Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Để “du lịch Tây Ninh có tên trên bản đồ Việt Nam”
Bài 2: Tạo thương hiệu và sức lan toả
Thứ tư: 07:20 ngày 18/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để ngành du lịch thật sự có bước chuyển mình, Tây Ninh còn rất nhiều việc phải làm như tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, sáng tạo sản phẩm, đào tạo nhân lực.

Du khách đến Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 9.12.2022 của Tỉnh uỷ Tây Ninh về phương hướng nhiệm vụ năm 2023 nêu rõ yêu cầu: “Triển khai hiệu quả chương trình liên kết du lịch khu vực Đông Nam Bộ và các địa phương trong cả nước, định hướng thu hút du khách quốc tế; chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới; có kế hoạch xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Tây Ninh đặc sắc, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch địa phương, hình thành hệ sinh thái du lịch văn minh, lịch sự, chuyên nghiệp”.

Bản đồ du lịch gọi tên

Phát triển du lịch ở Tây Ninh là một câu chuyện dài. Suốt thời gian dài, cả cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cũng như du khách đều cho rằng du lịch Tây Ninh phần lớn vẫn ở dạng tiềm năng.

Quan sát có thể thấy, mọi báo cáo, đánh giá của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương về du lịch của tỉnh hầu như chỉ xoay quanh núi Bà Đen. Du lịch Tây Ninh hiện thiếu các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng (ngoài ẩm thực).

Cuối tháng 7.2017 (thời điểm đó chưa có dịch bệnh Covid- 19), UBND tỉnh tổ chức cuộc hội thảo quốc tế về du lịch với chủ đề: “Du lịch Tây Ninh - tiềm năng - lợi thế - cơ hội phát triển”.

Đây có lẽ là cuộc hội thảo quy mô lớn nhất ở Tây Ninh từ trước đến nay về du lịch. Tại thời điểm đó (và cho đến nay cơ bản vẫn đúng), các chuyên gia, nhà quản lý về du lịch thống nhất rằng: Tây Ninh thật sự có tiềm năng về du lịch, nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực là cả một câu chuyện dài.

Theo phân tích của giới chuyên gia, nhà quản lý về văn hoá, du lịch, Tây Ninh hội đủ điều kiện để trở thành điểm lan toả kết nối phát triển du lịch cả trong khu vực và quốc tế. Đối với nội vùng và liên vùng, có thể kết nối Khu du lịch hồ Dầu Tiếng với Khu du lịch Ma Thiên Lãnh - núi Bà Đen và tham quan cửa khẩu Phước Tân thuộc huyện Châu Thành hoặc cửa khẩu Xa Mát với Trung ương Cục miền Nam.

Hoặc, có thể hình thành các tuyến du lịch kết nối tỉnh Tây Ninh với một số khu du lịch của tỉnh Bình Dương như núi Cậu và Khu du lịch Đại Nam. Một hướng khác, phát triển TP. Tây Ninh thành điểm đến du lịch lan toả sang các hướng tuyến khác nhau: TP. Tây Ninh - núi Bà Đen với điểm dừng chân là Toà Thánh Cao Đài; TP. Tây Ninh - hồ Dầu Tiếng; TP. Tây Ninh - khu du lịch Ma Thiên Lãnh - núi Bà Đen; TP. Tây Ninh - cửa khẩu Xa Mát; TP. Tây Ninh - cửa khẩu Mộc Bài.

Đối với các tuyến du lịch kết nối quốc tế, Tây Ninh có thể phát triển tuyến du lịch quốc tế bằng đường bộ kết nối từ Campuchia qua hai cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát. Đây là hai tuyến đường bộ chiến lược có vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch Campuchia cũng như du khách từ các quốc gia khác đến Campuchia có nhu cầu tham quan du lịch tại Việt Nam.

Trên cơ sở này, Tây Ninh hoàn toàn có thể thu hút khách du lịch từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Myanma. Ngoài các tuyến du lịch bằng đường bộ, không thể không kể đến tiềm năng du lịch từ hệ thống đường thuỷ ở sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và khu vực bên trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Một yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến khả năng thu hút du khách là sản phẩm du lịch. Hiện nay, sản phẩm du lịch của Tây Ninh không còn đơn điệu nhưng cũng chưa phải đã phong phú. Mặc dù Tây Ninh có khả năng hình thành các tuyến, tour du lịch mang tính kết nối trong khu vực và quốc tế, nhưng hiện nay, các tour này cũng chưa quá phổ biến trên thực tế.

Do thời gian lưu trú của khách không đủ dài để trải nghiệm. Đa số khách chỉ “đi qua” mà chưa “đi vào”, nghĩa là chưa tham gia khám phá sâu tại các điểm đến. Theo khuyến cáo, Tây Ninh cần chuẩn bị các dòng sản phẩm ưu tiên phù hợp với nhu cầu của thị trường cùng với hệ thống dịch vụ đi kèm tương ứng.

Trước mắt, các sản phẩm cần được phát triển theo thứ tự ưu tiên, gồm có: sản phẩm văn hoá du lịch tâm linh, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, sản phẩm du lịch mang tính thương mại và sản phẩm mang tính vui chơi, giải trí, khám phá.

Còn nhiều việc phải làm

Để du lịch Tây Ninh phát triển đúng tiềm năng, bắt nhịp đúng nhu cầu của khách hàng, đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp, cần đầu tư đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực xúc tiến du lịch.

Đội ngũ này phải giỏi ngoại ngữ, tinh thông nghiệp vụ, nhạy bén trong việc khai thác, phân tích thị trường du lịch. Trong lần tham gia hội thảo về du lịch tại Tây Ninh, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (chuyên gia về chính sách công) đánh giá, trong các lựa chọn và cơ hội tiềm năng thì du lịch dường như là nổi trội hơn cả.

Do vậy, Tây Ninh cần thành lập một cơ quan hay một nhóm hành động để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tiến sĩ Du cũng khuyến cáo, đội ngũ làm du lịch phải thật giỏi tiếng Anh, vì ngôn ngữ này đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch.

Du lịch gắn liền với văn hoá, do vậy cần có góc văn hoá trên từng góc phố dành cho các tiền nhân văn hoá, những người yêu nước, người có công với quá trình phát triển của tỉnh nhà. Xem văn hoá, lịch sử và tâm linh, sinh thái là trải nghiệm cho du khách xuyên suốt trong thời gian lưu trú tại Tây Ninh để kéo dài ngày lưu trú và nâng cao chi tiêu của du khách là hai mục tiêu quan trọng để phát triển du lịch Tây Ninh.

Các chuyên gia về văn hoá và du lịch bình luận và kèm theo cảnh báo, Tây Ninh chọn hướng phát triển du lịch là đúng nhưng không nên vội vã chạy theo tốc độ tăng trưởng hoặc thiên về số lượng mà cần coi trọng chất lượng tăng trưởng.

Nói cách khác, phải thay đổi tư duy phát triển du lịch. Hướng đi này được cụ thể hoá theo tinh thần phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hoá dân tộc và tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia phát triển du lịch.

Các nhiệm vụ chính mà Tây Ninh cần làm là tập trung đầu tư các khu vực trọng điểm để tạo thương hiệu và sức lan toả, không nên đầu tư dàn trải. Các địa điểm Tây Ninh nên ưu tiên đầu tư là Lò Gò - Xa Mát (du lịch sinh thái); Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí); TP. Tây Ninh (lưu trú, vui chơi, giải trí, mua sắm); hồ Dầu Tiếng (vui chơi giải trí, sinh thái nghỉ dưỡng); Mộc Bài (mua sắm, caravan). Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen hiện nay đã thành hạt nhân phát triển du lịch (điểm nhấn về du lịch).

Có thể thấy, để ngành du lịch thật sự có bước chuyển mình, Tây Ninh còn rất nhiều việc phải làm như tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, sáng tạo sản phẩm, đào tạo nhân lực.

Là một hoạt động kinh tế gắn liền với văn hoá, một cá nhân hay một cộng đồng làm du lịch cần thể hiện sự thân thiện, mến khách theo phương châm “mỗi người dân phải là một đại sứ về du lịch”.

“Tiềm năng du lịch Tây Ninh là giàu có, phong phú, địa lý thuận lợi, sản phẩm rất cụ thể. Vấn đề còn lại là sự thống nhất đoàn kết, quyết tâm của lãnh đạo các cấp, của cộng đồng.

Làm được như vậy, Tây Ninh sẽ có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực”- ông Nguyễn Hữu Thọ- chuyên gia nổi tiếng về du lịch phát biểu trong lần hội thảo ở Tây Ninh năm 2017. Thực tế chứng minh, 5 năm sau lời phát biểu trên, du lịch Tây Ninh đã và đang “có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam”.

Năm 2022, ngành du lịch phát triển ấn tượng, tăng cao cả về doanh thu và lượng khách tham quan; tổng doanh thu tăng 130% đạt 1.400 tỷ đồng và lượng khách du lịch tăng 200%, đạt 4,5 triệu lượt khách. Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành 1 trong 5 điểm đến hấp dẫn hàng đầu và thu hút lượng khách du lịch đông nhất cả nước.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục