Thời Sự - Chính trị   Thời Sự - Chính trị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Truyền thông đen hay là những ngòi bút bị tha hoá

Bài 2: “Chiêu tuyết” cho ngoại bang, vu cáo chế độ 

Cập nhật ngày: 05/03/2021 - 15:30

BTN - Cách nay hơn một năm, ngày 17.2.2020, trên trang cá nhân của một vị cao niên, xuất thân là nhà văn và từng có thời gian dài công tác trong lực lượng vũ trang đăng bài viết rất dài với tựa đề “Chín mươi năm đảng búa liềm”.

Than khai thác ở Hòn Gai đều được thực dân Pháp đưa về nước.

Trước hết nói về hình thức, phải thừa nhận bài viết được gia công kỹ lưỡng, dưới dạng một bài chuyên luận, tức có hệ thống quan điểm, luận cứ, luận chứng hẳn hoi, không phải dạng bài “làm văn tập thể” như thường thấy. Nhưng, điều đáng bàn là ở nội dung, tinh thần của bài viết.

Là một nhà văn, ông ta biết làm thế nào để tăng tính thuyết phục, lôi kéo người đọc tin ở những điều mình viết. Một trong những thủ pháp được người này sử dụng là đan xen giữa sự kiện lịch sử có thật kèm theo những bình luận, góc nhìn thiếu khách quan, một cách có chủ đích.

Những sự kiện lịch sử được nêu trong bài, cơ bản là có thật, vì hầu hết những câu chuyện ông ta nêu đều có mặt trong sách giáo khoa phổ thông. Nhưng điều đáng nói là phần bình luận, góc nhìn của người này, một người vốn đã một thời “giơ nắm tay thề” trước tổ chức, nay lại trở giáo.

Trong bài viết, người này đã dụng công liệt kê những thành tích của nước Pháp trong việc “khai hoá văn minh” cho Việt Nam cứ như thể nước Pháp là ân nhân của dân tộc này. Một trong những thành tích được người này (thật ra không chỉ riêng người này) nhắc đi nhắc lại là, nhờ nước Pháp, Việt Nam mới có hệ thống đường sắt từ Bắc vào Nam.

Nhìn nhận một cách sòng phẳng, đúng là nước Pháp làm hệ thống đường sắt khổ hẹp từ Bắc vào Nam nhưng ở thời điểm đó, họ làm giao thông không phải để phục vụ cho người Việt. Như có lần đã đề cập, mục đích của quyết định làm đường sắt là phục vụ cho công cuộc khai thác tài nguyên ở xứ thuộc địa.

Trong gần 100 năm chiếm đóng nước ta, chính quyền thực dân Pháp đã hai lần khai thác tài nguyên trên quy mô lớn: lần thứ nhất từ từ 1893-1904, và lần thứ hai 1913-1919. Toàn bộ tài nguyên thiên nhiên của nước ta đều được những đoàn tàu này vận chuyển xuống các cảng biển để chở về châu Âu phục vụ “nước mẹ đại Pháp”.

Những điều vừa trình bày đều là kiến thức phổ thông, tư liệu công khai, ai cũng có thể kiếm chứng, nếu muốn. Thậm chí, khi học phổ thông, học sinh cũng đều biết sự thật hiển nhiên này.

Chỉ cần qua một sự kiện nêu trên, có thể rút ra kết luận, ông cựu nhà văn vốn từng công tác trong lực lượng vũ trang, cấp hàm khá cao chỉ nêu đúng một nửa sự thật (nước Pháp làm đường sắt) còn một nửa sự thật khác (làm đường sắt để vận chuyển tài nguyên chiếm được ở thuộc địa để đem về châu Âu) thì ông ta lờ đi.

Trong giới học thuật, hành vi vừa nêu không được đánh giá cao, vì thiếu sòng phẳng với lịch sử. Nói cách khác, ông nhà văn này ra sức biện hộ cho một cường quốc khi chính cường quốc ấy đánh chiếm Việt Nam- Tổ quốc sinh ra nhà văn kia.

Ở một đoạn khác trong bài, người này viết: “Dù là kẻ xâm lược nhưng nước Pháp của văn minh công nghiệp, của cách mạng tư sản dân quyền cai trị Việt Nam đã bảo đảm quyền con người của người dân Việt Nam bị trị với những quyền cơ bản: quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do biểu tình.

Trong khi nhà nước cộng sản Việt Nam cai trị người Việt Nam, những quyền con người cơ bản đó chỉ có trong giấc mơ của người dân...”. Nói đến nhân quyền, một trong những quyền cơ bản nhất của con người, như chính Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ đã viết và sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lại trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đó là “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Ngày 31.8.1858, khi đại bác của thực dân Pháp “khạc lửa” tại bờ biển Ðà Nẵng, đó là giây phút người dân Việt Nam mất quyền được sống, tất nhiên mất cả quyền tự do, đừng nói gì quyền mưu cầu hạnh phúc.

Từ năm 1884 đến năm 1930 và cả giai đoạn sau này, hàng chục cuộc khởi nghĩa, biểu tình của người dân nước Việt chống lại ách thống trị của người Pháp đều bị nhấn chìm bằng đại bác, vòi rồng phun lửa bởi “nền văn minh đại Pháp”.

Ngay cả khi nước Việt Nam giành được độc lập, bằng thiện chí tối đa để giữ nền hoà bình, những vị tiền bối của cách mạng Việt Nam đã tìm mọi cách, cố gắng ngoại giao cao nhất để giữ nền độc lập, nhưng chính những người cầm quyền ở nước Pháp đã phớt lờ, vì “họ quyết cướp nước ta một lần nữa”. Những sự thật này, tại sao không nêu ra, thưa nhà văn?

 Còn các quyền tự do khác như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do biểu tình mà ông đề cập, những quyền nêu trên bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự khác biệt về văn hoá. Ðó còn chưa kể, trong Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc cũng đã chỉ rõ, bất kỳ ai cũng phải chịu sự giới hạn của pháp luật.

“Ngày 1.4.1960, Liên Hợp Quốc ra Nghị quyết 1514 của Ðại hội đồng Liên Hợp Quốc đòi hỏi các nước có thuộc địa phải trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa. Nghị quyết xác định: “Sự nô dịch các dân tộc xuất phát từ ách cai trị, sự đô hộ và bóc lột của ngoại bang cấu thành sự phủ nhận các quyền cơ bản con người là trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc và là một sự cản trở đối với việc thúc đẩy hoà bình và hợp tác trên thế giới.

Tất cả các dân tộc có quyền tự quyết xuất phát từ quyền này, các dân tộc tự do quyết định địa vị chính trị của mình và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá… Tất cả các quốc gia phải tuân thủ một cách nghiêm túc và chặt chẽ các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới và Tuyên bố này trên cơ sở bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và tôn trọng chủ quyền của tất cả các dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của họ”.

Sau khi trích dẫn đoạn văn trên, nhà văn bình luận như thế này, nguyên văn: “Nhưng xã hội Việt Nam vừa bước vào công nghiệp, vừa bước vào văn minh đô thị thì đảng búa liềm Việt Nam ra đời đã dìm Việt Nam vào biển lửa bạo lực cách mạng và chiến tranh, dìm Việt Nam vào biển máu hận thù đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản, tách Việt Nam khỏi dòng chảy cuồn cuộn của thế giới trong cuộc sống công nghiệp đi đến ánh sáng văn minh, tròng ách nô lệ cộng sản vào thân phận người dân Việt Nam. Một thảm hoạ khủng khiếp và oan nghiệt đã giáng xuống đầu đàn cháu chắt lam lũ và đau khổ của các vua Hùng hiển hách”.

Xin hỏi nhà văn một câu hỏi giản dị: Năm 1960, Liên Hợp Quốc ra nghị quyết yêu cầu các nước có thuộc địa trao trả thuộc địa, không can thiệp vào nội bộ nước khác, tôn trọng quyền tự quyết của mỗi dân tộc.

Ông vui lòng cho biết, có cường quốc nào tự nguyện trao trả thuộc địa không? Họ có can thiệp và tôn trọng quyền dân tộc tự quyết của các nước bị chính họ chiếm đóng không? Chẳng lẽ ông không biết, không một con hổ nào chịu nhả miếng mồi của nó, ngay cả khi nó đã no nê? Thậm chí, trước khi nhả miếng mồi, các đại cường vẫn kịp làm cho miếng mồi ấy tan nát.

Từ một quốc gia thống nhất, Ấn Ðộ bị chia làm hai, sau đó thành ba, là một minh chứng. Còn các nước ở châu Phi, sau trận Ðiện Biên Phủ chấn động địa cầu của Việt Nam, họ mới vùng lên đánh đuổi thực dân, giành lại quyền dân tộc tự quyết, vào đầu thập niên 60 của thế kỷ XX. Mặc kệ nghị quyết của Liên Hợp Quốc, không một nhà nước chiếm đóng nào tự nguyện trao trả thuộc địa cho các quốc gia ở châu Phi, đặc biệt là những nước giàu tài nguyên.

Ðối với Việt Nam, ngay sau trận Ðiện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo rằng, đất nước ta vẫn chưa được yên ổn, nền hoà bình còn mong manh, bởi “Pháp đi, Mỹ tới”. Ðể khỏi dài dòng, cần nói ngay, từ năm 1945, thậm chí cả trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần bày tỏ thiện chí với nước Mỹ qua hàng chục lá thư gửi người đứng đầu chính phủ nước này.

Thật tiếc, tất cả những nỗ lực ấy đều bị phớt lờ bởi chủ nghĩa can thiệp Mỹ. Sau đó, như đã biết, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã trải qua một chương đau buồn cũng bởi chính phủ Mỹ không tôn trọng quyền dân tộc tự quyết của Việt Nam.

Thập niên 90 của thế kỷ XX, khi hai nước bình thường hoá quan hệ, những nhân vật từng đứng đầu bộ máy chiến tranh khổng lồ, muốn nghiền nát một dân tộc bé nhỏ bên bờ Thái Bình Dương đã phải thừa nhận, nước Mỹ sai lầm khủng khiếp khi xua quân sang một đất nước xa xôi trong khi chẳng hiểu gì về dân tộc ấy.

Một trong những nội dung được chú ý nhiều của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII là vấn đề “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Diễn nôm một cách ngắn gọn, “tự diễn biến, tự chuyển hoá” là biến mình thành một con người khác.

Khi còn làm việc nói khác, lúc về hưu nói khác. Khi hài lòng nói khác, lúc bất mãn cá nhân nói khác. Minh chứng rõ nhất cho vấn đề này chính là những người từng được coi là có công, thậm chí công thần của đất nước nhưng nay lại muốn xét lại lịch sử bằng cách “chiêu tuyết” cho kẻ xâm lược và lên án những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Việt Ðông

(còn tiếp)


 
Liên kết hữu ích