Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hầu hết các trạm ra-đa ở vùng biển Tây Nam đều đặt trên các đồi cao; đường sá cheo leo, hiểm trở là những thách thức hằng ngày mà cán bộ, chiến sĩ ra-đa phải đối mặt.
Đoàn công tác chuyển quà từ tàu 528 lên đảo Hòn Khoai.
Trăm năm sừng sững giữa biển trời
Từ đảo Thổ Chu đến đảo Hòn Khoai thuộc địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau là hải trình dài nhất với khoảng 100 hải lý và khá gian nan của đoàn công tác khi sóng liên tục vỗ mạnh vào mạn tàu, nhiều phóng viên, đại biểu say sóng, thấm mệt. Để có thể cập cảng, chúng tôi phải tăng bo thêm 4 chuyến tàu nhỏ hơn của ngư dân và lực lượng trên đảo. Rồi lại tiếp tục được “trung chuyển” bằng xe bán tải ngược dốc lên. Thế nhưng, khi hải đăng Hòn Khoai hiện ra sừng sững giữa biển trời, mọi mệt mỏi của chúng tôi dường như tan biến.
Hải đăng Hòn Khoai- công trình được Pháp xây dựng từ năm 1899, là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam và cũng là một trong những ngọn hải đăng nằm trong hệ thống đèn biển Cần Giờ - Côn Đảo - Hòn Khoai - Phú Quốc chiếu sáng cho tàu biển đi lại trên biển Đông.
Mặc dù chỉ là đốm sáng nhỏ bé giữa biển trời, nhưng hải đăng lại được ví như đôi “mắt thần” chỉ đường, là kim chỉ nam để định hướng giữa hiểm nguy. Chính vì thế mà dù là ngày thường hay lễ, tết, nhân viên ở đây không bao giờ lơ là, luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Vào nghề từ cuối năm 1990, ông Huỳnh Văn Hà, nhân viên Hải đăng Hòn Khoai đi một vòng 7 đảo, bây giờ quay lại trạm lần thứ 2. Một vòng của ông đã là 33 năm làm nhiệm vụ và không ít lần đón tết ở hải đăng.
Đưa chúng tôi tham quan hải đăng, ông Hà tâm sự: “Lúc mới công tác, mỗi lần có tàu ra, anh em trong trạm phải cùng nhau khuân vác nhu yếu phẩm, băng rừng vượt núi lên trạm. Hiện Hòn Khoai chưa có người dân sinh sống mà chủ yếu là lực lượng Hải quân, Biên phòng, Kiểm lâm. Vì vậy, những đêm giông bão, mưa gió, người trực ngọn hải đăng phải bảo đảm để ánh đèn trên hải đăng sáng nhất, vững vàng nhất, soi đường chỉ lối cho chiến sĩ, ngư dân trên biển. Vui nhất là sau những đêm giông bão, vội vàng chạy xuống bãi, thấy tàu của ngư dân nhờ nương theo ánh sáng ngọn hải đăng mà tìm được nơi tránh trú an toàn”.
Năm nay, ông Hà cũng sẽ đón tết ở hải đăng, bầu bạn với ông là con Ki và con Vàng. Chỉ thoáng nghe tiếng bước chân của ông, hai con chó lon ton theo ngay.
“Đã không ít năm tôi đón tết ở hải đăng, nhưng không buồn đâu vì các lực lượng đóng chân trên đảo cùng đón tết, cùng chia nhau miếng bánh, cái kẹo. Con Ki, con Vàng cũng dậy sớm cùng tôi tập thể dục, đón tết. Giữa biển cả khôn cùng, chỉ cần mất phương hướng, mọi thứ sẽ lạc lối nên hải đăng phải luôn sáng để ngư dân bình an là tết của chúng tôi vui lắm rồi. Cực thì nghề nào chẳng có cái cực riêng, nhưng nếu chọn lại, tôi vẫn chọn làm nghề canh gác và thắp đèn cho hải đăng. Đó không phải là niềm vui, mà đó là sự tự hào được làm cái nghề là chỗ dựa cho người khác”- ông Hà vui vẻ nói.
Khó khăn, vất vả tại các trạm hải đăng thì không kể hết, nhưng “hải đăng không bao giờ được phép tắt” là “mệnh lệnh trái tim” của cán bộ, nhân viên các trạm và những chiến sĩ Hải quân nơi biển đảo Tổ quốc, góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, các cán bộ, nhân viên của trạm luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thành viên đoàn công tác chuẩn bị mâm cơm tết cùng các lực lượng trên đảo Hòn Khoai.
Tết của người lính đảo
Theo những người lính đảo, đảo Hòn Khoai là đảo “3K”- nghĩa là không dân, không phương tiện giao thông và khắc nghiệt của thời tiết. Vậy nên điều kiện sinh hoạt, đi lại của các lực lượng trên đảo còn rất nhiều khó khăn. Và chỉ khi đi trực tiếp, chúng tôi mới thấm thía nỗi vất vả, ý chí kiên cường vượt qua khó khăn của cán bộ chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ trên đảo Hòn Khoai.
Sau gần 1 giờ đồng hồ di chuyển, chúng tôi cũng đến được Đồn Biên phòng Hòn Khoai, lúc này các lực lượng đứng chân trên đảo đều đã tập trung đón đoàn khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Đã lâu, các anh mới có dịp gặp gỡ những người từ đất liền ra thăm đảo.
Sau chừng 1 tiếng gặp gỡ, động viên và trao quà tết của đoàn công tác đến các đơn vị, bữa cơm “cây nhà lá vườn” được các lực lượng dọn lên mời khách với những món ăn quen thuộc trong ngày tết cổ truyền của dân tộc như bánh chưng, bánh tét, thịt kho trứng, cải chua, củ kiệu… nhưng lại ngon đến lạ.
Thượng uý Hoàng Kim Thới- Chính trị viên Trạm ra-đa 595 cho biết, tất cả nguyên liệu đều do đơn vị tăng gia sản xuất. Dù rằng không thể so sánh với đất liền nhưng đó là tình cảm của những người lính dành cho đoàn công tác trong những ngày tết sum vầy.
Thiếu uý Trần Đức Tùng- Phó trạm trưởng Trạm ra-đa 595 cũng cho biết thêm, Xuân Giáp Thìn này là năm thứ 2 anh ăn tết ở đảo. Để đồng đội và chiến sĩ đón tết, Trạm ra-đa đã chuẩn bị rất chu đáo từ trái cây, hoa mai, trang trí, sơn sửa lại đơn vị và nhiều hoạt động khác.
“Tết của chúng tôi cũng không khác mấy ở đất liền, tình đồng chí, đồng đội vui và ấm áp lắm. Chỉ hơi nôn nao vào những ngày trước tết, khi có thủ trưởng và chính quyền đến thăm thôi. Đây thường là dịp để đơn vị tổ chức cho anh em đón tết sớm và sẽ tập trung toàn lực làm nhiệm vụ”- Tùng nói.
Chiến sĩ trẻ Dương Phúc Huy (quê xã Tân Lập, huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) nhập ngũ hồi tháng 2.2023 và năm này ăn tết ở đảo. Ở Trạm ra-đa 595, những lính mới như Huy khá nhiều. Đoàn đến, các em rất vui và cũng không quên hỏi thăm cũng như gửi lời chúc về đất liền.
“Mỗi tuần em được gọi điện về cho cha một lần, nghe cha khoẻ là mừng. Em nói cha đừng lo, con ở đây có đồng đội vui lắm, cười cả ngày mà. Nhiệm vụ nào thủ trưởng giao con cũng hoàn thành hết. Cha ơi, hẹn cha tết năm sau con về ăn tết cùng cha nghen cha”- Huy tâm sự.
“Chúng tôi sẽ luôn giữ vững tay súng với quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao vì chủ quyền thiêng liêng của biển đảo”- Thiếu tá Trần Thanh Sơn- Trạm trưởng Trạm ra-đa 595 khẳng định.
Vũ Nguyệt
(Còn tiếp)