Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kỷ niệm 113 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2024): Xôn xao bến cảng Nhà Rồng
Bài 2: “Chân lý ở đâu và tìm đâu ra chân lý”
Chủ nhật: 08:19 ngày 09/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước Nguyễn Tất Thành đã có những người Việt Nam xuất dương cứu nước. Chỗ khác nhau cơ bản, trước hết ở mục đích của nó chứ không phải hành động xuất dương.

Trong cuốn sách “Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin ở Việt Nam, 1921-1930”, xuất bản năm 2009 của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, PGS. TS. Phạm Xanh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: Trước Nguyễn Tất Thành đã có những người Việt Nam xuất dương cứu nước. Chỗ khác nhau cơ bản, trước hết ở mục đích của nó chứ không phải hành động xuất dương.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) cùng các đại biểu tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản.

Hành trang mang theo - lòng yêu nước

Theo PGS. TS. Phạm Xanh, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, trước khi rời bến Nhà Rồng đã từng trăn trở: Tại sao các phong trào chống Pháp phải chịu thất bại? Chân lý ở đâu và tìm đâu ra chân lý để cứu dân cứu nước? Nguyễn Tất Thành đã soi tìm trong lịch sử, đặc biệt phong trào chống Pháp đương thời, những cứ liệu cho dự cảm mới mẻ về tư duy và hành động của mình. Kính trọng các bậc anh hùng tiền bối, nhưng Nguyễn Tất Thành không bằng lòng với đường đi nước bước của những người đi trước và anh không muốn đi theo lối mòn của lịch sử.

Sau nhiều trăn trở, suy nghiệm, ngày 5.6.1911, Nguyễn Tất Thành với chân phụ bếp trên chiếc tàu Latouche Tréville thuộc hãng Vận tải hợp nhất, rời cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) hướng tới phương Tây, trước hết là nước Pháp, tìm đường cứu nước. Hành trang của Người mang theo không có gì ngoài tấm lòng yêu nước và đôi bàn tay lao động với quyết tâm tìm ra chân lý để trở về cứu dân cứu nước khỏi kiếp đoạ đày, nô lệ.

Đối với người Việt Nam, “nước” phải gắn chặt với “dân” và chủ nghĩa yêu nước mang nội dung nhân dân sâu sắc. Những bậc anh hùng lớn của dân tộc đã nhận thức được chân lý đó khi coi “nước nhà chung sức”, “ý chí của dân chúng” như cội nguồn sức mạnh giữ nước (Trần Quốc Tuấn), hay ví dân như nước “nước có thể chở thuyền và lật thuyền” (Nguyễn Trãi). Dĩ nhiên, trong mỗi thời đại, chủ nghĩa yêu nước còn bị chi phối bởi hệ tư tưởng thống trị của thời đại đó. Trong thời đại phong kiến, chủ nghĩa yêu nước gắn với chủ nghĩa trung quân. Nhưng trong bước đường thoái hoá của chế độ phong kiến và sự suy vi của hệ tư tưởng phong kiến, chủ nghĩa trung quân trở nên bảo thủ và đối lập với chủ nghĩa yêu nước chân chính. Những bế tắc và thất bại của phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã chứng tỏ sự phá sản của chủ nghĩa trung quân. Nguyễn Tất Thành xuất thân trong một gia đình nhà Nho nhưng không bị ràng buộc bởi tư tưởng trung quân như một số trí thức đương thời. Tư tưởng yêu nước của Người thấm nhuần những giá trị dân tộc và nhân bản của đạo lý Việt Nam, gắn nước với dân và lấy đó làm mục tiêu hàng đầu, làm chuẩn mực cao nhất mọi giá trị tinh thần. Chủ nghĩa yêu nước ở Người vừa kế thừa tinh hoa của chủ nghĩa yêu nước truyền thống, vừa bao hàm một tinh thần đổi mới phù hợp với yêu cầu giải phóng dân tộc và xu thế của thời đại. Quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Người mang ý nghĩa đó.

Trước Nguyễn Tất Thành đã có những người Việt Nam xuất dương cứu nước. Chỗ khác nhau cơ bản không phải ở hành động xuất dương, mà trước hết ở mục đích của nó. Nguyễn Tất Thành xác định mục đích xuất dương hoàn toàn khác: “Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Sau này, có dịp, Người nói lại: “Nhân dân Việt Nam trong đó có cụ thân sinh ra tôi lúc này thường tự hỏi nhau rằng: ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này thì nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người khác nữa nghĩ là Mỹ. Tôi thì thấy phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ”. Như vậy, trước lúc đi ra nước ngoài, người thanh niên Nguyễn Tất Thành nhận thức một cách rõ ràng, cái dân tộc cần trước tiên là phương pháp đuổi giặc, cứu nước chứ chưa phải là súng đạn. Điều này có nghĩa, cách tiếp cận vấn đề của Nguyễn Tất Thành khác hoàn toàn các bậc tiền bối.

Đã nhiều nhà nghiên cứu bàn về hướng đi của Người  sang phương Tây trong sự đối lập với phương Đông. Nhưng vấn đề đặt ra trong suy nghĩ của Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ có lẽ không phải là một phương Tây chung chung, cũng không phải sự đối lập và tuyệt đối hoá giữa phương Đông và phương Tây.

“Dù màu da có khác nhau”…

Mục đích chính Nguyễn Tất Thành muốn vươn tới là mở rộng tầm nhìn, quan sát thế giới rộng lớn bên ngoài và đó phải là một nước phương Tây cụ thể đang thống trị nước mình. Các lý do hấp dẫn đưa Người đến nước Pháp là những truyền thống tự do, bình đẳng, bác ái và nền văn minh của chính quốc mà Người được nghe, biết và sự tàn bạo của bọn thực dân ở thuộc địa mà Người đã chứng kiến. Đó là sự tương phản gay gắt đã dội vào nhận thức của Người về kẻ thù của dân tộc. Đó cũng là điều mà Người tự thấy phải khám phá, phải nhận biết. Năm 1923, tại Moskva khi trả lời cuộc phỏng vấn của phóng viên “Tạp chí Ngọn lửa nhỏ”, Nguyễn Ái Quốc giải thích quyết định ra đi của mình như sau: “Vào trạc tuổi 13 lần đầu tiên tôi được nghe những từ ngữ tiếng Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái - đối với chúng tôi lúc ấy, mọi người da trắng được coi là người Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”. Rõ ràng, trước khi bước chân xuống tàu rời Tổ quốc, Nguyễn Tất Thành đã chuẩn bị cho mình những tiền đề tư tưởng bao gồm việc phê phán những con đường cứu nước của các bậc cha chú, lựa chọn hướng đi và điểm tới của mình. Song chỉ riêng những tiền đề tư tưởng mà Người chuẩn bị trong hành trang ra đi chưa đủ bảo đảm cho Người đến với chủ nghĩa cộng sản, mà không phải một chủ nghĩa nào khác. Phải có một quá trình hoạt động thực tiễn phong phú và gắn với nó là hoạt động tư duy khoa học, mới có thể đưa Người đến sự lựa chọn đúng đắn, tiếp cận với chân lý của thời đại. Thiếu sự hoạt động thực tiễn, Người không thể đi xa hơn. Như vậy, phương thức sống, hoạt động và phương pháp tư duy trong những năm đi tìm chân lý cũng là một nhân tố quan trọng tác động đến nhận thức tư tưởng, sự chuyển biến của chủ nghĩa yêu nước của Nguyễn Tất Thành.

Trong l0 năm, từ năm 1911 đến năm 1920, Nguyễn Tất Thành đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới, từ đó xem xét, khảo nghiệm nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống phức tạp, đa dạng của nhân loại. Người thanh niên này đã từng in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ, đặc biệt Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở ba nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp.

Những chuyến đi, những cuộc khảo nghiệm đó, chủ nghĩa yêu nước ở Người có những chuyển biến mới. Sự đồng cảm với đồng bào mình đã được nâng lên thành sự đồng cảm với nhân dân lao động, với các dân tộc cùng cảnh ngộ. Trên cơ sở đó, Người rút ra một kết luận có tính chất nền tảng đầu tiên: ở đâu đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác, ở đâu những người lao động cũng bị bóc lột, áp bức nặng nề và “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”. Những nhận biết căn bản đó càng giục giã Người quyết tâm tìm con đường giải phóng mà Người đã từng nung nấu, ấp ủ từ ngày rời Tổ quốc.

Thẻ thư viện của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thu thập được tại Trung tâm Lưu trữ Sở Cảnh sát Pháp.

Trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Nguyễn Tất Thành trở lại nước Pháp. Địa bàn Người chọn là Paris, trung tâm chính trị, văn hoá của cả thế giới văn minh phương Tây lúc đó chứ không riêng nước Pháp. Paris như điểm hẹn lịch sử của các bậc vĩ nhân trên thế giới. Lúc Nguyễn Tất Thành có mặt ở Paris cũng là lúc lịch sử nhân loại đang bước đi những bước gấp, tình hình chính trị thế giới đang trải qua những biến chuyển lớn lao. Đầu năm 1919, người thanh niên này gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một đảng tiến bộ lúc đó thường lên tiếng chống lại chính sách áp bức bóc lột của thực dân Pháp ở các thuộc địa theo hướng nhân đạo hoá các chính sách đó. Ngày 18.6.1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Hội Những người yêu nước Việt Nam ở Pháp, anh gửi tới Hội nghị Versaille bản Yêu sách của nhân dân An Nam đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Cùng ngày, bản yêu sách đó xuất hiện trên báo L’Humanité (Nhân đạo), cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp.

Bản yêu sách đó gây tiếng vang lớn không những trong dư luận xã hội nước Pháp mà còn dội mạnh về nước, tạo nên một bước chuyển mới trong phong trào giải phóng dân tộc. Bằng những hoạt động sôi nổi trong Việt kiều, trong Đảng Xã hội Pháp, trong phong trào công nhân Pháp, Người nhanh chóng nắm bắt được nhịp thở của thời đại làm cơ sở cho sự lựa chọn giá trị tuyệt đối cho bản thân và cho dân tộc.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục