Thời Sự - Chính trị   Cải cách hành chính

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh nỗ lực cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX

Bài 2: Mạnh dạn chỉ ra hạn chế và nguyên nhân 

Cập nhật ngày: 15/07/2021 - 23:54

BTNO - Theo UBND tỉnh, mặc dù giai đoạn 2016 - 2020, các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, chủ yếu tập trung vào 4 nhóm nội dung sau:

Lực lượng chức năng tổ chức cấp CCCD tại trụ sở một cơ quan cấp tỉnh (ảnh minh hoạ)

Thứ nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn ở trình độ thấp, chưa đồng bộ, manh mún và dàn trải.  Do các nguyên nhân như: Mức đầu tư cho ứng dụng CNTT còn chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của CNTT đối sự phát triển của tỉnh. Việc đầu tư hạ tầng còn manh mún, dàn trải, chưa được đánh giá, dự báo mang tính giai đoạn, tính tổng thể. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm ứng dụng CNTT vào công việc.

Bên cạnh đó, trong các hệ thống CNTT được tỉnh đầu tư, có một số chưa đáp ứng cho việc giải quyết nghiệp vụ chuyên môn hoặc đã lạc hậu mà chưa được cập nhật kịp thời; chưa chủ động đảm bảo quản trị, điều phối các phần mềm đã đưa vào triển khai trên địa bàn tỉnh, còn phụ thuộc chính vào các đơn vị bên ngoài (đơn vị trúng thầu). Nhân sự quản trị các hệ thống CNTT còn yếu, thiếu, hầu hết chỉ được tập huấn, hướng dẫn qua loa dẫn đến không dám khai thác sử dụng. Việc quản trị Trung tâm tích hợp dữ liệu chưa đảm bảo về nhân sự, hạ tầng.

Nhân sự phụ trách chưa thực hiện được việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm của tỉnh và cơ sở dữ liệu chuyên ngành do các bộ chuyên ngành quản lý nên phải nhập dữ liệu 2 lần; Việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các phần mềm còn hình thức, chưa có chuyên đề chuyên sâu vào từng đối tượng người dùng cụ thể.

 Thứ hai là các điểm nghẽn về cấp chủ trương đầu tư, quy hoạch đất đai - xây dựng và giải phóng mặt bằng, đền bù để thực hiện các dự án đầu tư còn lòng vòng, chậm tiến độ, không dứt khoát, dứt điểm, tính công khai, minh bạch chưa cao. Nguyên nhân là do một bộ phận cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, còn nhũng nhiễu trong quá trình thực thi các thủ tục hành chính. Hệ thống chính sách pháp luật thay đổi liên tục làm cho đội ngũ CBCCVC chưa kịp thích nghi với các văn bản pháp luật mới. Công tác thông tin tuyên truyền còn yếu, còn hình thức và còn theo cách truyền thống, chưa tuyên truyền gắn với lợi ích cụ thể của đối tượng được tuyên truyền. Việc công khai, minh bạch, giải trình đối với các khâu công việc còn chậm, thiếu, chưa kịp thời, chưa chi tiết.

Thứ ba là sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc giải quyết các công việc cho người dân, doanh nghiệp còn chậm. Nguyên nhân là do ý thức trách nhiệm của từng CBCCVC chưa cao. Việc xây dựng các quy chế phối hợp, quy trình giải quyết công việc còn thiếu, còn hình thức, còn rườm rà, chưa gắn với trách nhiệm cá nhân trong từng nhiệm vụ cụ thể. Ít có các sáng kiến, kinh nghiệm hay, mô hình tốt được ứng dụng vào thực tế của tỉnh để tạo ra sự thông suốt hành chính giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tâm lý vì cái chung, nhiệm vụ chung của một số CBCCVC còn thấp. Tâm lý đùn đẩy những khó khăn về phía người dân, doanh nghiệp còn lớn, chưa thực sự dành mọi sự thuận lợi về phía người dân và doanh nghiệp.

Thứ tư là khi đã phát hiện ra một bộ phận đội ngũ CBCCVC có yếu kém, có hạn chế nhưng lại chưa kịp thời xử lý hoặc thay thế. Nguyên nhân là do cả nể, dĩ hoà vi quý, ngại va chạm, sợ mất lòng nhau. Việc thưởng phạt trong công tác thi đua - khen thưởng, trong công tác cán bộ chưa nghiêm minh, mạnh mẽ, quyết liệt, chưa sát với thực tế và còn hình thức. Công tác đánh giá CBCCVC còn hình thức, chưa thực sự phân biệt người làm giỏi với người chưa hoàn thành nhiệm vụ. Công tác bổ nhiệm nhân sự chưa thực sự gắn với kết quả giải quyết các công việc cụ thể về CCHC, chưa đánh giá được sau bổ nhiệm thì nhân sự đó có tác động ảnh hưởng như thế nào đến công tác CCHC của tỉnh. Có những vị trí công tác, nhân sự đó dù có yếu kém, có hạn chế, đã có chỉ ra nhưng chậm được thay thế.

Từ kết quả đánh giá các chỉ số nêu trên cho thấy, thời gian qua, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng Tây Ninh cơ bản chưa cải thiện được thứ hạng các chỉ số so với các tỉnh, thành khác trên cả nước; đặc biệt so với một số tỉnh Đông Nam Bộ đã có nhiều bước tiến rõ rệt. Do vậy, tỉnh cần tập trung cải thiện các lĩnh vực trong nhóm đạt điểm thấp nhất; nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tư pháp, bảo hiểm y tế; dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, cung cấp điện, nước, giải quyết việc làm, an ninh trật tự, khiếu nại, tố cáo…

Vừa qua, UBND tỉnh đã xây dựng đề án Cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng đối với các Chỉ số: PCI, PAPI,  PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của đề án là duy trì, cải thiện, nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng đối với các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu như sau: Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm Tốt. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thuộc nhóm “Trung bình cao”. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) thuộc nhóm 30 tỉnh dẫn đầu về Chỉ số CCHC. Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt “Mức độ hài lòng của người dân và tổ chức cao hơn mức trung bình cả nước”. Chỉ số Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (ICT INDEX) thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

UBND tỉnh chỉ rõ Đề án cải thiện các Chỉ số phải bám sát nội dung Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030. Các nội dung triển khai thực hiện, các giải pháp, mục tiêu đề ra phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan khác có liên quan.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường sự tham gia đánh giá, giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình triển khai Đề án cải thiện các Chỉ số trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng cải thiện từng chỉ số bảo đảm hiệu quả, thiết thực, đúng tiến độ, không thực hiện hình thức, không chạy theo thành tích, nói đi đôi với làm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ từng chỉ số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

An Khang

(còn tiếp)