Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sốt giá bất động sản Tây Ninh - mừng hay lo?
Bài 2: Nguyên nhân giá đất “nóng” bất thường
Thứ sáu: 12:43 ngày 22/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo khảo sát của người viết, thị trường bất động sản Tây Ninh trở nên sôi động bất thường trong khoảng 3 năm trở lại đây dẫn đến tình trạng “sốt” giá đất là do nguyên nhân chủ quan. Tức là nhu cầu về đất ở của người dân không đến mức khiến đất trở nên khan hiếm, làm cho giá thị trường tăng đột biến, bất thường như thời gian gần đây. Rất có thể, “có bàn tay” can thiệp của một số “nhà đầu tư” từ nơi khác đến.

Một ao nước rất lớn ven quốc lộ 22B (đoạn gần cầu Nổi) vừa được san lấp xong.

Khu vực cánh đồng nằm giữa đường Trần Phú và Bời Lời (cánh đồng thuộc khu phố Ninh Phú, phường Ninh Sơn) mặc dù ở sát trung tâm Thành phố nhưng hàng chục năm qua, nơi này vẫn heo hút, đa phần người dân có đời sống khó khăn. Vì cánh đồng rộng khoảng 100 ha này đa phần là đất bạc màu lại nhiễm phèn nên sản xuất nông nghiệp cho năng suất thấp. Ðã vậy, khu vực này không có đường đi. Người dân địa phương phải vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp bằng xe thô sơ do súc vật kéo là chính và tận dụng bờ kênh nhỏ, rất lầy lội vào mùa mưa để đi lại. Chính vì những nguyên nhân này mà cách đây vài năm, đất ở khu vực này đa phần rất rẻ và khó bán.

Thế nhưng, từ năm 2017, một số người liên tục “quần thảo” khu vực này để lùng mua đất. Người dân địa phương ban đầu rất ngạc nhiên, khó hiểu nhưng dần dà, họ biết được thông tin khu vực này sắp được triển khai đầu tư tuyến đường nhựa đi từ đường Bời Lời băng qua cánh đồng vào khu dân cư này. Không lâu sau đó, giá đất lúa từ khoảng 70 triệu đồng/công đã tăng lên gấp đôi và đến năm 2018, mỗi công đất lúa ở đây có giá 300 triệu đồng. Riêng đối với đất “mặt tiền” ven con đường đang được thi công, hiện có một số người rao bán với giá 150 triệu đồng/mét ngang.

Tuy nhiên, dần dà, người ta cũng phần nào nhìn ra nguyên nhân. Trong thực tế, nhu cầu về đất ở của cư dân địa phương (ở các huyện và thành phố Tây Ninh) ngày càng tăng là có. Tốc độ tăng dân số ở Tây Ninh hằng năm không phải là nguyên nhân khiến đất ở trở nên khan hiếm. Những năm gần đây, Tây Ninh cũng không có tình trạng gia tăng bất thường lượng dân nhập cư vào tỉnh.

Tỉnh cũng không có tình trạng dân cư vùng nông thôn đổ xô ồ ạt về khu vực thị tứ để lao động, định cư. Và nếu đánh giá khách quan, cho đến thời điểm hiện tại, Tây Ninh cũng chưa có dự án kinh tế - xã hội nào có tác động quá lớn một cách “tự nhiên” đến thị trường bất động sản như đã và đang diễn ra. Vậy thì nguyên nhân gì khiến cho giá đất trở nên “nóng kỷ lục”? Liệu có yếu tố đầu cơ khiến cho giá đất được thổi phồng?

Trong quá trình tìm hiểu thực tế hoạt động mua bán nhà đất trên địa bàn thành phố Tây Ninh và một số địa phương trong tỉnh, người viết được biết, từ khoảng 3 năm qua, có một số “nhà đầu tư bất động sản” từ thành phố Hồ Chí Minh lên Tây Ninh mua gom đất ở một số khu vực tại Trảng Bàng, Khu công nghiệp Phước Ðông (Gò Dầu), khu vực các xã Trường Tây, Trường Ðông, Hiệp Tân (huyện Hoà Thành), khu vực thành phố Tây Ninh. Những người này thường đi theo nhóm bằng ô tô mang biển số thành phố Hồ Chí Minh.

Ban đầu, họ mua đất với giá cao hơn giá thị trường tại địa phương và mua với số lượng nhiều. Sau đó, họ kết hợp với một số nhà đầu tư bất động sản tại địa phương và đội ngũ chân rết “cò, lái” toả đi lùng đất thu mua theo từng vùng, hết vùng này đến vùng khác, nhất là các khu vực có các dự án giao thông, các dự án phát triển kinh tế, thương mại, đô thị, dịch vụ, du lịch...

Sau đó, họ bắt đầu “sang tay” cho các nhà đầu tư bất động sản tại địa phương với giá hời. Và cứ như thế, đất được mua bán liên tục qua nhiều người. “Có những miếng đất liên tục được chuyển nhượng cho nhiều người chỉ trong vài tháng. Nhiều người kinh doanh chỉ cần đặt cọc thì vài hôm sau đã sang tay cho người khác kiếm lời kha khá rồi. Cứ như vậy mà giá đất ngày càng được đẩy lên cao”. Ðây chính là những nguyên nhân “thổi bùng ngọn lửa” làm nóng thị trường nhà đất Tây Ninh những năm gần đây.

Một phần ao nước vừa được san lấp đang rao cho thuê.

Ở khu vực trung tâm Thành phố, dự án tổ hợp trung tâm thương mại Vincom Plaza, khách sạn 5 sao và khu nhà phố thương mại Vincom Shophouse Tây Ninh đã trở thành “bửu bối” của những người kinh doanh bất động sản. “Khi làm việc với chúng tôi về mục tiêu, kế hoạch liên kết để đầu cơ đất đai, các nhà đầu tư ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm tại nhiều thị trường ở các đô thị lớn, một khi dự án trung tâm thương mại Vincom Plaza, khách sạn 5 sao và khu nhà phố thương mại Vincom Shophouse Tây Ninh đi vào hoạt động, trung tâm thành phố Tây Ninh sẽ trở nên cực kỳ sôi động.

Ðây chính là tiền đề để thị trường bất động sản Tây Ninh khởi sắc. Do đó, việc nắm bắt cơ hội đầu tư bất động sản từ dự án này là hoàn toàn có cơ sở. Và thực tế, hầu hết những người đầu tư bất động sản những năm gần đây đều phất lên như diều gặp gió”, một nhà đầu tư bất động sản ở thành phố Tây Ninh cho biết.

Sự sôi động trên thị trường bất động sản “ăn theo” dự án của Tập đoàn Vingroup tại Tây Ninh chưa kịp lắng xuống thì lại có "tin đồn" về một tập đoàn kinh tế khác có tầm vóc không thua kém Vingroup vào đầu tư dự án hạ tầng du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng “cực lớn” trên địa bàn Thành phố - đã một lần nữa làm cho thị trường bất động sản trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết. Lúc này, trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực trung tâm Thành phố hình thành một nhóm “đại gia” kinh doanh nhà đất, hoạt động độc lập và cạnh tranh quyết liệt với những nhà đầu tư từ nơi khác đến.

Chưa bao giờ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh lại có một lực lượng cò, lái tham gia vào thị trường bất động sản “khủng khiếp” và hoạt động ráo riết “không biết mệt mỏi” như từ năm 2017 đến nay. Bên cạnh các “đại gia” có tên tuổi nhưng lại khá kín tiếng, hoạt động mua bán bất động sản một cách thầm lặng thì đội ngũ cò và lái đất hạng “bình dân” đông như rươi và khá bát nháo. Nếu như các “đại gia” chủ động nắm thông tin về đất đai thông qua các mối quan hệ và một số chân rết thì đội ngũ cò, lái liên kết thành từng nhóm trực tiếp đi lùng sục kiếm nhà đất tận hang cùng ngõ hẻm.

Ðồng thời, mạng xã hội trở thành “sàn giao dịch” bất động sản vô cùng hiệu quả nhưng đầy thị phi và không ai kiểm soát. Một miếng đất nhưng có nhiều người cùng rao bán với giá khác nhau và ai cũng xưng là “chính chủ”! Bây giờ, cò, lái đất gồm đủ mọi thành phần, mọi giới, trong đó có nhiều người là công chức, viên chức.

Cũng từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2018, tại một số phòng công chứng trên địa bàn Thành phố, từ sáng sớm đến cuối chiều luôn đông nghìn nghịt người đến chứng thực giấy tờ liên quan đến thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng nhà đất. Và theo một nhân viên làm việc tại một phòng công chứng thì “quanh đi quẩn lại đa phần là những người đầu tư kinh doanh đất đai”. 
Phần lớn họ là những “đại gia” có tên tuổi ở Tây Ninh, sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Họ mạnh về vốn, nhạy bén về thông tin nên nhanh chóng nắm bắt cơ hội kiếm nhiều tiền một cách nhanh chóng nhất, nhàn nhã nhất từ bất động sản. Còn người dân thực sự có nhu cầu mua bán đất ở chỉ chiếm một phần nhỏ trong số những người tham gia mua bán đất vài năm trở lại đây.

ÐÌNH CHUNG

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục