Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cho đến nay hai tỉnh Tây Ninh, Long An cùng là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; cùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế- xã hội đứng hàng đầu hai khu vực Đông - Tây Nam bộ.

Sau ngày giải phóng 30.4.1975, tỉnh Tây Ninh, địa bàn “tự do oanh kích” của ngoại bang xâm lược và bè lũ tay sai, vẫn vẹn nguyên vùng đất quê hương rạng ngời truyền thống cách mạng, nhưng lại có tới hơn 82% số xã (60/73) bị chiến tranh tàn phá gần như trở thành “vùng trắng” đầy hố bom và vết tích lửa đạn. Số xã còn lại là các vùng dân cư bị tạm chiếm.
Toàn tỉnh lúc bấy giờ có hơn 600.000 dân, nhưng đa phần gần như thiếu đói, trong khi đất đai chỉ sản xuất nông nghiệp được một vụ nhờ nước trời mà phần lớn cũng bỏ hoang hoá. Tình trạng khó khăn đến nỗi vị Chủ tịch UBND tỉnh (sau giai đoạn chính quyền quân quản) là ông Đặng Văn Thượng (thường gọi là Sáu Thượng, Đại tá QĐNDVN chuyển ngành) người gốc Đức Hoà, Long An, cùng với cấp phó phụ trách kinh tế của ông đã phải đi xuống miền Tây Nam bộ gặp nhiều vị lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có lãnh đạo Long An để… mượn gạo, đổi lương thực cứu đói cho dân (theo hồi ký Trên nẻo đường quê hương của người lính Bác Hồ Đặng Văn Thượng).
Vậy mà khoảng 10 năm sau, đến thời kỳ đổi mới, năm 1986 sau khi Đảng bộ và Nhân dân Tây Ninh vừa xây dựng hoàn thành cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội trên quê hương mình là đại công trình thuỷ nông Dầu Tiếng - Tây Ninh với diện tích mặt hồ 27.000 ha và hàng ngàn dòng kênh đưa nước tự chảy đến vùng tưới hàng trăm ngàn hec-ta của Tây Ninh và một số vùng ở các tỉnh, thành lân cận, ông Sáu Thượng đang là Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh được Trung ương điều về quê gốc, đảm nhận vị trí Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cải tạo Đồng Tháp Mười - Tứ giác Long Xuyên, thoát lũ ra biển Tây ở địa bàn tỉnh Kiến Tường cũ, nay thuộc tỉnh Long An, để ông phát huy kinh nghiệm vận động phong trào toàn dân ra công trường làm thuỷ lợi ở Tây Ninh.
Ông Đặng Văn Thượng (bìa phải) trong buổi tiếp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng về thăm Tây Ninh. Ảnh tư liệu
Tỉnh Tây Ninh sau 50 năm giải phóng, 40 năm đổi mới đã gặt hái được thành tựu đáng tự hào nhất là từ tỉnh thuần nông nghèo khó đã từng bước đi lên trở thành vùng nông thôn, có thể nói là giàu đẹp với cơ sở hạ tầng 100% hộ dân sử dụng điện cùng với hệ thống giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế phủ khắp tất cả các xã, đặc biệt là tính tới ngày kỷ niệm 50 giải phóng miền Nam tỉnh Tây Ninh tuy chưa giàu nhưng gần như không còn hộ nghèo chuẩn Trung ương, không còn ai bị bỏ lại phía sau trong những căn nhà dột nát, tạm bợ.
Về phía địa phương anh em cùng “uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông”, sau 30.4.1975 tỉnh Long An (đã sáp nhập với tỉnh Kiến Tường và phần lớn tỉnh Hậu Nghĩa) cũng bắt tay vào tái thiết, xây dựng quê hương trong điều kiện như Tây Ninh, phải đối phó với bọn diệt chủng Pon Pot - Ieng Sary gây chiến tranh biên giới, giết hại đồng bào ta ở dọc đường biên.
Sau khi kết thúc chiến tranh biên giới, Tây Ninh và Long An vừa lo khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa tập trung toàn lực xây dựng địa phương vững mạnh, phát triển toàn diện, đồng thời tập trung bảo vệ và xây dựng biên giới hoà bình, ổn định, đoàn kết, hữu nghị, tích cực hỗ trợ các tỉnh láng giềng thuộc vương quốc Campuchia.
Cho đến nay hai tỉnh Tây Ninh, Long An cùng là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; cùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế- xã hội đứng hàng đầu hai khu vực Đông - Tây Nam bộ; có cơ cấu kinh tế tương đồng với các địa phương trực thuộc nằm trong vùng phát triển công nghiệp phía Tây Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng nông nghiệp công nghệ cao và hệ thống 4 cửa khẩu quốc tế, hàng chục cửa khẩu chính phụ dọc hàng trăm km biên giới giàu tiềm năng phát triển thương mại biên mậu; có cùng định hướng phát triển trên đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong thời đại khoa học công nghệ 4.0, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước Việt Nam.
Được biết, trước thềm ngày đại lễ 30.4, hai tỉnh Tây Ninh, Long An đã hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân và tiến hành kỳ họp HĐND tỉnh để thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo đó, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh Tây Ninh mới, hợp nhất từ hai tỉnh Tây Ninh và Long An. Sau sắp xếp, tỉnh Tây Ninh (mới) có diện tích tự nhiên 8.536,5km2 (đạt 170% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số là 3.288.307 người (đạt 234,9%), dự kiến có 96 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (Tây Ninh cũ có 36 xã, Long An cũ có 60 xã). Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Tây Ninh (mới) đặt tại vị trí TP Tân An, tỉnh Long An hiện nay.
Trung tâm thành phố Tân An. Ảnh: Thanh Nga (Báo Long An)
Riêng tại địa bàn đặt trung tâm tỉnh mới này, ngày 27.4.2025 lãnh đạo tỉnh Long An cùng với cấp lãnh đạo, chỉ huy Quân khu 7 vừa tiến hành đặt Bia ghi nhớ chiến công Trung đoàn 174 và quân dân Long An giải phóng thị xã Tân An.
Không phải ngẫu nhiên mà đây thực sự là sự kiện đặc biệt thể hiện sự đoàn kết gắn bó lâu đời không chỉ quân dân Tây Ninh - Long An mà cả với mọi miền Tổ quốc ta. Bởi lẽ đơn vị quân chủ lực từng hy sinh xương máu để giải phóng thị xã Tân An 50 năm trước, nguyên là đơn vị cấp Trung đoàn đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, với danh hiệu gốc là Trung đoàn Cao - Bắc - Lạng thành lập từ năm 1949.
Trong kháng chiến chống Mỹ Trung đoàn 174 đã vào Nam chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 5, đơn vị vững mạnh toàn diện điển hình toàn quân hiện nay.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Trung đoàn 174 phối thuộc Cánh quân Binh đoàn phía Tây Nam là đơn vị trực tiếp phối hợp cùng lực lượng quân dân Long An, giải phóng thị xã Tân An và các khu vực lân cận, dọc đường số 4 (nay là quốc lộ 1).
Sau ngày giải phóng, Trung đoàn 174 hành quân về Tây Ninh, trú đóng tại khu vực Bến Kéo, xã Long Thành (cũ) bên dòng sông Vàm Cỏ Đông, nơi sắp tới sẽ là phường Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh (mới) để truy quét tàn quân chế độ cũ và bọn phản động đội lốt tôn giáo hoạt động chống phá chính quyền quân quản của cách mạng trong những ngày đầu giải phóng.
Sau đó Trung đoàn 174 thực hiện làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi thảm hoạ diệt chủng do bọn Khmer Đỏ Pol Pot - Ieng Sary gây ra.
Thực hiện xong nghĩa vụ cao cả này, Trung đoàn 174 về nước được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ ở lại trực thuộc Bộ CHQS tỉnh. Một điều cũng rất đặc biệt nữa là đơn vị chủ công giải phóng Tây Ninh, mang phiên hiệu từ số tay súng của đơn vị từng lập nên Chiến thắng Tua Hai mở đầu phong trào Đồng khởi trên toàn miền Nam năm 1960: Tiểu đoàn 14 Anh hùng cũng đã được phiên chế vào đội hình Trung đoàn 174 Anh hùng, đơn vị lớn đầu tiên của Quân đội ta, từng đi suốt cuộc trường chinh giải phóng đất nước, từng góp mặt trong những chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu: Chiến thắng Điện Phủ 7.5.1954 và Đại thắng Mùa xuân 30.4.1975.
Hai đơn vị anh hùng, con dân đất Việt đang đứng chân trên đất Tây Ninh, nay sẽ cùng hoà vào nhịp sống kỷ nguyên mới “chung một dòng sông, chung một mái nhà” tại tỉnh Tây Ninh mới.
Nguyễn Tấn Hùng