Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Du lịch Tây Ninh: Nỗ lực đạt mục tiêu đóng góp trên 10% GRDP
Bài 2: Đồng bộ các giải pháp để du lịch phát triển bền vững
Thứ tư: 07:56 ngày 01/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quy hoạch du lịch hướng đến phát triển “ngành công nghiệp không khói” một cách bền vững, bảo đảm sự hài hoà giữa phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị của từng vùng, từng địa phương.

Khu du lịch núi Bà Đen thu hút đông đảo du khách trong dịp Tết nguyên đán. Ảnh: Dương Đức Kiên

Những năm gần đây, ngành du lịch đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giúp tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện bộ mặt nông thôn, phát triển đô thị. Quy hoạch du lịch hướng đến phát triển “ngành công nghiệp không khói” một cách bền vững, bảo đảm sự hài hoà giữa phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị của từng vùng, từng địa phương.

Đầu tư phát triển điểm du lịch gắn với nông nghiệp là một xu thế mới

Một số sản phẩm từ nông nghiệp và làng nghề truyền thống được quan tâm phát triển, phục vụ cho du lịch. Bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, Tây Ninh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển loại hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, các làng nghề truyền thống. Trong kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh đã đề ra giải pháp để phát triển loại hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.

Tỉnh đã triển khai có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho nông dân trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh; Đề án “Chuỗi giá trị và cụm ngành nông ngiệp tỉnh Tây Ninh” và danh mục ngành hàng quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phát triển sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phục vụ nhu cầu mua sắm, quà tặng của khách du lịch.

Khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các công trình phục vụ khách du lịch như: bãi đỗ xe, khu bán sản phẩm địa phương, phục vụ ẩm thực, lưu trú… gắn với các nông trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các vùng sản xuất cây đặc sản, cây có thế mạnh của tỉnh.

Du khách thưởng thức món chay Tây Ninh. Ảnh: Vũ Nguyệt

Tăng cường các dịch vụ du lịch để giữ chân du khách

Khách du lịch đến Tây Ninh ngày một tăng là tín hiệu đáng mừng trong bước đầu khôi phục lại du lịch tỉnh nhà sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, lượng khách lưu trú còn thấp.

Bà Trần Thị Huy Hoàng cho biết, khách du lịch chủ yếu là hành hương, chiêm bái hệ thống chùa núi Bà Đen và Toà thánh Cao Đài; Tây Ninh còn thiếu những điểm du lịch hấp dẫn đủ sức thu hút khách tham quan lưu trú nhiều ngày để trải nghiệm.

Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ, hệ thống các dịch vụ bổ trợ, các cơ sở vui chơi giải trí còn thiếu, nhất là vui chơi giải trí về đêm. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 650 cơ sở lưu trú du lịch, nhưng được xếp hạng sao chỉ 32 cơ sở; trong đó, có 1 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 3 sao và 11 khách sạn 2 sao. Những cơ sở lưu trú hiện có khác hầu hết chưa đạt chuẩn và có quy mô nhỏ, khả năng đáp ứng nhu cầu du khách số lượng lớn trong các dịp lễ hội hoặc sự kiện còn hạn chế.

Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý giữa Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh tương đối gần nên đa số khách du lịch đến Tây Ninh tham quan trong ngày và trở về TP. Hồ Chí Minh- nơi có nhiều hoạt động du lịch về đêm.

Cũng vì các lý do trên, Tây Ninh chưa thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ thị trường Campuchia.

Nhận thấy được vấn đề này, ngành du lịch đã và đang tham mưu UBND tỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Thứ nhất, phát triển nhanh, đồng bộ, có chất lượng các dịch vụ phục vụ du lịch. Đối với cơ sở lưu trú, tỉnh khuyến khích, đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú du lịch hiện có theo tiêu chuẩn quốc gia; trong đó, ưu tiên phát triển cơ sở lưu trú có chất lượng, đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; chú trọng nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú.

Phát triển cơ sở vui chơi, giải trí, thể thao; phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống; phát triển hệ thống các cơ sở thương mại - dịch vụ. Chú trọng quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn; phát triển và xây dựng thương hiệu ẩm thực truyền thống đặc sắc của địa phương như muối ớt tôm, bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, bò tơ Tây Ninh, mãng cầu Tây Ninh, các món ẩm thực chay…

Thứ hai là, khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch với các nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hoá - lễ hội; du lịch nông nghiệp; du lịch sinh thái; du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử và các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng phát triển của địa phương.

Thứ ba là, kết nối đồng bộ các điểm du lịch và liên kết khu vực. Theo đó, chú trọng xây dựng, kết nối các đơn vị lữ hành trong nước, nhất là các đơn vị lữ hành trong khu vực, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút khách du lịch đến từ thị trường miền Bắc; phát triển tuyến du lịch liên vùng bằng đường bộ từ trung tâm du lịch TP. Hồ Chí Minh các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ đến tham quan du lịch tại Tây Ninh; phát triển các tuyến du lịch quốc tế bằng đường bộ từ Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ

Một yếu tố không thể thiếu trong phát triển du lịch đó là ứng dụng khoa học, công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch.

Bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, ngày nay, mạng xã hội trở thành nơi cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch. Do đó, ứng dụng công nghệ thông tin là việc rất quan trọng để xúc tiến, quảng bá hình ảnh, điểm đến của Tây Ninh đến được với du khách, tạo điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng mạng xã hội trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, tạo hiệu ứng cho sự phát triển du lịch tỉnh nhà.

Thời gian qua, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin nhằm đăng tải, tuyên truyền các sự kiện, các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch trong tỉnh. Các hình ảnh, hoạt động về du lịch được truyền tải kịp thời, thường xuyên hằng ngày trên các nền tảng mạng xã hội.

Tỉnh đã và đang triển khai hệ thống wifi công cộng phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển du lịch; triển khai thí điểm mô hình đô thị thông minh cho thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành.

Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, sản xuất thông minh.

Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh đã xây dựng và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch như ứng dụng quét mã QR truy cập thông tin điểm đến.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh