BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Gút mắc” chữ đường

Bài 2 “Không có mẫu lấy gì đo đối chứng?”

Cập nhật ngày: 14/03/2016 - 10:11

Khâu ép mía lấy nước đo chữ đường ở nhà máy TTCS.

Kết quả đo chữ đường hoàn toàn khách quan?

Trước những phản ánh, bức xúc của nông dân và HNTM tỉnh, người viết có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Công ty (TTCS) xung quanh vấn đề đo chữ đường (CCS) của nhà máy. Ông Nguyễn Việt Hùng- Phó Tổng Giám đốc TTCS (phụ trách nông nghiệp) cho biết, vụ chế biến này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã nâng tần suất lấy mẫu nước mía tại nhà máy đưa đi phân tích chữ đường đối chứng, có sự tham gia của đại diện HNTM. Một số kết quả đo chữ đường đối chứng của ngành chức năng so với kết quả đo tại nhà máy có sự chênh lệch nhưng không đáng kể, nằm trong giới hạn cho phép.

Về những phản ánh của nông dân như tình trạng cùng một ruộng mía, trồng cùng một giống mía, thu hoạch cùng thời điểm nhưng kết quả đo chữ đường khác nhau, có những trường hợp chênh lệch hơn 1 CCS… ông Hùng cho biết nhà máy thường xuyên nhận được những thông tin thắc mắc tương tự. “Tuy nhiên, chúng tôi xác định quá trình thao tác, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào việc đo chữ đường ở nhà máy hiện nay là bảo đảm độ chính xác cao và hoàn toàn khách quan, không gây thiệt thòi cho nông dân. Mía trồng cùng một giống, cùng một cánh đồng, cùng thu hoạch một đợt vẫn có thể cho chữ đường khác nhau ở các phương tiện chở khác nhau là có cơ sở khách quan”, ông Hùng nói.

Ông Hùng lý giải “yếu tố khách quan” dẫn đến sự chênh lệch CCS đối với mía trồng cùng vụ, cùng giống, cùng thời gian thu hoạch nhưng cho kết quả đo CCS khác như sau: Mía được thu hoạch ở cùng ruộng nhưng chất lượng mía không đồng nhất do ruộng mía chỗ thấp, chỗ cao; chỗ xấu, chỗ tốt; đặc tính địa chất chỗ này khác chỗ kia; kỹ thuật đốn chặt của nhân công không như nhau; quá trình vận chuyển và lưu bãi ở các xe mía chênh lệch nhau về thời gian… dẫn đến chữ đường khác nhau.

 Bà Trần Quế Hà- Trưởng Phòng Kỹ thuật sản xuất nhà máy đường TTCS cho biết thêm: “Trong thực tế, hai mũi khoan lấy mẫu mía ở nhà máy được đặt chéo nhau nhằm lấy ngẫu nhiên nhưng tương đối đầy đủ các thành phần trên cây mía ở mỗi phương tiện vận chuyển. Do đó, có thể nói rằng, mỗi mẫu mía được chọn đo CCS đều là mẫu có tính đại diện cho chất lượng mía trên mỗi xe mía được nhà máy thu mua”.

Mía được đưa vào chế biến vụ 2015-2016 ở nhà máy TTCS.

Theo bà Trần Quế Hà, quy trình lấy mẫu đo chữ đường hiện nay ở nhà máy TTCS như sau: Mía được đưa về nhà máy sau khi cân sẽ được lấy mẫu phân tích tạp chất, được khoan lấy mẫu để ép lấy nước rồi đo CCS bằng thiết bị hiện đại. Các thiết bị này được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng theo các tiêu chuẩn hiện hành. Các mẫu nước mía được lấy từ các phương tiện vận chuyển đều được gắn mã vạch riêng để những người có liên quan không thể biết các mẫu đó lấy từ xe mía nào. Bà Hà khẳng định quá trình đo chữ đường hoàn toàn khách quan, kết quả do máy móc tính toán, nhân viên kỹ thuật của nhà máy không thể thao tác chỉnh sửa số đo CCS.

Vấn đề này, chúng tôi cho rằng có thể quy trình lấy mẫu, đo chữ đường ở nhà máy TTCS tuân theo các tiêu chuẩn nhất định, được hỗ trợ bởi máy móc hiện đại, đúng chất lượng. Tuy nhiên, nếu nói quy trình đo cùng với kết quả được công bố là hoàn toàn khách quan, không thể can thiệp được thì còn phải xem lại. Bởi ghi nhận của người viết cho thấy, con người có thể dễ dàng tác động đến kết quả đo chữ đường ở các công đoạn thủ công. Đồng thời, các thiết bị, máy móc, phần mềm ứng dụng… đều phụ thuộc vào con người chứ không thể tự vận hành.

Có thực sự minh bạch?

Về việc HNTM phản ánh chữ đường mà Hội tự đo có kết quả chênh lệch khá lớn với kết quả đo chữ đường của nhà máy TTCS, ông Hùng cho rằng đây là… điều bình thường. “Có thể máy đo chữ đường của HNTM cho kết quả chính xác như Hội phản ánh nhưng phương pháp lấy mẫu mía để đo, thao tác kỹ thuật trong quá trình đo chữ đường không giống như ở nhà máy chúng tôi nên kết quả khác nhau. Đồng thời, các yếu tố khách quan khác như tạp chất trong mía, thời gian vận chuyển và nằm bãi chờ ở nhà máy cũng làm giảm đi chất lượng chữ đường”, ông Hùng phân tích.

Về việc HNTM phản ánh Công ty TTCS không cung cấp mẫu cho Hội đo lấy kết quả đối chứng, ông Hùng tỏ ra ngạc nhiên và cho rằng Công ty đã cung cấp theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Ông cho biết thêm, mới đây, một số nông dân đến nhà máy yêu cầu cung cấp mẫu nước mía mà nhà máy đã lấy đo CCS trên mía của họ nhưng nhà máy không thể đáp ứng. Việc cung cấp mẫu nước mía phải theo quy trình, quy định, có tổ chức chứ không phải ai muốn vào nhà máy lấy mẫu cũng được. “Chúng tôi có hơn 3.000 khách hàng. Nếu ngày nào cũng có nhiều người vào đây yêu cầu lấy mẫu thì sẽ rất khó cho việc quản lý và sản xuất của chúng tôi. Do đó, chúng tôi chỉ cung cấp mẫu khi HNTM đi cùng cơ quan chức năng đến lấy mẫu giám sát theo quy định. Hơn nữa, việc lấy mẫu mía để đo CCS là cả một quy trình kỹ thuật, phải tuân theo các yêu cầu nhất định chứ không phải muốn làm thế nào cũng được”, ông Hùng nói.

Phó Tổng Giám đốc TTCS khẳng định hiện nay, mỗi khi cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đại diện HNTM đến lấy mẫu nước mía thì các mẫu được cung cấp đều chia làm ba phần, một phần nhà máy lưu giữ, một phần giao cho HNTM và một phần giao cho cán bộ Sở NN&PTNT đưa đi phân tích ở Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. Trong đó, kết quả đo CCS do Sở NN&PTNT tổ chức thực hiện mới có giá trị pháp lý. Còn kết quả đo được từ máy đo CCS của HNTM chỉ có tính chất tham khảo, bởi HNTM không có chức năng đo kiểm chữ đường. Đồng thời máy đo CCS của Hội chưa được cơ quan chức năng xác định chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Thế nhưng, trao đổi với người viết, Chủ tịch HNTM Nguyễn Quang Hợp khẳng định từ khi Hội mua máy đo CCS về lắp đặt đến nay, nhà máy đường TTCS chưa cung cấp cho Hội mẫu nào để có thể đo đối chứng với kết quả đo của nhà máy. Trong khi đó, mặc dù đại diện HNTM có tham gia đoàn lấy mẫu của Sở NN&PTNT nhưng kết quả đo CCS từ các mẫu ra sao thì Hội không hề được nắm thông tin. “Tại sao kết quả đo đối chứng của cơ quan chức năng không được công khai cho HNTM và nông dân được biết? Nếu kết quả đo CCS giữa nhà máy và cơ quan chức năng có khác biệt lớn nhưng cơ quan chức năng vẫn im lặng thì làm sao nông dân biết mà khiếu nại, yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ? Và nếu như thế thì việc giám sát chữ đường có thực sự minh bạch hay không. Thiết nghĩ, HNTM và nông dân trồng mía cần được tạo điều kiện giám sát đầy đủ hơn quá trình đo chữ đường của các nhà máy”, một cán bộ HNTM băn khoăn.

Thao tác kỹ thuật thủ công trong quy trình đo chữ đường ở Công ty TTCS.

Được biết, ngày 11.11.2015, Văn phòng UBND tỉnh có Thông báo số 4976/TB-VP về ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng về việc mua và lắp đặt thiết bị đo chữ đường của HNTM. Thông báo có nêu: “Giao Sở NN&PTNT thực hiện nâng tần suất lấy mẫu thử chữ đường lên 40 lần/tháng”. Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh lấy mẫu đo chỉ 2 lần/tháng. Đây được xem là một động thái quyết liệt của UBND tỉnh trong việc đẩy mạnh giám sát hoạt động đo chữ đường của nhà máy chế biến. Tuy nhiên, theo thông tin từ phía Công ty TTCS, hiện cơ quan chức năng không lấy mẫu đo CCS 40 lần/tháng theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh mà chỉ lấy 40 mẫu/tháng. Lý do là trong một cuộc họp gần đây, các bên có liên quan cho rằng nếu phải lấy mẫu đo chữ đường đúng theo chỉ đạo thì “quá nhiều” nên thống nhất điều chỉnh còn 40 mẫu/tháng (?).

Cũng theo Thông báo trên, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu: “Nếu HNTM mua thiết bị đo chữ đường thì việc lấy mẫu của Sở NN&PTNT được chia cho HNTM để đo chữ đường. Kết quả đo chữ đường của các đơn vị nếu có khác biệt lớn, gây ảnh hưởng cho người trồng mía, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, HNTM báo cáo cụ thể để UBND tỉnh xem xét, giải quyết”. Tuy nhiên đến nay, HNTM không được nhà máy đường TTCS cung cấp mẫu, cũng không được Sở NN&PTNT “chia cho” mẫu (!?).

HOÀNG ANH

(còn tiếp)

Theo thống kê của Công ty TTCS, trong vụ chế biến 2015-2016, đến nay chỉ có 5 xe mía có chữ đường cao nhất vụ với 12,1 CCS. Tỷ lệ mía đạt 10 CCS trở lên chiếm khoảng 25% tổng sản lượng mía công ty thu mua từ đầu vụ đến nay.

Gần cuối vụ chế biến 2015-2016, chữ đường bình quân thực tế đối với mía mua vào chế biến tại nhà máy TTCS là 9,6 - 9,7 CCS. Theo lãnh đạo công ty, so với cùng thời điểm 20 vụ trước, chữ đường vụ này “thuộc hàng nhất nhì”, dù rằng đầu vụ, chữ đường có thấp hơn chút ít do mía chưa đủ chín.