Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Báo chí, truyền thông là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là phương tiện quan trọng tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, là diễn đàn để nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát quyền lực, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thời điểm năm 2017, trong khuôn khổ cuộc hội thảo, trao đổi thường niên lần thứ 13 (đã trích dẫn ở bài 1 của loạt bài này), lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, trong suốt tiến trình lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như thời kỳ đổi mới, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng vai trò to lớn của báo chí, truyền thông.
Đề cao trách nhiệm xã hội
Báo chí, truyền thông là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là phương tiện quan trọng tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, là diễn đàn để nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát quyền lực, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Toàn bộ hệ thống báo chí, truyền thông ở Việt Nam đều là cơ quan của các tổ chức đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo báo chí, truyền thông bằng việc định hướng quy hoạch phát triển và quản lý hệ thống báo chí, truyền thông. Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận như một giá trị quan trọng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Báo chí của ta cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội”. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hoá và con người Việt Nam”.
Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng to lớn và đa dạng của nhân dân về thông tin, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phát triển mạnh mẽ đi đôi với quản lý tốt hệ thống báo chí, truyền thông. Phát triển báo chí, truyền thông theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập quốc tế, mở rộng quy mô ảnh hưởng, cân đối hợp lý giữa các lĩnh vực, địa bàn trong nước và thế giới.
Đảng lãnh đạo trong việc đề ra các chủ trương, chiến lược phát triển, nội dung thông tin, công tác cán bộ, cơ chế tài chính và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của báo chí, truyền thông. Quản lý tốt nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của hệ thống báo chí, truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng, phong phú của nhân dân.
Báo chí tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Báo chí đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận trong xã hội, nâng cao dân trí, phát triển văn hoá, con người Việt Nam.
Báo chí góp phần tăng cường đoàn kết, hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, với nhân dân tiến bộ trên thế giới, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những sai phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội của những thông tin xấu, độc trên các phương tiện báo chí, truyền thông, nhất là truyền thông xã hội trên môi trường internet.
Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên”.
Xã hội càng phát triển thì báo chí, truyền thông càng có vai trò to lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Công tác quản lý không những phải theo kịp sự phát triển nhanh chóng của báo chí, truyền thông, mà còn phải định hướng kịp thời, đúng đắn cho sự phát triển hợp lý và hiệu quả hệ thống báo chí, truyền thông của đất nước.
“Thay đổi chưa từng có trong lịch sử nhân loại”
Bên cạnh những ưu điểm, thành tựu to lớn và căn bản, hệ thống báo chí, truyền thông Việt Nam không tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm. Nhìn tổng thể, quy hoạch phát triển hệ thống báo chí, truyền thông chưa thực sự khoa học nên còn có những bộ phận chưa hợp lý, chồng chéo nhiệm vụ, gây lãng phí cho nguồn lực xã hội.
Một số cơ quan báo chí chưa tiếp cận với công nghệ thông tin, làm báo hiện đại, sản phẩm báo chí chưa thực sự hấp dẫn. Một số cơ quan báo chí còn sa đà khi khai thác thông tin các mặt tiêu cực của đời sống xã hội, chưa chú ý đúng mức việc phát hiện, cổ vũ, nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, những mặt tích cực của xã hội.
Một số cơ quan báo chí, truyền thông có biểu hiện thương mại hoá, xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa làm tốt chức năng định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, chăm lo xây dựng con người. Trên mạng xã hội còn xuất hiện những thông tin thiếu trách nhiệm công dân, sai sự thật, kích động bạo lực, tuyên truyền những sản phẩm văn hoá lai căng, đồi truỵ, ảnh hưởng tiêu cực đến văn hoá, lối sống tốt đẹp của dân tộc, nhất là giới trẻ.
Trong thực tế, vẫn còn một số đối tượng bất mãn hoặc thù địch chống phá chế độ, chống phá đất nước từ bên trong và bên ngoài, tung thông tin sai trái, xấu độc lên mạng xã hội, bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những thông tin này là những tác nhân gây nhiễu về tư tưởng, văn hoá, ảnh hưởng xấu đến sự đồng thuận trong nhân dân.
Nhà báo Vũ Văn Hiền- Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, báo chí, truyền thông là diễn đàn của nhân dân, thường xuyên tiếp xúc với nhân dân và góp phần giải đáp những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra.
Báo chí đấu tranh hằng ngày, hằng giờ chống những âm mưu, thủ đoạn đen tối của các thế lực thù địch, chống các khuynh hướng sai trái trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, góp phần quan trọng trong việc tổ chức, tuyên truyền, phát động phong trào cách mạng của nhân dân.
Gắn bó mật thiết với nhân dân, báo chí, truyền thông Việt Nam không chỉ thực hành chức năng phản ánh xã hội, cung cấp thông tin, luận cứ hướng dẫn tư tưởng và hoạt động cho người đọc, người xem, người nghe mà còn phục vụ nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Báo chí, truyền thông luôn là lực lượng hữu hiệu nhất trong thông tin đối ngoại để bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam, ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa và cao cả của Việt Nam. Báo chí, truyền thông thực sự là vũ khí sắc bén, hiệu quả trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Báo chí, truyền thông như tấm gương phản chiếu thực tế muôn hình, muôn vẻ của đời sống xã hội.
Thế giới đang chứng kiến những thay đổi hết sức lớn lao, nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Giáo sư Klaus Schwab- Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới đã nhận định: “Chúng ta đang đứng trên ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng công nghệ có khả năng thay đổi một cách căn bản lối sống, lối làm việc và lối tương tác của chúng ta.
Sự thay đổi này chưa từng có trong lịch sử nhân loại”. Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều thay đổi về chất đối với phương thức sản xuất ở mỗi nước và ở cấp độ toàn cầu.
Trong đời sống quốc tế, một số trào lưu và xu hướng mới đang xuất hiện, như trào lưu dân tuý, xu hướng bảo hộ, sự chuyển dịch quyền lực giữa các nước lớn, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng... đang là những nhân tố tác động nhiều chiều đến đời sống quốc tế.
Việt Đông
(còn tiếp)