BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát thải ròng bằng “0”:

Từ cam kết đến hành động
Bài 1: Mục tiêu không thể trì hoãn 

Cập nhật ngày: 23/08/2024 - 08:39

BTN - Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức hiện nay, tại Hội nghị Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng bằng “0” (Net-zero) vào năm 2050.

Khí nhà kính (CO2) phát thải ra khi đốt nhiên liệu hoá thạch (than, dầu, khí tự nhiên…) là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và những biến đổi về khí hậu. Theo các chuyên gia dự báo, việc sớm đưa phát thải bằng “0” để ngăn chặn tình trạng gia tăng nhiệt độ và tránh những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng

Trong đầu năm 2024, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu biểu hiện khá rõ nét qua thời tiết ngày càng khắc nghiệt: nắng nóng kỷ lục, mùa mưa đến trễ, khô hạn kéo dài. Tại một số tỉnh, thành, hạn hán dẫn đến thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và khiến cho xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền.

Công ty Điện lực Tây Ninh trao thưởng cuộc thi “Tiết kiệm điện thành thói quen”.

Việt Nam được các chuyên gia quốc tế cảnh báo là một trong những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, vì vậy, việc thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là đưa phát thải ròng bằng “0” trở thành mục tiêu không thể trì hoãn.

Tại Tây Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ghi nhận, biến đổi khí hậu tác động lên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh nhiệt độ cực đoan càng kéo dài càng bất lợi cho sự tăng trưởng và năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp, những loại hình thiên tai như: mưa lớn gây ngập úng, mưa lớn kết hợp triều cường, lũ gây ngập úng, giông lốc… cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định.

Đối với ngành chăn nuôi, biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trên vật nuôi, như hiện tượng sốc nhiệt do nhiệt độ môi trường tăng cao cùng với biên độ dao động nhiệt độ lớn, làm cho vật nuôi không kịp thích ứng. Việc bùng phát dịch cúm gia cầm do khí hậu thay đổi phá vỡ sự vận động và di trú tự nhiên của các loài chim hoang dã, khiến chúng tiếp xúc nhiều hơn với gia cầm.

Dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò và heo cũng xảy ra ngày càng nhiều hơn, thậm chí cả trên gia súc đã được tiêm phòng. Tác động của biến đổi khí hậu còn làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, gây khó khăn cho công tác bảo tồn đa dạng sinh thái và tác động tiêu cực đến du lịch sinh thái, phát triển du lịch bền vững; làm suy giảm nguồn nước vào thời kỳ mùa khô, gây khó khăn trong việc cung cấp nước và nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp và xây dựng...

Sở TN&MT thông tin, diễn biến thiên tai trong giai đoạn 2010-2020 cho thấy sự phức tạp về tần suất xuất hiện cũng như cường độ tác động. Các dạng thiên tai chủ yếu trên địa bàn tỉnh là mưa lớn, giông lốc, ngập… ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, tài sản cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.

Năng lượng sạch là yếu tố then chốt

Việc lạm dụng nguyên liệu hoá thạch trong nhiều ngành nghề hiện nay thải ra một lượng lớn khí CO2, vì vậy, việc chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu tái tạo được xem là giải pháp hàng đầu trong vấn đề đưa chỉ số phát thải ròng về “0”. Trong đó, ngành năng lượng được xem là mấu chốt, khi tất cả các ngành nghề, kinh doanh, sản xuất đều có liên quan đến việc sử dụng năng lượng để hoạt động.

Lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái.

Chia sẻ tại hội thảo tiết kiệm điện năm 2024 và báo cáo kiểm kê khí nhà kính các doanh nghiệp trên địa bàn Tây Ninh, bà Phạm Cẩm Nhung- Giám đốc Chương trình Khí hậu & Năng lượng, WWF-Việt Nam cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, tích cực triển khai các công tác cập nhật chính sách, chiến lược quốc gia trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Thương mại và công nghiệp là lĩnh vực WWF-Việt Nam đặc biệt quan tâm, là ngành tiêu thụ năng lượng lớn nhất cả nước, chiếm 60% lượng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Ngoài ra, lĩnh vực thương mại và công nghiệp được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất (khoảng 7,4%) mỗi năm trong số tất cả các lĩnh vực khác ở Việt Nam.

Do đó, hai lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, góp phần bảo đảm an ninh và phát triển bền vững của ngành năng lượng trong tương lai, đồng thời đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo việc làm xanh.

Bà Phạm Cẩm Nhung đánh giá, Tây Ninh có tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng mặt trời với số giờ nắng trung bình mỗi năm lên đến 2.400 giờ, thu hút được nhiều quan tâm đầu tư cho các dự án điện mặt trời. Tỉnh nhà có thể trở thành tỉnh tiên phong trong việc chuyển dịch ngành công nghiệp theo hướng xanh và sạch, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Đoàn viên thanh niên huyện Gò Dầu tích cực hưởng ứng Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn năm 2024. Ảnh: Ngọc Bích

Thời gian qua, WWF-Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Sở Công Thương, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, các ban, ngành đối tác và các doanh nghiệp trong việc thực hiện dự án “Chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,50C” nhằm thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, áp dụng năng lượng tái tạo và các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành dệt may của tỉnh và một số địa bàn lân cận.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như: 10 dự án điện mặt trời, công suất 808 MW; điện mặt trời mái nhà 305,52 MWp; điện sinh khối (nhà máy điện sinh khối Bourbon - đốt bã mía) 37 MW.

Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai điện mặt trời trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn nhất định. Ông Nguyễn Quốc Nam- Trưởng Phòng Kỹ Thuật, Công ty Điện lực Tây Ninh cho biết, khung giờ phát điện cao điểm của điện mặt trời mái nhà và khung giờ phụ tải cao điểm không phù hợp dẫn đến một số hệ thống điện mặt trời mái nhà phải cắt giảm công suất do thừa nguồn phát. Bên cạnh đó, điện mặt trời mái nhà được khuyến khích đầu tư lớn và hoà vào lưới điện quốc gia nhưng cấp điều độ lưới điện phân phối là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý vận hành hệ thống lại không có quyền giám sát, điều khiển, điều chỉnh thiết bị nguồn điện tham gia vào hệ thống do mình quản lý.

Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà hiện là nguồn điện phân tán, rải rác khắp cả tỉnh, có một số hệ thống không tiêu thụ tại chỗ phải truyền tải qua lưới điện 110kV, nhưng cơ chế, quy định không phù hợp dẫn đến bất khả thi trong điều độ, quản lý vận hành hệ thống điện. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là chưa có cơ chế chính sách rõ ràng cũng như chưa có hướng dẫn tạm thời dẫn đến hiện nay mọi việc phải dừng lại chờ hướng dẫn.

Ông Nguyễn Quốc Nam cho biết thêm, thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về “0”, ngành Điện sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, giảm thiểu các nguồn điện phát thải CO2; ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… để tiêu thụ tại chỗ đối với các khu vực có nhiều tiềm năng; ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý môi trường.

Công ty Điện lực Tây Ninh tiếp tục đầu tư, cải tạo các tuyến đường dây để chuyển tải nguồn năng lượng tái tạo không để phát sinh trường hợp phát ngược lên cấp điện áp trên (không để phát ngược từ 22kV lên 110kV), bảo đảm huy động tối đa nguồn năng lượng tái tạo theo điều kiện kỹ thuật cho phép. Đơn vị cũng sẽ thông tin, hỗ trợ, tư vấn kịp thời cho khách hàng các cơ chế chính sách cũng như các công nghệ mới trong lĩnh vực này; giải quyết nhanh các thủ tục thuộc thẩm quyền của công ty, cũng như phản ánh kịp thời các khó khăn, vướng mắc lên cấp trên.

Đối với các khách hàng có lượng tiêu thụ điện lớn cần phối hợp cùng ngành Điện dự báo xác định nhu cầu, xây dựng biểu đồ phụ tải hợp lý… nhằm tận dụng tối đa thời gian có nguồn năng lượng tái tạo.

Hoà Khang - Trúc Ly

(Còn tiếp)