Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là sự kết tinh và phát triển những giá trị vô giá được tích tụ qua các thời đại Lý, Trần, Lê, Tây Sơn... Không phải ngẫu nhiên UNESCO từng vinh danh Bác Hồ của chúng ta là “anh hùng giải phóng dân tộc” đồng thời là “nhà văn hoá kiệt xuất”.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, kiểm tra tình hình chống dịch tại biên giới Tây Ninh.
“Hội nghị toàn quốc triển khai công tác đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kiện mang tính lịch sử, vì đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư triệu tập một cuộc họp toàn quốc về chủ đề trọng yếu này”- nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan nhìn nhận về hội nghị toàn quốc triển khai công tác đối ngoại.
Tự tôn dân tộc
Ông Vũ Khoan đánh giá, qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã vun đắp nên nền văn hiến huy hoàng, trong đó có văn hoá ngoại giao độc đáo. Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là sự kết tinh và phát triển những giá trị vô giá được tích tụ qua các thời đại Lý, Trần, Lê, Tây Sơn... Không phải ngẫu nhiên UNESCO từng vinh danh Bác Hồ của chúng ta là “anh hùng giải phóng dân tộc” đồng thời là “nhà văn hoá kiệt xuất”.
Nội hàm “Văn hoá ngoại giao” rất rộng, đòi hỏi sự nghiên cứu sâu sắc. Người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương mại rồi Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực đối ngoại cho rằng, trên thế giới hiếm có dân tộc nào giống dân tộc ta phải đổ biết bao xương máu để gìn giữ giang sơn trước cuộc xâm lăng của các thế lực thù địch mạnh hơn gấp bội. Hận mất nước đã nung đúc thêm lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bảo vệ cho được quyền độc lập của dân tộc.
Những câu thơ hào sảng trong bài “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt thể hiện mạnh mẽ lòng tự tôn, ý chí kiên cường dân tộc. Trong “Hịch tướng sĩ”, Trần Hưng Đạo đã trút hết tâm can thề rằng, “dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa” cũng nguyện phanh thây quân Nguyên Mông xâm lược chà đạp nước Nam.
Tiếp nối truyền thống hào hùng của người xưa, 76 năm trước, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập.
Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Gắn liền với ý chí bảo vệ độc lập của nước nhà, quyền tự do của nhân dân, văn hoá ngoại giao Việt Nam luôn hàm chứa tinh thần hoà hiếu. Nghĩa quân Lam Sơn đã từng thả 10 vạn tù binh của nhà Minh về nước do: “Nghĩ kế nước nhà trường cửu/ Tha cho mười vạn hàng binh/ Gây lại hoà hảo cho hai nước/ Dập tắt chiến tranh cho muôn đời”.
Một trong những biểu hiện sáng ngời về văn hoá hoà hiếu trong thời hiện đại là tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việt Nam muốn “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”. Thể hiện tinh thần hoà hiếu, sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoạt động ngoại giao sôi động nhằm cứu vãn hoà bình. Người đã trực tiếp đàm phán với đại diện chính quyền Pháp để ký Hiệp định sơ bộ 6.3.1946, “nước cờ hay xoay vạn kiêu binh”.
Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Pháp gần 5 tháng để chỉ đạo đoàn đàm phán của nước ta tại hội nghị Fontainebleau, đồng thời để tranh thủ dư luận Pháp và thế giới ủng hộ nguyện vọng độc lập, thống nhất của nhân dân ta.
Phút chót, trước khi lên đường về nước, Người đã nỗ lực đàm phán ký Tạm ước 14.9 nhằm tranh thủ thêm thời gian chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược không thể tránh khỏi. Chuyến thăm Pháp năm 1946 của Bác thực sự là hiện tượng độc nhất vô nhị trong quan hệ quốc tế, khi nguyên thủ quốc gia từng bị cái gọi là “mẫu quốc” thực dân kết án tử hình vắng mặt, nay lại dùng máy bay và tàu chiến chính của họ sang thăm Pháp trên danh nghĩa thượng khách.
Quả là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm và khí phách vô song của một vị anh hùng hiên ngang “vào hang bắt cọp” với niềm tin sắt đá vào chính nghĩa của sự nghiệp và sự đồng lòng triệu người như một của toàn dân.
Một đặc điểm khác của văn hoá ngoại giao Việt Nam là tinh thần nhân văn, như Nguyễn Trãi từng viết: “Xét như nước Đại Việt ta/ Thật là một nước văn hiến. Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo”.
Văn hoá ngoại giao
Tiếp nối truyền thống người xưa, văn hoá ngoại giao Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc nhưng không nuôi hận thù dân tộc, luôn phân biệt rạch ròi giữa các tầng lớp nhân dân với các thế lực hiếu chiến. Sau khi kết thúc chiến tranh luôn bày tỏ thiện chí “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Một sự kiện khác cũng thuộc loại độc nhất vô nhị trong lịch sử thế giới là sau chiến dịch biên giới toàn thắng, Bác Hồ- một vị nguyên thủ quốc gia đã nguỵ trang tới thăm tù binh Pháp và dặn dò anh em chăm lo chu đáo cho cuộc sống của họ.
“Làm ngoại giao, cá nhân tôi có nhiều dịp đi thăm nước ngoài và tiếp xúc với nhiều nhân vật các nước khác. Một lần tới thăm Houston- thành phố lớn nhất ở bang Texas (Mỹ), cựu Tổng thống Mỹ G. Bush (cha) có gặp riêng tôi. Trong câu chuyện, ông ta có chia sẻ rằng, vào năm 1994, khi đã nghỉ hưu, ông tỏ ý muốn sang thăm Việt Nam thì nhiều người khuyên can không nên đi vì người Mỹ đã gây ra nhiều điều không hay, không phải ở đất nước này, tuy nhiên, ông vẫn quyết định lên đường.
Theo lời ông ta kể, ông rất ngạc nhiên thấy suốt chuyến đi không một ai tỏ thái độ thù nghịch gì với ông ta, thậm chí nhiều người, trong đó có nhiều cựu chiến binh Việt Nam ứng xử với ông rất thân mật. Ông hỏi tôi vì sao như vậy? Tôi bèn trả lời rằng, người Việt Nam chúng tôi luôn kiên định bảo vệ non sông đất nước của mình đồng thời rất rộng mở, khi hết chiến tranh luôn sẵn sàng vượt qua quá khứ để hướng tới tương lai của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác.
Nhiều người Nhật Bản, Hàn Quốc cũng nêu ra những câu hỏi tương tự như ông Bush và tôi luôn nói nửa đùa nửa thật: nếu chúng tôi nuôi hận thù dân tộc mãi thì sống được với ai vì nhiều nước lớn đến xâm lược Việt Nam quá”- nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan viết.
Trong khi nêu cao niềm tự hào về nền văn hiến lâu đời và bản sắc riêng có của dân tộc, người Việt Nam không bao giờ khép kín mà luôn mở lòng tiếp nhận tinh hoa văn hoá của cả phương Đông lẫn phương Tây. Người Việt Nam luôn nhạy bén nắm bắt các xu thế tiến bộ lớn của thời đại. Trong thương thuyết luôn kiên định bảo vệ lẽ phải nhưng không ngạo mạn, trong giao tiếp luôn cởi mở nhưng không suồng sã; trong ứng xử luôn khiêm nhường nhưng không quy luỵ; khi đãi đằng khách quý luôn chu đáo nhưng không gò bó...”. “Ngoại giao chiến lang”, “ngoại giao bắt nạt” là những kiểu hành xử xa lạ đối với văn hoá ngoại giao Việt Nam.
Đối với văn minh nhân loại, ngay từ năm 1919, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”. Một minh chứng khác về tinh thần cởi mở của Người là tháng 12 năm 1946, trên ngưỡng cửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đã gửi cho Liên Hợp Quốc bức thư bày tỏ: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: “Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các sân bay và đường giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. Nước Việt Nam chấp nhận tham gia một tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc”.
Như vậy, khái niệm “hội nhập quốc tế” đã được Bác Hồ nêu ra từ 75 năm trước chứ không phải tới 1996 mới xuất hiện trong văn kiện Đại hội VIII.
Văn hoá ngoại giao Việt Nam còn thể hiện trong những phương châm quan trọng mà Bác Hồ từng nhấn mạnh trong tập thơ Nhật ký trong tù: “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tiến công/ Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công”. Chính với tinh thần ấy, hoạt động ngoại giao Việt Nam luôn dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng mọi nhân tố bên trong và bên ngoài, luôn thể hiện tinh thần tấn công ngay cả khi tạm thời hoà hoãn; không chỉ nhanh nhạy nắm bắt mà luôn chủ động tạo dựng thời cơ giành thắng lợi.
Thể theo triết lý “bạn bè xa không bằng láng giềng gần” đồng thời thể hiện khí phách dân tộc Bác Hồ từng xác định chủ trương coi “các nước Á châu là anh em, ngũ cường là bạn bè”. Nay chúng ta đã có thể báo cáo với Bác rằng, chủ trương nhìn xa trông rộng của Người đã trở thành hiện thực sinh động, khi nước ta có quan hệ thân hữu với tất cả các nước châu Á và nâng tầm quan hệ với cả 5 uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên mức hợp tác chiến lược và hợp tác toàn diện, hơn thế nữa, nước ta đã 2 lần gánh vác và thực hiện thành công trọng trách Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Văn hoá ngoại giao sẽ soi đường cho ngoại giao Việt Nam không ngừng tiến bước, góp phần to lớn hơn nữa vào công cuộc hiện đại hoá đất nước, đưa Việt Nam lên đài quang vinh, sánh vai cùng bè bạn năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.
Việt Đông
Trong quá trình đấu tranh cách mạng nói chung và đấu tranh ngoại giao nói riêng đã hình thành nên cả một hệ thống phương cách hành động đa dạng về loại hình, tinh tế về tính chất, hiệu quả về tác dụng thể hiện rất rõ đặc sắc văn hoá Việt Nam. Mối quan hệ giữa thực lực và ngoại giao, Bác Hồ từng nhấn mạnh: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Quả thật, nếu không có chiến thắng Điện Biên Phủ thì cũng không dễ gì đưa được vào Tuyên bố cuối cùng của Hiệp định Genève cam kết của các nước tham dự hội nghị công nhận “độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ” của nước ta. Hiệp định Paris khó có thể được ký vào đầu năm 1973 nếu không có Điện Biên Phủ trên không vào tháng 12.1972. Điều đó không có nghĩa là ngoại giao đóng vai trò thụ động. Trái lại, thành công của ngoại giao đóng góp thiết thực và to lớn vào việc củng cố thực lực.