Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay
Bài 2: Biểu tượng của khát vọng hoà bình
Thứ sáu: 13:53 ngày 16/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của khát vọng hoà bình Việt Nam, của tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc.

Hơn ai hết, Hồ Chí Minh là người thiết tha với hoà bình - một nền hoà bình chân chính gắn liền với độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Kiên định về chiến lược đồng thời cũng hết sức linh hoạt về sách lược để giữ gìn hoà bình, Hồ Chí Minh đã kiên trì con đường thương lượng, đối thoại nhằm giải quyết mối xung đột Việt - Pháp bằng phương pháp hoà bình.

Hiện thân cao đẹp của tình hữu nghị

Các nhà nghiên cứu chỉ ra, khi kẻ thù buộc nhân dân Việt Nam phải đứng lên cầm súng kháng chiến, Người vẫn không buông ngọn cờ hoà bình, vẫn liên tục gửi thư đến Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, kêu gọi họ hãy hướng chính sách của nước Pháp vào con đường chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình. Những người từng đối thoại với Hồ Chí Minh đều tỏ lòng kính trọng đối với “một con người mềm dẻo, kiên nhẫn, ôn hoà, luôn luôn tìm cách hoà giải về thể thức chuyển hoá”, đều ca ngợi Hồ Chí Minh là “người luôn luôn biết giải quyết những vấn đề khó khăn với nụ cười trên môi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Lễ duyệt binh mừng Cách mạng Tháng Mười Nga vào ngày 7.11.1957 tại Quảng trường Đỏ

Khẳng định Việt Nam là “một bộ phận trong phe hoà bình, dân chủ thế giới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định chính sách đối ngoại của Việt Nam là “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, “nhằm xây đắp nền hoà bình thế giới”.

Hồ Chí Minh là người đã bắc những nhịp cầu hữu nghị, đẩy mạnh việc giao lưu, tiếp xúc, nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc - một cơ sở để duy trì và củng cố hoà bình. Nhân dân thế giới hiểu rõ cuộc đời chiến đấu hơn 60 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người không chỉ đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình mà còn vì hạnh phúc và phẩm giá của các dân tộc bị áp bức. Bản án kết tội chủ nghĩa thực dân của Người đã có tiếng vang rộng rãi, góp phần thức tỉnh nhiều dân tộc thuộc địa vùng lên đấu tranh tự giải phóng.

Sau khi Việt Nam giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng giáo dục nhân dân về lòng yêu hoà bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc, biết kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, hai nhà lãnh đạo đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dẫn đầu nhiều cuộc đi thăm hữu nghị các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước láng giềng ở châu Á... Đến đâu, Người cũng nói lên tình cảm chân thành và nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam được sống trong hoà bình, độc lập, có quan hệ hữu nghị với tất cả các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Suốt đời mình, Hồ Chí Minh theo đuổi lý tưởng hữu ái, đoàn kết, thân thiện giữa các dân tộc, không phân biệt chủng tộc và màu da. Người là hiện thân cao đẹp của tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đặt nền móng cho chính sách mở cửa và hợp tác rộng rãi của Việt Nam với thế giới trên mọi lĩnh vực. Ngay từ khi nhà nước Dân chủ Cộng hoà non trẻ của Việt Nam vừa mới thành lập, còn trong vòng vây bốn bề của hệ thống tư bản thế giới, chưa được một quốc gia nào công nhận, cuối tháng 12.1946, trong Lời kêu gọi Liên Hợp Quốc, Hồ Chí Minh chủ động tuyên bố: Việt Nam dành thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay, đường sá giao thông cho buôn bán và quá cảnh quốc tế; Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc; Việt Nam sẵn sàng ký kết, trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, những hiệp định an ninh và những hiệp định có liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân...

Trong tuyên bố đó, Hồ Chí Minh đã nói rõ: Việt Nam không chỉ chiến đấu vì những quyền lợi thiêng liêng của mình mà còn “chiến đấu cho một sự nghiệp chung, đó là sự khai thác tốt đẹp những nguồn lợi kinh tế” và “cho an ninh ở Viễn Đông”.

Trả lời phóng viên báo Pháp Regards, Người nói “Chúng tôi muốn lập với nước Pháp những mối quan hệ kinh tế và văn hoá trên cơ sở bình đẳng, hai bên đều có lợi và cộng tác thẳng thắn và tin cậy nhau... Đồng thời, chúng tôi muốn lập quan hệ hữu nghị với tất cả các nước khác, trước hết là các nước châu Á”.

Đó là những tư tưởng có tầm nhìn xa, đi trước thời đại, đặt nền móng cho chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa, hợp tác làm ăn với nước ngoài của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay.

Văn hoá, đạo đức, nhân cách trong di sản Hồ Chí Minh

Sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự nghiệp và tư tưởng thấm đậm giá trị văn hoá bởi Người đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại cho nhân dân quyền sống đích thực của con người và góp phần cùng loài người loại trừ một trở lực trên con đường tiến tới văn minh là chủ nghĩa thực dân, góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân loại.

Những giá trị văn hoá đó càng thêm sâu sắc khi Người chủ trương giác ngộ nhân dân, làm cho nhân dân hiểu rõ các quy luật phát triển của xã hội, nhận rõ mục đích đấu tranh và con đường giải phóng, tin chắc vào sự thắng lợi mà kiên quyết tự đứng lên làm cách mạng và xây dựng xã hội mới không có áp bức, bóc lột và tạo ra những điều kiện phát triển toàn diện cho con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu nước mạnh, mọi người Việt Nam đều phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia xây dựng nước nhà”.

Chủ trương “văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”, trong bất kỳ điều kiện nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chú trọng phát triển văn hoá, nâng cao dân trí, giáo dục đạo đức, tạo điều kiện cho mỗi người tận lực phát triển những năng lực sẵn có của mình.

Nền văn hoá mới của Việt Nam phải kết hợp tốt giữa việc kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa yêu nước nồng nhiệt kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Văn hoá phải thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Văn hoá phải chống lại tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ. Văn hoá phải làm cho mọi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc mà mình được hưởng.

“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi sự dốt nát cũng là một kẻ thù. Người chủ trương phải phát triển tốt nền giáo dục thì mới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mới tiến kịp sự phát triển chung của nhân loại. Xác định rõ học tập để làm việc, làm người, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Người thường xuyên nhấn mạnh tới nhiệm vụ giáo dục lý tưởng, giáo dục đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Người khẳng định “một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Người không chỉ để lại một hệ thống quan điểm về đạo đức mới mà còn là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, về sự nhất quán giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của sự toàn thiện, toàn mỹ về đạo đức: yêu đồng bào, yêu nhân loại, triệt để cách mạng và vô cùng nhân từ. Uyên bác nhưng cực kỳ khiêm tốn, nguyên tắc về chiến lược nhưng linh hoạt về sách lược. Nhìn xa trông rộng nhưng rất thiết thực cụ thể; vĩ đại nhưng rất mực bình dị, là nhà thơ trong người chiến sĩ cách mạng. Người là hình mẫu về nhân cách cao đẹp của người cách mạng, là nhà lãnh đạo gần gũi của nhân dân, được nhân dân thân thiết gọi là Bác Hồ. Người là kết tinh những giá trị cao quý nhất của văn hoá - đạo đức Việt Nam.

Việt Đông

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục