BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thanh niên thời đại 4.0

Bài 2: Những thanh niên thời đại 4.0 

Cập nhật ngày: 12/08/2023 - 21:37

BTNO - Tại Tây Ninh, với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, nhiều thanh niên bằng nghị lực, đam mê đã dựa vào những điều kiện thực tế của địa phương, nỗ lực đưa khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất để vươn tới thành công.

Anh Nguyễn Hữu Ý giới thiệu sản phẩm và quy trình sản xuất của công ty

“Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tuổi trẻ cả nước đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ cha anh, bắt nhịp nhanh với điều kiện mới, có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xung kích, sáng tạo, sẵn sàng có mặt ở mọi nơi khó khăn, gian khổ và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới”- đó là phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thanh niên Việt Nam tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Tại Tây Ninh, với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, nhiều thanh niên bằng nghị lực, đam mê đã dựa vào những điều kiện thực tế của địa phương, nỗ lực đưa khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất để vươn tới thành công.

Quyết làm giàu trên mảnh đất quê hương 

Khi phong trào khởi nghiệp trở thành “ngọn đèn” soi đường cho các bạn trẻ, thì ý chí, quyết tâm và tinh thần dám nghĩ, dám làm đã giúp cho nhiều thanh niên chạm tay đến thành công. Họ không những trở thành triệu phú với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mà còn là động lực cho nhiều thanh niên khác tự tin vươn lên phát triển kinh tế.

Anh Võ Nguyên Vũ, ngụ ấp Tân Định 1, xã Suối Đá, Huyện Dương Minh Châu là một trong những thanh niên “bỏ phố về quê” khởi nghiệp thành công trên mảnh đất quê hương. Năm 2019, khi cây dầu tằm còn khá mới mẻ trên đất Tây Ninh bởi nhiều người cho rằng loại cây này không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của Tây Ninh cũng như không mang lại hiệu quả kinh tế cao, thì anh Vũ đã quyết tâm khởi nghiệp với loại cây này.

Anh Vũ tâm sự: Khi đi làm, tôi luôn trăn trở mình phải làm gì để phát triển quê hương, phát triển mãnh đất cha ông mình đã nằm xuống để gìn giữ. Sau một thời gian nghiên cứu, năm 2019 tôi bắt đầu trồng những cây dâu đầu tiên trên đất của gia đình. Khi dâu cho trái, tôi lại tìm tòi để cây cho trái trái vụ, đồng thời chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau để cung ứng ra thị trường.

Để có những trái dâu tươi ngon, chế biến thành những sản phẩm an toàn đưa đến tay người tiêu dùng, anh Vũ đã lựa chọn phát triển mô hình trồng dâu theo hướng hữu cơ, sử dụng các phụ phẩm như: rau, củ, quả, thức ăn thừa để ủ thành phân bón cho vườn dâu. Nhờ vậy, vườn dâu luôn xanh tốt, cho trái quanh năm. Song song đó, anh ứng dụng công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất mật dâu tằm, rượu dâu tằm…

“Tôi đang rất hạnh phúc khi có thể mang lại một sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, cải tạo đất một cách tự nhiên. Trong thời gian tới, tôi sẽ set up quy trình sản xuất hữu cơ tuần hoàn một cách bài bản hơn, cũng như sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để các thanh niên trẻ quan tâm đến mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất” - anh Vũ chia sẻ.

Anh Nguyễn Hữu Ý, xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành, kỹ sư ngành điện, có công việc ổn định, nhưng với khát vọng khởi nghiệp, năm 2018 anh Ý nghỉ việc để phát triển cơ sở rượu của gia đình. Với kiến ​​thức và tư duy của tuổi trẻ, khi bắt tay vào khởi nghiệp, anh Ý đã thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất rượu truyền thống của gia đình, thay vào đó là đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất.

Anh Ý chia sẻ: “Tôi đưa thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất từ máy nấu cơm, máy nấu rượu, hệ thống chưng cất, hệ thống lọc nước, hệ thống lọc Andehit, tách Methanol. Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất giúp tôi khép kín quy trình, sản xuất sạch và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Sắp tới chúng tôi hướng tới một số công nghệ mới hơn để nâng cao quy trình sản xuất, nâng cao quy mô sản xuất để đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm tốt hơn nữa”.

Vườn dâu tằm của anh Võ Nguyên Vũ được trồng hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ.

Dù mới ra đời nhưng thương hiệu  rượu Hữu Ý đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của anh Ý sản xuất khoảng 500 lít rượu để cung cấp cho thị trường. Hiện nay, anh Ý đã đăng ký 4 sản phẩm OCOP để khẳng định lại chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín của rượu Hữu Ý. Đồng thời đưa sản phẩm đến với nhiều người hơn.

Vừa qua anh Ý được vinh danh là một trong 81 gương mặt doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp

Lập nghiệp, khởi nghiệp góp phần kiến thiết đất nước là một trong những sứ mệnh quan trọng của thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Việc đồng hành, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của tổ chức Đoàn.

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm lan toả phong trào lập nghiệp, khởi nghiệp trong thanh niên, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp với các ngành tổ chức nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp... Từ năm 2017 đến nay, Tỉnh đoàn Tây Ninh triển khai các chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với số vốn hơn 3 tỷ đồng, nguồn vốn hỗ trợ sẽ được thu hồi sau 3 năm, không lãi suất. 

Anh Lê Anh Ngữ- Phó Bí thư Thị đoàn Hoà Thành cho biết, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, thanh niên đã nỗ lực không ngừng để có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực. Những mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng kinh tế xã hội tại địa phương như mô hình sản xuất bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên, rượu Hữu Ý…

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, nhiều thanh nên khi khởi nghiệp thành công đã giúp các bạn trẻ định hướng nghề nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các bạn trẻ khác, cũng như tích cực tham gia vào công tác an sinh xã hội của địa phương.

Cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Đặng Khánh Duy.

Đơn cử như anh Đặng Khánh Duy- Phó Chủ nhiệm mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên, năm 2018 khởi nghiệp với sản phẩm bánh tráng siêu mỏng. Với việc sản xuất trong dây chuyền hiện đại, khép kín từ khâu làm bột đến tráng bánh, sấy bánh, nguyên liệu sạch, không hoá chất tẩy trắng, không chất bảo quản… sản phẩm đã nhanh chóng nhận được sự tin tưởng của nhiều người tiêu dùng.

Chỉ sau 5 năm hình thành và phát triển, Công ty TNHH Tân Nhiên đã sở hữu 5 dây chuyền sản xuất hiện đại trên diện tích nhà xưởng hơn 5.000m2, doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Trong đó, dòng sản phẩm chủ lực là bánh tráng siêu mỏng không nhúng nước, đây cũng là sản phẩm duy nhất của tỉnh Tây Ninh được đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao.

“Để  thành công trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện  nay, khởi nghiệp cần gắn với đổi mới sáng tạo với 3 nền tảng chính bao gồm: sáng kiến, công nghệ và tài sản trí tuệ. Trong đó, mỗi thanh niên phải chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước và các đoàn thể để nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập, phát triển, chuẩn hoá sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường trong nước và quốc tế.

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ thanh niên vượt qua những thách thức đó để khởi nghiệp, phát triển đất nước trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”– anh Duy chia sẻ.

Vũ Nguyệt

(Còn tiếp)

Tin liên quan
  • Bài 1: Dấu ấn nơi biên viễn 

    Bài 1: Dấu ấn nơi biên viễn

    Phát huy sức trẻ, tinh thần sáng tạo, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Tây Ninh đã và đang khẳng định vai trò lực lượng xung kích trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0), góp phần xây dựng kinh tế xã hội của địa phương.