Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đến ngày hẹn, người dân liên hệ nhận sổ đỏ thì được trả lời “theo quy định mới thì không giải quyết được” và trả hồ sơ. Lúc này, cả bên mua và bên bán đều “mếu”. Bởi số tiền bán đất được, bên bán đã trả nợ nần, sửa sang nhà cửa hết.
Đơn phản ánh của ông Út.
Theo phản ánh từ Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh các huyện, thành phố, Quyết định số 15/QĐ-UBND của UBND tỉnh vừa được ban hành đã gây nhiều tranh cãi trong các cơ quan, đơn vị có liên quan khi thực thi quyết định này. Ghi nhận của người viết, người dân đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến việc tách thửa, chuyển mục đích sử dụng, thừa kế đất đai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nguyên nhân là nhiều nội dung trong Quyết định số 15 chưa phù hợp thực tế, gây phát sinh nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, làm mất thêm thời gian và chi phí của người dân, tạo thêm áp lực công việc cho những người thực thi.
Nhiều quy định chưa phù hợp thực tế
Theo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh- Chi nhánh TP. Tây Ninh, trong quá trình thực hiện Quyết định số 15/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trên địa bàn Thành phố gặp vướng mắc nhiều nhất là việc tách thửa đất có diện tích lớn hơn 500m2, phù hợp quy hoạch đất ở hiện hầu hết đều chưa thực hiện được. Theo quy định, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp đã được quy hoạch sử dụng đất là đất ở có diện tích 500m2 trở lên thì khi tách thửa đều phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể. Trong thực tế, nhiều người dân chỉ tách cho con 1 thửa hay cho thừa kế cho nhiều người con đều phải thêm bước lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể, gây mất thời gian không cần thiết.
Bên cạnh đó, Quyết định số 15/QĐ-UBND gây khó khăn cho nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của người dân. Ví dụ như, một người dân có thửa đất giáp đường 10m, chiều ngang 4m, dài 50m, là đất lúa phù hợp quy hoạch đất ở nên xin chuyển lên thổ cư 100m2 (4x25). Trường hợp này, theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 5 Quyết định số 15, thửa đất trên sẽ được tách thành 2 thửa: thửa xin chuyển mục đích 100m2 (giáp đường) và thửa còn lại (100m2) không giáp đường. Việc tách thửa này lại không đúng theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 4 cũng tại Quyết định số 15 (các thửa đất sau khi tách thửa tiếp giáp với đường giao thông hiện trạng được thể hiện trên bản đồ địa chính thì được tách thửa). Như vậy, khi người dân chuyển mục đích một phần thửa đất thì phải thực hiện thêm việc đo đạc tách thửa, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, làm mất nhiều thời gian và tốn thêm chi phí.
Văn phòng Đăng ký đất đai- Chi nhánh huyện Dương Minh Châu cho biết, huyện cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 15. Chẳng hạn như việc tách thửa đối với đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp đã được quy hoạch sử dụng đất là đất ở để xây dựng nhà ở, đối với thửa đất có diện tích từ 500m2 đến 2.000m2, trước khi thực hiện tách thửa đất, người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, người dân chưa biết lập bảng vẽ thiết kế như thế nào và thiết kế những gì… Chi nhánh hiện đang vướng vấn đề này và đang chờ hướng dẫn để hướng dẫn cho người dân cụ thể. Đây cũng là một vấn đề cần được các cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng nghiên cứu lại nhằm giảm khó khăn cho người dân. Bởi thực tế ở tỉnh có rất nhiều hộ dân có đất rất dài, một thửa đất có thể dài đến mấy trăm mét, nên diện tích lớn hơn 500m2 rất nhiều.
Vừa qua, Văn phòng Đăng ký đất đai- Chi nhánh huyện Dương Minh Châu đã có văn bản kiến nghị UBND huyện, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng sớm có văn bản thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng theo quy định tại khoản 3, Điều 10 Quyết định số 15/QĐ-UBND. Cụ thể, hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện các thủ tục lập dự án nhà ở theo quy định; hướng dẫn cấp huyện phê duyệt bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể, các yêu cầu về điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nghiệm thu hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các yêu cầu quản lý về kiến trúc, xây dựng đối với trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu; hướng dẫn việc cấp phép xây dựng và kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng theo quy định.
Cũng theo Văn phòng Đăng ký đất đai- Chi nhánh huyện Dương Minh Châu, hiện nay, đối với những trường hợp người dân yêu cầu tách thửa sau ngày 6.5.2019 (ngày Quyết định số 15 có hiệu lực), với những trường hợp tách thửa đủ điều kiện thì Văn phòng vẫn tiếp nhận xử lý; còn đối với những trường hợp phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể thì Chi nhánh phải tạm ngưng để chờ hướng dẫn.
Nhiều vấn đề phát sinh
Một vấn đề khác mà trong quá trình thực thi Quyết định số 15 của UBND tỉnh đã nảy sinh, khiến hàng ngàn người dân “dở khóc dở cười”. Đó là rất nhiều trường hợp chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, thừa kế đã thực hiện xong các thủ tục nộp về Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thành phố, chờ ngày nhận “sổ đỏ”. Thế nhưng, khi Quyết định số 15 được ban hành và có hiệu lực, Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thành phố đã có cách xử lý khác nhau. Có địa phương vận dụng quan điểm “do hồ sơ chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, thừa kế đã được thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định trước khi Quyết định số 15 có hiệu lực nên vẫn phải cấp sổ đỏ cho người dân”. Địa phương nào vận dụng quan điểm xử lý như trên thì người dân rất mừng.
Ngược lại, nhiều địa phương vận dụng quan điểm “chờ hướng dẫn ở trên” thì người dân khổ sở, bởi nhiều nhu cầu thiết thực của họ liên quan đến đất đai đã bị “chặn đứng”. Nhiều trường hợp phát sinh vấn đề pháp lý “chưa từng có tiền lệ”. Cụ thể như trường hợp một hộ nghèo ở huyện biên giới chuyển nhượng một phần đất và cho con trai thừa kế một phần (có đất ở). Mọi thủ tục giấy tờ liên quan đến việc chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, thừa kế đều được thực hiện xong. Hồ sơ được nộp về Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện.
Đến ngày hẹn, người dân liên hệ nhận sổ đỏ thì được trả lời “theo quy định mới thì không giải quyết được” và trả hồ sơ. Lúc này, cả bên mua và bên bán đều “mếu”. Bởi số tiền bán đất được, bên bán đã trả nợ nần, sửa sang nhà cửa hết. Còn bên mua dù không làm gì trái quy định của pháp luật nhưng lại không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất vừa mua. Hai bên phát sinh mâu thuẫn tranh chấp và nếu không được giải quyết thoả đáng sẽ nảy sinh vấn đề phức tạp. Chỉ riêng ở huyện này đã có hơn 500 hồ sơ hợp lệ nhưng bị Văn phòng Đăng ký đất đai trả về vì “vướng quy định mới”.
Hay như một trường hợp ở xã Trí Bình (huyện Châu Thành). Ông Nguyễn Văn Út (sinh năm 1947) có 8 người con nhưng chỉ có phần đất diện tích chưa đầy 4.500m2 tại ấp Xóm Ruộng. Nay do tuổi cao sức yếu, ông có nguyện vọng tách cho các con mỗi người một thửa. Khi ông hoàn tất hồ sơ cho tặng đất thì Văn phòng Đăng ký đất đai - chi nhánh huyện Châu Thành trả lời cho biết không thể giải quyết trường hợp này do vướng Quyết định số 15 của UBND tỉnh.
Bản trích đo chỉnh lý bản đồ địa chính các thửa đất của ông Út.
Ông Út buồn bã gửi đơn phản ánh nguyện vọng được tách thửa đất chia cho các con đến chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan. “Đây không phải trường hợp cá biệt mà đang và sẽ xảy ra rất nhiều trong thời gian tới. Chính quyền địa phương cũng rất áy náy khi nguyện vọng chính đáng của người dân không được đáp ứng. Tuy nhiên, đây là quy định của UBND tỉnh nên không thể làm trái”- một cán bộ UBND xã Trí Bình nói.
“Một số quy định về tách thửa đất trong Quyết định số 15 tạo ra nhiều vấn đề bất cập mà nếu không sớm tháo gỡ sẽ gây ra những xáo trộn bất lợi cho cả người dân lẫn chính quyền. Đồng thời, có những quy định trong quyết định này trực tiếp hoặc gián tiếp gây khó khăn cho toà án trong các vụ, việc có liên quan đến tranh chấp, thừa kế đất đai...”- cán bộ UBND một huyện cho biết.
ĐÌNH CHUNG - THIÊN TÂM - THUÝ HẰNG
(còn tiếp)