Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Hậu phương” của cố Bí thư Tỉnh uỷ Hai Bình
Bài 2: Đôi vai gầy và gánh hàng rau
Chủ nhật: 22:25 ngày 20/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Thực ra, hồi mới gặp em lần đầu tiên ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, anh đã thấy thương em rồi, nhưng không dám tiến thêm bước nữa. Do thấy em quá tiểu thơ, anh lại đi làm cách mạng, cuộc sống gian khổ, không biết em sẽ sống sao?”… Lời tâm sự này của ông Hai Bình vẫn được bà Thởi nhớ như in. Lúc đó, bà chỉ trả lời chồng rất ngắn gọn: “Bụng đói, đầu gối phải bò thôi anh!”.

Là vợ của Bí thư Tỉnh uỷ thì không phải làm gì hết sao?

Đến khu chợ cũ Trảng Bàng, hỏi tìm bà Hai bán rau thì không ai mà không biết. Khi mới gặp, chúng tôi nghĩ sao người phụ nữ này lại có thể gắn bó với những gánh rau, ở tuổi 96 mà có thể bươn chải khổ cực, thay vì ở nhà thụ hưởng niềm vui với con cháu?

“Gian hàng rau” của bà không lớn, chủ yếu là rau làm nước mát, nào là rễ tranh, mía lau, mã đề, thuốc dòi, rau má… mỗi thứ một ít, bó lại thành bó rồi bán với giá 5.000 đồng. Vậy mà gánh rau của bà Hai đắt hàng lắm! Rẻ mà ngon, đã vậy còn sạch nữa. Sạch vì đó là rau bà trồng, vun xới, chăm sóc, tưới tiêu, không xịt thuốc men gì cả. Ngày nào cũng vậy, 6 giờ sáng là bà Hai đã có mặt tại chợ, tới tầm 10 giờ thì không còn rau để bán. Khách đi chợ, hầu như đã quen với chỗ bà ngồi bán, có người còn cố tình đi chợ sớm, chỉ để mua được rau của bà Hai.

Ai cũng nói, “bà là vợ Bí thư Tỉnh uỷ mà phải đi bán rau sinh sống?”. Bà hỏi lại người ta: “Chẳng lẽ, là vợ của Bí thư Tỉnh uỷ thì không phải làm gì hết sao?”. Bà vẫn đều đặn làm, hằng ngày vẫn hái rau đem ra chợ bán, trung bình mỗi gánh bà kiếm được hơn trăm ngàn đồng “bỏ túi để dành”.

Ngồi trong vườn rau nhỏ tại nhà ở khu phố Lộc An, bà kể lại, lúc mới gặp ông Hai, bà đã ưng bụng rồi nhưng vẫn “làm mình làm mẩy” một chút, cốt chỉ để thử lòng ổng coi sao. Khi cưới nhau rồi, ông Hai tâm sự thật lòng cho bà biết, là: “Hồi mới gặp em lần đầu tiên ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, anh đã thấy thương em rồi, nhưng không dám tiến thêm bước nữa. Do thấy em quá tiểu thơ, anh lại đi làm cách mạng, cuộc sống gian khổ, không biết em sẽ sống sao?”… “Thì, bụng đói đầu gối cũng phải bò thôi anh!”. Bà Hai nhớ lại, vừa nói vừa cười: “Mà thiệt, bởi lúc đó, tui rất tiểu thơ, ổng sợ tui về làm vợ ổng rồi không biết làm gì sẽ khổ, lấy gì mà ăn”.

Theo thời gian, con cái trưởng thành, vườn rau của bà Hai thu hẹp dần diện tích, giờ chỉ còn khoảng chừng 40m2 nằm trước ngôi nhà cũ. Khu chuồng trại nuôi heo ngày trước nằm ở góc vườn giờ gia đình vẫn giữ lại để làm kỷ niệm. Chậm rãi ngắt từng chiếc lá thuốc dòi úa vàng vì nắng, bà Hai kể, hồi vô vùng giải phóng, hễ thấy người ta làm thứ gì để bán kiếm ra tiền, bà đều học làm theo.

Có lúc khuya lặn lội vô rừng bứt lá mật cật, lá sương sâm trầy hết tay chân mà vẫn cố gắng đi hái về bán. Làm đến nỗi “quên ăn, quên ngủ”, ráng lo làm, cái gì cũng làm, gói bánh, nuôi heo, hái lá, đào củ… miễn là có tiền nuôi con. Bà nói: “Hồi đó chỉ biết mần, chứ không suy nghĩ gì hết. Nghèo khổ thì phải lo, lo mới có tiền nuôi con khôn lớn. Ổng đi làm cách mạng, tui không làm thì lấy ai mà làm cho. Cũng nhờ vậy, tui mới biết được nhiều nghề đó!”.

Ôn lại cái đã qua, nhìn xa về cái sẽ đến, ta đủ niềm tin ở cái cao đẹp, toàn mỹ về con người phụ nữ Tây Ninh sẵn có những đức tính:

- Tình thương sâu đậm bao la với mọi người;

- Vị tha cao thượng vì mọi người mà hy sinh.

- Trung thành với Đảng, sống chết theo Đảng, bỏ cả sự nghiệp riêng và tính mạng của mình;

- Tự lực tự cường lao động không tiếc mồ hôi cho chồng con rồi cháu, nhịn ăn để cho họ…

- Thật thà đùm bọc nhau, chia cơm sẻ áo cho nhau lúc hoạn nạn.

- Luôn luôn nghĩ tới lẽ phải, công bằng, làm cho mình sống, còn lo cho con, cho cháu, mong nó nên người…

Rõ ràng phụ nữ Tây Ninh đáng tự hào với 8 chữ vàng. Thời gian qua có lúc, có nơi có chệch choạc, nhưng nếu ai đọc lại tài liệu này, tôi nghĩ sẽ sực tỉnh lại và sẽ tự nhủ mình phải làm gì, làm sao cho nội dung 8 chữ vàng đó thể hiện đầy đủ nhất trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng giàu đẹp, mà nhất định không một kẻ thù nào- dù xảo quyệt đến đâu cũng không ngăn cản được bước đi đầy vinh quang của nhân dân Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam- trong đó có dân và phụ nữ Tây Ninh.

Đó là đức tính cao đẹp lắm. Ngày nay, đức tính này có phần nào bị pha trộn phức tạp. Đáng lo lắm. Nhưng phụ nữ Tây Ninh đã có một lịch sử oai hùng đúng với bản chất của “Tây Ninh trung dũng kiên cường”, nếu ta chấn chỉnh kịp thời thì vàng thau không thể lẫn lộn.

(Trích bài viết của cố Bí thư Tỉnh uỷ NGUYỄN VĂN TỐT, tức Hai Bình trong sơ thảo Truyền thống Cách mạng Phụ nữ tỉnh Tây Ninh)

“Cứ phải lao động mới khoẻ mạnh được”

Sau giải phóng, thống nhất đất nước, ông Hai Bình là Bí thư Tỉnh uỷ. Dù là vợ Bí thư Tỉnh uỷ, nhưng kinh tế gia đình vẫn chủ yếu do một tay bà lo liệu. Đồng lương của ông không nhiều, con cái đang tuổi ăn tuổi học. Khi được Nhà nước cấp 3 công đất ở Trảng Bàng, bà tiếp tục trồng rau, nuôi gà, heo, nấu rượu và hằng ngày đi chợ bán rau. Nhiều hôm, bà làm việc đến tận 12 giờ đêm, vừa ngả lưng, ngủ chưa thẳng giấc thì đã đến giờ đi chợ.

Đều đặn mỗi ngày dọn đủ 5 gánh rau, trái cây đủ loại đem ra chợ Trảng Bàng bán. “Từ hồi nào tới giờ, chỉ có bán vàng là tui chưa bán thôi! Làm bao nhiêu là nuôi con, lo cho gia đình bấy nhiêu chứ không hề sắm sửa gì cho bản thân”- bà Hai nói.

Ở tuổi 96, bà Nguyễn Thị Thởi vẫn trồng, chăm sóc và gánh rau bán hằng ngày.

Quả thực, nếu không hỏi kỹ thì cũng chẳng ai biết bà là vợ của một Bí thư Tỉnh uỷ. Trước mặt chúng tôi là một người phụ nữ ăn mặc đơn giản với bộ đồ tol cũ, đầu tóc không chải chuốt, màu da nâu sẫm, đặc sệt chất “Nam bộ”, ánh mắt hiền từ. Ẩn trong người phụ nữ này là chất cương nghị, chịu thương, chịu khó và hết lòng vì chồng, vì con.

Nắm chặt đôi tay gân guốc, chai sần theo năm tháng, bà Hai trải lòng, đối với bà, khó khăn, gian khổ gì bà đều vượt qua- từ tự mình sinh con đến bươn chải làm hết mọi công việc, kiếm tiền nuôi con ăn học. Cho đến tận bây giờ, khi đã bước sang tuổi 96, bà vẫn trồng rau, đi chợ bán rau hằng ngày, coi lao động là niềm vui tuổi già... “Nói vụ làm rau này, hồi đó tui làm là để nuôi con ăn học, còn giờ tui làm vì niềm vui và vì sức khoẻ của bản thân. Còn sức thì cứ phải lao động mới khoẻ mạnh được”- bà Hai vừa cười, vừa nói.

Anh Quyết Chiến, người con trai thứ hai của ông bà cho biết, hằng ngày, anh có nhiệm vụ phụ mẹ tưới rau, chở bà Hai ra chợ sớm, tầm 10 giờ trưa rước về. Có hôm anh mải việc quên mất giờ rước mẹ, bà Hai tự ên gánh bộ về nhà. “Kêu xe ôm chở về tốn tiền, còn đâu tiền rau nữa và chợ cũng gần nhà, đi bộ chút cho khoẻ”- bà Hai giải thích. Lịch trình mỗi ngày của bà vẫn đều đặn sáng bán rau, chiều ra vườn nhổ cỏ chăm rau và chuẩn bị cho gánh hàng ngày hôm sau.

Từ thời trẻ cho tới lúc tuổi xế chiều, bà luôn tần tảo, chịu thương chịu khó. Lúc sinh tiền, ông Hai Bình luôn biết ơn và yêu chiều vợ hết mực. Bà Hai bộc bạch: “Nhiều người bảo ông Hai Bình “nịnh vợ” quá. Nhưng thử nghĩ xem, là lãnh đạo cao nhất của tỉnh này, ông ấy đâu có phải là người ai nói sao nghe vậy. Chỉ có điều, một người đàn ông khôn ngoan, biết yêu chiều người phụ nữ của mình, họ sẽ được tất cả”...

PHƯƠNG THUÝ - TÂM GIANG

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục