BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ðiệp khúc “ngập” bao giờ kết thúc ?

Bài 2: Chống ngập: cần phát huy vai trò của địa phương

Cập nhật ngày: 08/08/2018 - 09:38

BTN - Các địa phương và ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, san lấp mặt bằng làm mất mương thoát nước dọc 2 bên đường hoặc hệ thống thoát nước tự nhiên, nhất là hệ thống thoát nước bằng mương đất và phần hạ lưu thoát nước tại các cửa xả. Ðặc biệt, các đơn vị cần kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ở địa bàn Thành phố, đại diện Phòng Quản lý đô thị cho biết, đến nay, hệ thống cống của Thành phố cơ bản đáp ứng được yêu cầu thoát nước, chưa thấy quá tải. Về tình trạng ngập úng cục bộ trong thời gian qua, chủ yếu xảy ra ở các vùng trũng, thấp hoặc do quá trình đô thị hoá, khi nâng cấp một số tuyến đường, đất của người dân trong khu dân cư khá thấp dẫn đến ngập. 

Riêng về hệ thống thoát nước trên các tuyến đường chính do UBND Thành phố quản lý, năm 2017, Thành phố đã cho nạo vét toàn bộ để giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ.

Về việc người dân xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm vỉa hè gây cản trở hệ thống thoát nước, xả nước thải sinh hoạt ra đường… UBND Thành phố đã đề ra chương trình thực hiện nếp sống văn minh đô thị, vận động người dân trả lại lòng đường, vỉa hè.

Theo đó, đoàn công tác liên ngành Thành phố tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra và xử lý các hành vi lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Từ ngày 4.6.2018 đến nay, đoàn liên ngành đã xử lý hơn 200 trường hợp vi phạm, tháo dỡ 68 mái che, biển hiệu, bục bệ vi phạm.

UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo cho UBND phường, xã tổ chức tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân không xả nước thải ra đường; không tự ý xây dựng, lắp đặt cống thoát nước; tháo dỡ các vật dụng gây cản trở việc tiêu thoát nước…

Ở địa bàn Châu Thành, đại diện Phòng Kinh tế và Hạ tầng cho biết, hằng năm, đơn vị có kế hoạch xử lý trường hợp lấn chiếm, trả lại rãnh dọc thoát nước theo đúng quy định. Riêng đối với khu vực đông dân cư, đơn vị sẽ xem xét, lập dự án làm mương hở thoát nước trên đường, chống ngập và bảo đảm chất lượng hạ tầng giao thông.

Còn theo Sở Giao thông - Vận tải, thời gian qua, nguồn kinh phí chưa thể đáp ứng đầu tư hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống thoát nước trên tất cả tuyến đường. Hiện nay, mới chỉ đầu tư trên các tuyến đường trục chính trong đô thị và các đoạn qua khu vực đông dân cư ngoài đô thị, các đoạn còn lại chủ yếu thoát nước tự nhiên.

Tình trạng ngập cục bộ trên một tuyến đường là do một số mương, rạch thoát nước tự nhiên bị bồi lắng hoặc bị lấn chiếm, nước không thoát được; hệ thống thoát nước hiện có trên các tuyến đường thường bị bồi lắng, không được đơn vị quản lý đường bộ nạo vét, bảo trì; hệ thống thoát nước tại một số tuyến đường đầu tư chưa hoàn chỉnh (chỉ đầu tư các đoạn qua khu dân cư) hoặc chưa đầu tư; tình trạng đô thị hoá và người dân san lấp mặt bằng, làm lấp mương thoát nước dọc hai bên đường; hệ thống thoát nước đầu tư chưa đồng bộ theo quy hoạch được duyệt đối với các khu vực trong đô thị.

Ðể xử lý tình trạng ngập cục bộ vào mùa mưa, địa phương có vai trò vô cùng quan trọng. Thời gian tới, UBND các huyện, thành phố cần rà soát và khôi phục lại hệ thống thoát nước tự nhiên như mương, kênh, rạch…

Các đơn vị quản lý đường (Sở GT-VT quản lý đường tỉnh; UBND các huyện, thành phố quản lý đường huyện, đường đô thị) phải thường xuyên nạo vét, khai thông cống, rãnh thoát nước hiện có. Ðồng thời, rà soát tham mưu cấp có thẩm quyền đầu tư dần để hoàn chỉnh hệ thống thoát nước, ưu tiên đầu tư trước các đoạn qua khu dân cư, các vị trí ngập cục bộ, tại các giao lộ.

Ðối với các tuyến đường tỉnh, từ nguồn vốn bảo trì hằng năm, Sở GT-VT cho biết, Sở phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát và đầu tư hệ thống thoát nước một số đoạn bị ngập. Hiện Sở GT-VT cũng đang lập hồ sơ để giải quyết thoát nước một số đoạn bị ngập trên các tuyến đường như ÐT 785, ÐT 786, ÐT 789, ÐT 782B, ÐT 787B…

Bên cạnh đó, các địa phương và ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, san lấp mặt bằng làm mất mương thoát nước dọc 2 bên đường hoặc hệ thống thoát nước tự nhiên, nhất là hệ thống thoát nước bằng mương đất và phần hạ lưu thoát nước tại các cửa xả. Ðặc biệt, các đơn vị cần kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Riêng khu vực thành phố Tây Ninh và đô thị huyện Hoà Thành, UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng tổ chức lập đề án chống ngập úng; hiện đơn vị tư vấn đang lập hồ sơ, dự kiến sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2018.

PHƯƠNG THẢO

Qua khảo sát thực trạng và ý kiến của đại diện các cơ quan quản lý “chuyện đường sá” trên địa bàn, cho thấy các cơ quan quản lý Nhà nước đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chống ngập, nhưng trên thực tế, ngập úng cục bộ vẫn xảy ra.

Ðiển hình như qua đợt tiếp xúc cử tri gần đây nhất, cử tri thị trấn Trảng Bàng phản ánh, đường 22.12 mới đưa vào sử dụng bị đọng nước; cống đường Nguyễn Văn Rốp bị ngập úng thời gian dài... cử tri đặt vấn đề: ai sẽ chịu trách nhiệm vấn đề trên? Và bao giờ hết ngập?
Tin liên quan
  • Bài 1: Muôn nẻo ngập 

    Bài 1: Muôn nẻo ngập

    Thời gian qua, trong các đợt tiếp xúc với đại biểu HÐND tỉnh, huyện, thành phố, vấn đề ngập cục bộ ở nhiều tuyến đường trên địa bàn- từ các điểm ngập mới đến đến điểm ngập “thâm căn cố đế” ảnh hưởng đến dân sinh rất lớn nhưng chưa được xử lý dứt điểm, được nhiều cử tri đặc biệt quan tâm, theo dõi.