Thời Sự - Chính trị   Xây dựng Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Chúng ta cần một xã hội thực sự vì con người”

Bài 2: Con đường chông gai, sự nghiệp lâu dài 

Cập nhật ngày: 08/06/2022 - 00:14

BTN - Phát triển kinh tế theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, giải quyết hài hoà các lợi ích, các vấn đề xã hội. Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải vừa xây, vừa chống, vừa học hỏi, vừa hoàn thiện thể chế, không được nóng vội, chủ quan duy ý chí.

Trong bài viết có nhan đề “Sự phát triển tư duy, quan niệm của Đảng Cộng sản Việt nam về chủ nghĩa xã hội - thành tựu và những vấn đề đặt ra”, Tiến sĩ Thân Ngọc Anh (Học viện Chính trị khu vực II) nhắc lại quan niệm về chủ nghĩa xã hội mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định trong tác phẩm của mình.

Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội là một học thuyết. Với tư cách là một học thuyết thì chủ nghĩa xã hội chính là chủ nghĩa xã hội khoa học. Quá trình hình thành tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen được phản ánh trong nhiều tác phẩm. Năm 1848, khi tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời đã đánh dấu sự hình thành về cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Sau này, V.I. Lênin phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa xã hội khoa học trong hoàn cảnh lịch sử mới. Chủ nghĩa xã hội khoa học là một trong ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác - Lênin.

Chủ nghĩa xã hội khoa học là học thuyết về con đường, cách thức giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, về cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân, nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của chính đảng mácxít nhằm thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, nhằm giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn xã hội.

Thứ hai, với tư cách là một phong trào, chủ nghĩa xã hội chính là các phong trào cộng sản, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản; chống lại những bất công, cường quyền, xâm lược của thực dân, đế quốc trong điều kiện chưa có chính quyền.

Trong điều kiện đã giành được chính quyền, giai cấp công nhân, nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản sẽ thực hiện các phong trào để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, với tư cách là một chế độ, có thể hiểu chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, thực hiện chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người phát triển toàn diện; có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Sau khi chỉ ra ba tư cách của chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư khẳng định, mỗi tư cách của chủ nghĩa xã hội lại có nhiều biểu hiện khác nhau, tuỳ theo thế giới quan và trình độ phát triển ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể.

Như vậy, Tổng Bí thư đã nhìn nhận chủ nghĩa xã hội rất toàn diện, dưới nhiều phương diện, chiều góc khác nhau, ở trong trạng thái luôn vận động, biến đổi. Điều đó giúp chúng ta nhìn nhận chủ nghĩa xã hội một cách biện chứng, khách quan, vừa toàn diện, vừa lịch sử - cụ thể, đầy đủ nhất.

Tổng Bí thư đã chỉ ra phải định hình chủ nghĩa xã hội thế nào và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội phải như thế nào để phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể của Việt Nam. Trong đó, chỉ ra các vấn đề sau đây:

Chỉ ra bản chất của chủ nghĩa tư bản. Từ khi chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, Liên Xô sụp đổ, các thế lực thù địch đã lấy lý do này để công kích, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, mặc dù chủ nghĩa tư bản đã điều chỉnh chính sách, đã thay đổi nhiều, đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, khoa học công nghệ...

Tuy nhiên, bằng các số liệu đưa ra, đã chứng minh, các nước tư bản vẫn bộc lộ những mặt trái, đó là đời sống của đa số người dân lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; phân hoá giàu nghèo ngày càng lớn; mâu thuẫn giữa lao động và tư bản, xung đột sắc tộc diễn ra gay gắt, cùng với các vấn đề về khủng hoảng kinh tế - tài chính, năng lượng, lương thực; sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh gia tăng... đã và đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đó là hệ quả của sự bóc lột tư bản, thực hiện dân chủ hình thức, coi lợi nhuận là tối thượng, xem nhẹ các giá trị nhân bản của con người.

Chỉ ra sự lựa chọn đúng đắn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam. Tổng Bí thư đã phân tích, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ đã trường kỳ kháng chiến, đánh thắng thực dân, đế quốc và tay sai để giành độc lập cho dân tộc, xác định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.

Chứng minh, mặc dù chủ nghĩa xã hội gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng, nhưng không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội đã mất đi giá trị. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng vẫn khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận từ sau đổi mới đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Khẳng định 8 đặc trưng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đó là: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

Để đạt được những đặc trưng này, Đảng, Nhà nước phải thực hiện rất nhiều công việc như phát triển kinh tế tri thức, củng cố, giữ vững khối đại đoàn kết, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, hội nhập ngày càng sâu, rộng trong quan hệ quốc tế, tận dụng sức mạnh của thời đại.

Nhận thức của Đảng về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: Đảng nhận thấy, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và nhiều phức tạp. Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện lực lượng sản xuất rất lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, cùng với đó là sự chống phá của các thế lực thù địch.

Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng phải tiếp thu những thành tựu mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản để phát triển lực lượng sản xuất.

Trong nền kinh tế thị trường, Việt Nam thực hiện đa dạng về thành phần kinh tế, loại hình sở hữu. Các thành phần kinh tế vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Thực hiện việc phân phối theo kết quả lao động, tránh cào bằng, khuyến khích tính sáng tạo của người lao động. Định hướng xã hội chủ nghĩa là tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, chính sách kinh tế luôn gắn với chính sách xã hội… tránh chệch hướng chủ nghĩa xã hội.

Đảng xác định văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hoá chính là sức mạnh nội sinh của dân tộc, là động lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong quá trình xây dựng nền văn hoá mới, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá của nhân loại.

Xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội mà mục tiêu hướng tới là đạt được các giá trị tiến bộ, nhân văn, nhân bản, vì con người. Là xã hội loại bỏ việc tuyệt đối hoá chủ nghĩa cá nhân, vì sự tồn tại, phát triển bền vững của cộng đồng. Chống lại các đối kháng, xung đột xã hội. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước phải luôn vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; bảo đảm quyền lực thực sự của nhân dân, thuộc về nhân dân.

Tổng Bí thư còn khẳng định, chứng minh những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được qua hơn 35 năm đổi mới, hội nhập. Thông qua những luận điểm của Tổng Bí thư về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chúng ta thấy rằng, tư duy, quan niệm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội ngày càng cụ thể, đầy đủ, sâu sắc hơn. Theo tinh thần này, chủ nghĩa xã hội là một xã hội tốt đẹp; quan điểm chỉ đạo, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải lấy nhân dân làm trung tâm, vì nhân dân; hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải trải qua thời kỳ quá độ lâu dài với muôn vàn khó khăn, thách thức. Trong quá trình ấy phải thực hiện một nền kinh tế với nhiều thành phần, nhiều loại hình sở hữu để phát huy mọi tiềm năng phát triển đất nước. Phát triển kinh tế theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, giải quyết hài hoà các lợi ích, các vấn đề xã hội. Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải vừa xây, vừa chống, vừa học hỏi, vừa hoàn thiện thể chế, không được nóng vội, chủ quan duy ý chí.

Việt Đông

(Còn tiếp)

Tin liên quan
  • Bài 1: Sứ mệnh đổi mới đất nước 

    Bài 1: Sứ mệnh đổi mới đất nước

    Công tác tư tưởng phải kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, làm cho tư tưởng tiến bộ, tích cực thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, có tác dụng uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, cải tạo những tư tưởng lạc hậu, đẩy lùi những sai trái.