Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quản lý an toàn thực phẩm:
Bài 2: Chưa đồng bộ trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm
Thứ tư: 11:25 ngày 02/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có thể nói, hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) đã được hình thành. Các văn bản luật được ban hành xác định mức xử phạt vi phạm chính về ATTP từ tỉnh đến cơ sở. Nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về ATTP được tổ chức hằng năm.

Tuy nhiên, vi phạm về ATTP vẫn xảy ra phổ biến, không phải chỉ riêng những đơn vị sản xuất sản phẩm không đạt chất lượng, mà còn có những đơn vị, hộ kinh doanh, cá nhân cố tình vi phạm dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn liên tiếp xảy ra.

Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế chủ trì kiểm tra mẫu thực phẩm tại Trung tâm thương mại Long Hoa (thị xã Hoà Thành).

2 năm: 102 cơ sở vi phạm, 7 vụ ngộ độc thực phẩm, 2 người tử vong

Giai đoạn 2022-2023, các ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT), Công Thương đã thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đối với 1.065 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả, có 102 cơ sở vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trên 985 triệu đồng.

Trong đó, ngành Y tế xử phạt 26/472 cơ sở vi phạm (3 tổ chức, 23 cá nhân). Ngành Nông nghiệp và PTNT phát hiện 61/509 cơ sở vi phạm về điều kiện bảo đảm ATVSTP, 149/877 mẫu không đạt chất lượng; xử phạt VPHC và tham mưu cấp thẩm quyền xử phạt 29 trường hợp với số tiền 677 triệu đồng; chuyển 5 trường hợp vi phạm thuộc thẩm quyền của Sở Y tế và Sở Công Thương xử lý.

Ngành Công Thương phát hiện 15/84 cơ sở vi phạm, tổng tiền xử phạt VPHC 158 triệu đồng; chuyển 2 trường hợp vi phạm về Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế xử lý theo thẩm quyền.

Qua kiểm tra 446 mẫu kiểm nghiệm định lượng, định danh tại các phòng kiểm nghiệm, kiểm nghiệm định tính bằng test nhanh mẫu thực phẩm nông - lâm - thuỷ sản tại quầy, sạp kinh doanh, cửa hàng kinh doanh các chợ, có 24 mẫu không đạt.

Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt VPHC đối với 13 cơ sở, tổng số tiền 16 triệu đồng. Ngành Y tế không phát sinh thanh tra về ATTP. Ngành Nông nghiệp và PTNT thực hiện 18 cuộc thanh tra.

Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế chủ trì test nhanh mẫu thực phẩm tại Trung tâm thương mại Long Hoa (thị xã Hoà Thành).

Theo bà Trần Thị Ngọc Nương- Phó Giám đốc Sở Y tế (Thường trực Ban Chỉ đạo), các cơ sở vi phạm chủ yếu như không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; vi phạm về lưu mẫu thực phẩm; vi phạm về điều kiện cơ sở vật chất và điều kiện con người trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trong năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm, 21 người mắc, 2 người tử vong tại huyện Tân Biên. Đơn cử, vụ ngộ độc thực phẩm do ăn nấm rừng khiến 2 người tử vong ngày 5.6.2023 tại xã Tân Bình (huyện Tân Biên); vụ 6 người ở huyện Dương Minh Châu ngộ độc sau khi ăn nấm lòng gà, trứng ngỗng và vài loại nấm dại (không rõ tên)...

Sau vụ việc, ngành Y tế tăng cường thực hiện các biện pháp thông tin truyền thông và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, chuẩn bị các kịch bản và trang thiết bị dụng cụ sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố về ATTP; giáo dục cho người dân hiểu biết về ngộ độc nấm, các loại nấm độc phòng tránh ngộ độc thực phẩm, tránh sự việc tái diễn, hạn chế ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Khó khăn trong công tác quản lý

Báo cáo tại buổi giám sát về công tác quản lý ATTP với Hội đồng nhân dân tỉnh, ông Nguyễn Văn Mấy- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, hiện nay công tác kiểm tra liên ngành về ATTP được phân công cho 3 sở, tuy nhiên, việc kiểm tra liên ngành còn gây nhiều bất cập.

Nguyên nhân, Ban Chỉ đạo liên ngành cấp tỉnh chưa thống nhất mô hình quản lý theo hướng một cơ quan quản lý tất cả các lĩnh vực về ATTP, không phân chia theo ngành quản lý để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Khi đoàn kiểm tra do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì công bố quyết định kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc lĩnh vực quản lý mà thuộc lĩnh vực công thương hoặc y tế.

“Mặc dù có công chức hai ngành này tham gia, nhưng đôi khi chính họ cũng chưa nắm chuyên môn thuộc lĩnh vực ngành mình phụ trách. Văn bản quy định trong lĩnh vực ngành nông nghiệp sẽ khác với các quy định trong lĩnh vực công thương, y tế vì mỗi ngành có quy định cụ thể riêng.

Khi phát hiện vi phạm tại các cơ sở không thuộc lĩnh vực mà ngành Nông nghiệp và PTNT quản lý, đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản xác định hành vi, sau đó chuyển hồ sơ đến Sở Công Thương, Sở Y tế tiếp tục xử lý. Điều này gây khó khăn trong việc bảo đảm thời gian lập biên bản VPHC trong thời gian 2 ngày, cũng như gây khó hiểu cho thành phần được kiểm tra” - ông Mấy nói.

Ông Nguyễn Văn Mấy- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo công tác quản lý ATTP tại buổi giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Ông Huỳnh Đăng Khoa- Phó Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận, Luật ATTP phân chia trách nhiệm quản lý cho 3 ngành đã làm giảm áp lực cho ngành Y tế nhưng làm tăng áp lực cho 2 ngành còn lại.

Cụ thể, Sở Công Thương nhận nhiệm vụ quản lý ATTP thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương nhưng không được phân bổ nhân lực để phụ trách lĩnh vực này, mà chỉ có cán bộ kiêm nhiệm phụ trách. Tuy nhiên, cơ quan Quản lý thị trường không còn trực thuộc ngành nên không đủ tiềm lực để đảm nhận nhiệm vụ chủ trì việc phòng, chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm.

Bên cạnh đó, nguồn lực làm công tác quản lý nhà nước về ATTP từ tuyến tỉnh đến tuyến xã vẫn chưa đáp ứng được nhiệm vụ được giao, cán bộ quản lý vừa thiếu về số lượng vừa hạn chế về chuyên môn, hầu hết chưa có chuyên môn về lĩnh vực ATTP, nhất là cán bộ phụ trách thuộc cấp huyện và cấp xã. Do đó, công tác kiểm tra, xử lý còn hạn chế, chủ yếu nhắc nhở khi cơ sở vi phạm, chưa tổ chức xử phạt.

Ông cho biết thêm, một số cơ sở chưa nắm bắt hết các quy định về ATTP nên vẫn còn sản phẩm không bảo đảm chất lượng lưu thông ra thị trường. Các hộ kinh doanh ở các chợ truyền thống không lấy nguyên liệu từ một nơi cố định mà lấy từ nhiều nguồn khác nhau, lấy qua nhiều đầu mối trung gian hoặc kinh doanh bằng hình thức sang tay không có hoá đơn, chứng từ nên gặp khó khăn trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Hoạt động mua bán, quảng cáo thực phẩm được diễn ra trên tất cả các kênh- nhất là trên các nền tảng số, thương mại điện tử, mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, TikTok… đăng ký thông tin không chính xác để giao dịch làm cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc sản phẩm, lựa chọn sản phẩm theo ý thích. Đa phần các cơ sở kinh doanh thực phẩm tổng hợp nhỏ lẻ (cửa hàng tạp hoá) không lưu giữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc, hợp đồng hay hoá đơn mua bán...

Nhân lực mỏng

Bà Trần Thị Ngọc Nương- Phó Giám đốc Sở Y tế cũng nhìn nhận, công tác quản lý nhà nước về ATTP của 3 ngành đang tồn tại một số nội dung chưa thống nhất, dẫn đến khó khăn cho người dân trong thực hiện hồ sơ pháp lý về ATTP.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, còn thiếu, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về ATTP. Tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm, một số quy định còn chồng chéo gây khó khăn cho việc áp dụng quy định trách nhiệm theo ngành, lĩnh vực như hiện nay khiến một số hoạt động quản lý, kiểm tra giám sát bị chồng chéo, khó phân định.

Việc quản lý, kiểm soát ATVSTP, về nguồn gốc, xuất xứ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, kinh doanh thức ăn đường phố, các loại đồ ăn nhanh còn nhiều khó khăn, bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao.

Phó Giám đốc Sở Y tế bày tỏ: “Nhân lực phụ trách công tác ATTP tuyến huyện, xã rất mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm, phần lớn chưa được tập huấn thanh tra chuyên ngành ATVSTP, chưa đủ sức quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATVSTP ở một số huyện, xã.

Trong khi đó, việc xử lý cơ sở vi phạm chủ yếu tập trung vào nhắc nhở, chưa xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm để bảo đảm tính răn đe, cũng như chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn”.

Bà Trần Thị Ngọc Nương- Phó Giám đốc Sở Y tế đưa ra ví dụ cụ thể, ngành còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý khi phát hiện vi phạm của một cơ sở. Đơn cử, trong kiểm nghiệm mẫu thực phẩm, phân tích các nguy cơ gây mất ATTP, đặc biệt tại cấp huyện và xã, khi test nhanh, phát hiện mẫu dương tính, ngành Y tế phải gửi đơn vị chức năng xét nghiệm, thời gian cho việc gửi và nhận kết quả tương đối dài, khoảng 7-10 ngày.

Mặt khác, các công cụ kỹ thuật cho quản lý ATTP đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phân loại sản phẩm và quy định cho từng dòng sản phẩm thực phẩm còn thiếu, gây khó khăn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc xác định chỉ tiêu kiểm nghiệm, khó khăn trong việc giám sát, kiểm tra, hậu kiểm việc tự công bố của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Tâm Giang

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục