Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát thải ròng bằng “0”: Từ cam kết đến hành động
Bài 2: Không quyết liệt, khó đạt mục tiêu
Thứ bảy: 15:00 ngày 24/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều nhóm giải pháp đã được đề ra và bắt đầu triển khai để có thể đạt được mục tiêu theo từng lộ trình.

Hiện nay, từ việc vận haành sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi cho đến các hoạt động sinh hoạt, di chuyển, sử dụng thiết bị điện… đều thải ra một lượng lớn khí nhà kính, mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng “0” để cắt giảm lượng khí CO2 thải vào bầu khí quyển xuống mức thấp nhất, đồng thời, áp dụng công nghệ để thu hồi, kết hợp trồng và bảo tồn rừng.

Hướng tới mục tiêu không phát thải ròng là một trong những thách thức lớn, nhất là khi năng lực đổi mới với phát triển “xanh” hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bao gồm hạ tầng và các điều kiện sản xuất; đội ngũ nhân lực, lao động...

Các em học sinh háo hức tham gia chương trình đổi rác thải nhựa lấy dụng cụ học tập.

Đến năm 2030, Tây Ninh phải giảm được 8%

Trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam, mục tiêu đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5% so với phát thải theo kịch bản phát triển thông thường, trong đó, lĩnh vực năng lượng giảm 32,6%, lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương.

Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, trong đó lĩnh vực năng lượng giảm 91,6%, lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn CO2 tương đương.

Tại Tây Ninh, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1138/QĐ-UBND về kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2022-2030, tỉnh giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường; phát huy và đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng năng lượng mới và tái tạo; đưa giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính thành các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Mục tiêu cụ thể đến năm 2050, giảm 25% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế, chủ động công tác điều tra, kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Mặt khác, sử dụng năng lượng mới, công nghệ mới để sản xuất năng lượng tái tạo; đưa giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính thành các chỉ tiêu trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quản lý, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu; ngành chức năng tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong công nghiệp...

Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được nhiều tác động tiêu cực mang tính đa diện của biến đổi khí hậu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp liên doanh có sự chủ động về lộ trình và tầm nhìn những quy định liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính; chủ động thực hiện và hưởng ứng những quy định mới kiểm kê khí nhà kính.

Qua công tác triển khai, nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được nâng cao; người dân dần có ý thức trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng công tác ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: hệ thống chính sách, pháp luật còn chưa được hoàn thiện; nhận thức của một số doanh nghiệp về môi trường vẫn chưa cao...

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), định kỳ hằng năm, đơn vị lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc lĩnh vực KH&CN vào thông báo định hướng ưu tiên đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Từ năm 2022 đến nay, đơn vị tham mưu UBND tỉnh phê duyệt triển khai 3 nhiệm vụ KH&CN có liên quan phục vụ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường của tỉnh với tổng kinh phí 3,3 tỷ đồng.

Các hoạt động KH&CN được triển khai bảo đảm theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1138/QĐ-UBND, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tuy nhiên, hoạt động KH&CN trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường chưa nhiều, Sở KH&CN chưa nhận được nhiều nội dung đề xuất đặt hàng từ các đơn vị quản lý chuyên môn về lĩnh vực này; sự hợp tác, phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan còn chưa đồng bộ, hiệu quả.

Theo Sở KH&CN, để các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường có tính ứng dụng cao, trực tiếp phục vụ quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, cần có sự quan tâm, hợp tác nhiều hơn của các sở, ngành có liên quan, các địa phương và doanh nghiệp trong việc tham gia thực hiện, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN - vì đây là những đơn vị tiếp nhận ứng dụng kết quả đề tài mà mình đã đặt hàng, giải quyết các bức xúc thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý.

Đoàn viên thanh niên tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường.

Nhiều nhóm giải pháp sẽ được triển khai

Mục tiêu theo từng lộ trình đã có, tuy nhiên, để thực hiện được con số trên cần phải có sự phối hợp giữa các cấp ngành, thậm chí sự chung tay của cả cộng đồng. Theo đó, nhiều nhóm giải pháp đã được đề ra và bắt đầu triển khai để có thể đạt được mục tiêu theo từng lộ trình.

Theo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ xây dựng tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở từ năm 2026. Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng carbon thấp, tái cấu trúc các ngành kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu tốn ít năng lượng; từng bước hạn chế phát triển các nhóm ngành kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp.

Tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, nghiên cứu, ứng dụng đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, đời sống dân sinh, phát triển KT-XH; xây dựng và nhân rộng các hoạt động, mô hình ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ tái tạo, sử dụng năng lượng sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu và ít phát thải khí nhà kính.

Các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trong tỉnh phải đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động hằng ngày và trong đầu tư mới, mua sắm công, bao gồm các biện pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, các công trình xanh, làm mát bền vững, sử dụng xe điện chạy pin và các thiết bị ít tiêu hao năng lượng...

Mặt khác, việc đào tạo đội ngũ, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cũng được tỉnh chú trọng, từ việc phát triển đội ngũ chuyên gia chất lượng cao về kiểm kê khí nhà kính, thẩm định giảm phát thải khí nhà kính… cho đến việc thúc đẩy nghiên cứu đề xuất chính sách nhằm tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tại các doanh nghiệp, tập đoàn về phát triển phát thải thấp, đổi mới sáng tạo cho tăng trưởng xanh, chú trọng các nhiệm vụ có kinh phí đối ứng của doanh nghiệp.

Hoà Khang - Trúc Ly

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục