Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn kết để “Xã tắc từ đây vững bền”

Bài 2: Lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng 

Cập nhật ngày: 29/05/2024 - 12:32

BTN - Nhân dân thế giới đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh tích cực thì nhất định có khả năng ngăn ngừa chiến tranh thế giới, thực hiện hoà bình lâu dài.

“Tất cả những thắng lợi đó không phải là công lao riêng của Đảng ta. Đó là công lao chung của toàn thể đồng bào ta trong cả nước. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chớ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác-Lê nin… Nhân dân thế giới đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh tích cực thì nhất định có khả năng ngăn ngừa chiến tranh thế giới, thực hiện hoà bình lâu dài. Cuộc đấu tranh quyết liệt của các dân tộc bị áp bức nhất định sẽ đánh bại bọn đế quốc thực dân. Chủ nghĩa xã hội cuối cùng nhất định sẽ toàn thắng khắp thế giới…” - trích diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ III của Đảng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc, năm 1960.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp ở Thủ đô Hà Nội từ ngày 5 đến 10.9.1960

Không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết

Trong bài viết “Quan điểm và sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng về phát huy đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, PGS.TS Hà Trọng Thơ (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nêu, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) đã khởi đầu đổi mới tư duy lý luận về đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy sức mạnh của nhân dân, nhấn mạnh quan điểm “lấy dân làm gốc”. Đại hội khẳng định: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội VII của Đảng (1991) khẳng định đại đoàn kết dân tộc là đường lối cơ bản của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội VII thông qua, nêu rõ: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng”. Sự nghiệp cách mạng đó là “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, “không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế”.

Đại hội VIII của Đảng (1996) bổ sung, phát triển những quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc để tạo động lực thực hiện thắng lợi sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ trương: “Mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của cả dân tộc. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân”. Trên cơ sở thành tựu đạt được và nhận thức rõ những nguy cơ, thách thức phải đối diện, Đại hội IX của Đảng (2001) khẳng định quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc là “động lực chủ yếu để phát triển đất nước”, là nhân tố bảo đảm sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội X của Đảng (năm 2006) nêu rõ,  đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng “là đường lối chiến lược nhất quán của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội chủ trương kết hợp phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh theo phương châm phát triển kinh tế - xã hội là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc; ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh vững mạnh là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội. Và, “đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Sau 30 năm đổi mới đất nước, Đại hội XII của Đảng (năm 2016) khẳng định phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một nguyên tắc, là nguồn gốc tạo ra sức mạnh của cách mạng Việt Nam. Nghị quyết Đại hội xác định “đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và là nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội XIII của Đảng (2021) tiếp tục kiên định quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta. Đại hội nhấn mạnh: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở  Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, “phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” là một nguồn lực quan trọng, là biện pháp cơ bản để nhân dân ta thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong toàn bộ tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, Đảng luôn nhất quán nhấn mạnh quan điểm và sự chỉ đạo mang tính xuyên suốt về xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và là nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên cơ sở mở rộng tối đa biên độ tập hợp các thành phần dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức.

Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng

Lấy đại nghĩa làm trọng

Ngày 17.11.1993, Bộ Chính trị khoá VII ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất, xác định những chủ trương lớn: Đại đoàn kết dân tộc là đoàn kết mọi người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, bao gồm các giai cấp, các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, người trong nước và người định cư ở nước ngoài trên cơ sở lấy đại nghĩa dân tộc làm trọng, lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, chấp nhận những điểm khác nhau, không trái với lợi ích chung của dân tộc, cùng nhau xoá bỏ định kiến, mặc cảm, hận thù, hướng về tương lai, vì độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị là một bước phát triển mới trong tư duy lý luận và quan điểm chỉ đạo thực tiễn của Đảng về tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngay sau đó, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng (tháng 1.1994) cũng chủ trương tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy mọi năng lực sáng tạo của công nhân, nông dân và trí thức, các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đại hội XI (năm 2011) nêu rõ quan điểm: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân”. Đại hội XII (năm 2016) chủ trương, quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng lẫn chất lượng. Đảng chủ trương tạo sự bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hoà quan hệ giữa các dân tộc, tôn giáo, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước... Bổ sung, phát triển chủ trương trên, Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh thêm việc tập hợp, phát huy vai trò của thế hệ trẻ, các tầng lớp phụ nữ, cựu chiến binh, công an hưu trí... Như vậy, có thể thấy, trong khi kiên định và giữ vững nguyên tắc lãnh đạo về đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng quan tâm đến việc mở rộng biên độ tập hợp lực lượng, thực hiện linh hoạt về phương thức, hình thức quy tụ mọi thành phần dân tộc trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia - dân tộc, bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin liên quan
  • Bài 1: Tư tưởng chiến lược 

    Bài 1: Tư tưởng chiến lược

    Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bao giờ cũng đi đôi với nhau. Lênin, lãnh tụ của giai cấp vô sản đã nhấn mạnh rằng, một cuộc cách mạng chỉ thật sự có giá trị khi nó biết cách tự bảo vệ.