nghị nhiều lần vẫn chưa được giải quyết.

Trước phản ánh của người dân, UBND tỉnh trả lời cho biết, công trình cấp nước ấp An Thới, xã An Hoà, huyện Trảng Bàng nằm trong danh mục đầu tư theo phương thức xã hội hoá. Năm 2016, Công ty cổ phần Shiny Việt Nam đăng ký thực hiện dự án này. Tuy nhiên, do công ty này không lập đề xuất dự án xây dựng công trình nên UBND tỉnh đã giao ngành Nông nghiệp tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp khác đầu tư thực hiện.

Hiện nay, dự án trên đã được Công ty cổ phần đầu tư xây dựng VietCom đăng ký nghiên cứu thực hiện và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương tiếp cận, khảo sát, nghiên cứu thực hiện.

UBND tỉnh cũng cho biết, nếu quá thời gian quy định mà Công ty cổ phần đầu tư xây dựng VietCom không thực hiện thủ tục xin đầu tư, UBND tỉnh giao ngành Nông nghiệp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh bổ sung công trình cấp nước ấp An Thới, xã An Hoà vào danh mục đầu tư công giai đoạn 2016-2020 để có cơ sở bố trí kinh phí từ ngân sách giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân.
                                                                                                                                                                HOÀNG THI
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục