Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giá trị vĩnh cửu của hoà bình

Bài 2: Tiếng vọng từ quá khứ 

Cập nhật ngày: 12/04/2021 - 00:01

BTN - Sau khi tìm hiểu về người Việt Nam, một viên trung tá sinh ra trong gia đình có truyền thống binh nghiệp nhiều đời mới thấm thía câu nói của viên tướng Mỹ nổi tiếng trong chiến tranh thế giới thứ II George Patton: “Ðánh nhau bằng vũ khí, chiến thắng bằng con người!”.

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp Robert McNamara- cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại nhà khách Bộ Quốc phòng (Hà Nội) ngày 9.11.1995

 “Tôi từng đến nhiều bang của nước Mỹ. Người dân Mỹ nào cũng muốn có hoà bình, tôi chẳng gặp một ai mong muốn rằng con em họ đi đến một nơi nào đó ở tít chân trời để mà chết. Còn hoàn cảnh vì sao họ phải đi thì đó là một câu chuyện khác. Chuyện của dân tộc khác để họ tự giải quyết, anh nhảy vào chỉ có nhận lấy sự thất bại”- nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu như trên trong một bộ phim tài liệu có tên gọi “Tiếng vọng từ quá khứ” của VTV4, hồi năm 2015.

Trong bộ phim tài liệu này có trích đoạn một phân cảnh ngắn trong bộ phim “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” do Nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thuỷ làm đạo diễn. Trong phim, cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam kể, khi mới lớn, anh được giảng dạy rằng, đến Việt Nam để làm điều tốt.

Nhưng khi đến nơi, anh mới nhận ra rằng, chính phủ Mỹ và chính phủ một số nước khác, trong đó có nước Úc đã lừa dối thanh niên Mỹ, thanh niên Úc. Một cựu binh khác nói, anh đã bị lừa khi tham gia vào cuộc chiến tranh ở một đất nước xa xôi. Chiến tranh kết thúc, cựu binh này luôn cảm thấy bị giằng xé vì cuộc chiến phi nghĩa của chính phủ Mỹ.

Trong cuốn sách có nhan đề “Một thời lầm lỗi”, nhà văn Lê Lựu, tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng “Thời xa vắng” chỉ rõ, lịch sử của cuộc khởi nghĩa nông dân Mỹ là bài học về tận cùng nỗi đau của chiến tranh.

Tượng đài của người nông dân Mỹ tay cày tay súng như một lời răn của lịch sử. Nhà văn Lê Lựu chỉ ra, chính một triết gia người Mỹ đã nói, người không nhớ quá khứ chắc chắn sẽ tái phạm lỗi lầm. Nhưng chính phủ Mỹ đã không làm theo lời răn của triết gia kia mà phát động cuộc chiến tranh Việt Nam ở thế kỷ XX.

Nhà văn Chu Lai, một cựu đặc công của QÐNDVN tái khẳng định một chân lý giản dị: “Họ cho đi bạo lực thì họ sẽ nhận về bạo lực, gieo gió gặt bão”. Trong cuộc đời, ai cũng muốn sống, muốn lập cho mình một thành tích, một kỷ lục nào đó.

Nhưng chắc chắn không ai muốn lập cho mình một kết quả đau thương. Mẹ Thứ ở huyện Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã lập nên kỷ lục đau thương nhất hành tinh. Mười một người con của mẹ ra đi đều không trở về. Không người mẹ nào chịu mất ngón tay của đứa con để đổi lấy một danh hiệu.

Trong bộ phim tài liệu, một người dân tộc thiểu số làm nghề nông ở Quảng Nam, nói tiếng Việt chưa sõi nhưng đã sáng chế nhiều loại vũ khí diệt giặc, như lời ông nói, đất nước này (Việt Nam) không muốn chiến tranh với bất kỳ ai. “Mình đang sống tự nhiên, họ vào đánh mình, xâm chiếm thì mình phải đánh lại thôi”- người đàn ông dân tộc thiểu số, sau đó được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang đã nói như vậy.

Trong phim có đoạn trích dẫn lời của một thanh niên Mỹ. “Nhập ngũ thì cũng được thôi, nhưng tôi không muốn chết trên cánh đồng lúa của Việt Nam”- người lính phản chiến cho biết. Trong cuốn hồi ký “Why Vietnam: Prelude to America's Albatross" (Tại sao Việt Nam: Khúc dạo đầu chim hải âu của nước Mỹ) - Archimedes L.A. Patti, cựu sĩ quan tình báo Mỹ viết: “Nước Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội từng là đồng minh với nguyện vọng độc lập của người Việt Nam.

Ðó cũng chính là nguồn gốc của toàn bộ những thất bại sau này”. Trong chuyến thăm Việt Nam trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Obama phát biểu: “Tự thân chiến tranh chẳng hề vinh quang chút nào.

Chúng ta chán ghét chiến tranh”. “Chúng tôi cũng từng chiến đấu để thống nhất xứ sở. Nhưng chúng tôi không làm được. Anh em ở phía bên kia đã làm được điều đó. Bây giờ đất nước thống nhất rồi, đó là lịch sử. Suốt ngày cứ phục quốc phục quốc, nước Việt Nam có mất cho Tây, cho Tàu đâu mà phục quốc.

Nếu họ (những người chống cộng) thật lòng yêu nước thì hãy biết im lặng mà suy nghĩ”- lời của cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Cao Kỳ nói trong phim và sau này ông còn phát biểu công khai trên VTV1, VTV4. Phát biểu trong bộ phim, ông Vũ Hắc Bồng, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh đúc kết: “Cái giá của hoà bình đắt lắm. Nhưng giá của hoà bình là vĩnh cửu”.

“Người Mỹ đã nhận thức đúng về sai lầm của họ ở Việt Nam” - là tên một bài viết xuất hiện trên mạng xã hội, ngày 20.3.2021. Bài viết trích dẫn nhiều ý kiến, nhận định, bình luận của báo chí, tướng lĩnh Mỹ về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà chính phủ của họ gieo rắc trên mảnh đất hình chữ S. 

Neil Sheehan- nhà báo Mỹ, một trong những người phanh phui tài liệu mật Lầu Năm Góc ra trước công luận năm 1971, nhận định: “Sau những năm dài tìm cách khuất phục những dân tộc nghèo khổ bằng sự tàn bạo của sức mạnh kỹ thuật, nước Mỹ, một nước giàu mạnh nhất trên quả đất này, cuối cùng có thể bị những người cộng sản Việt Nam đuổi ra khỏi bán đảo Ðông Dương.

Nếu đúng như vậy, thì thắng lợi của người Việt Nam sẽ là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc”. Sheehan, cựu phóng viên tờ The New York Times, là tác giả hai cuốn sách giá trị về chiến tranh Việt Nam gồm “A Bright Shining Lie: John Paul Vann and America in Vietnam” (Sự lừa dối hào nhoáng: John Paul Vann và người Mỹ tại Việt Nam), cuốn sách đã đem lại cho ông giải thưởng danh giá Pulitzer và “After The War Over: Hanoi and Saigon” (Sau chiến tranh: Hà Nội và Sài Gòn).

Ông đã viết trong cuốn sách thứ hai nói trên, như sau: “Chúng ta, những người Mỹ, vốn tự cho mình là ngoại lệ của lịch sử, cũng có thể mắc sai lầm như phần còn lại của nhân loại; chúng ta có thể thủ ác dễ dàng như khi làm việc thiện.

Tất cả chúng ta đã quá kiêu ngạo trong thời kỳ xấc xược ấy. Chúng ta không thể hiểu được rằng chúng ta đã theo đuổi những điều không tưởng và đã gây ra bi kịch tột cùng cho chính chúng ta cũng như cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác tại Ðông Dương.

Họ đơn giản chỉ muốn chúng ta trở về nhà, và họ sẽ không bao giờ ngừng kháng cự, bất chấp họ và chúng ta phải trả giá thế nào cho tới lúc chúng ta rút đi. Tôi mất năm năm để nghiệm ra điều đó”- Sheehan viết trong cuốn sách xuất bản năm 1993.

Quyển “Chân trần chí thép” của tác giả James G.Zumwalt, bản dịch do First News xuất bản.

Trong cuốn hồi ký “Hồi tưởng” xuất bản năm 1995, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara (1916-2009) đã nêu ra 11 sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Trong đó, ông đánh giá về đối thủ như sau: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ.

Cách nhìn nhận của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự dốt nát sâu sắc của chúng ta về lịch sử, văn hoá và chính trị của nhân dân Việt Nam, cũng như về nhân cách và tập quán của các nhà lãnh đạo của họ”.

Còn với James G.Zumwalt- cựu Trung tá Thuỷ quân Lục chiến Mỹ, con trai của Ðô đốc Elmo Zumwalt, Tư lệnh Hải quân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, ông rút ra bài học: “Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm của mỗi người dân Việt Nam đã phát triển thành một sức mạnh vĩ đại nhất - một chí thép - giúp họ thực hiện được điều tưởng như không thể. Nhờ đó, chí thép của họ đã đánh bại công nghệ của siêu cường hùng mạnh nhất thế giới”.

Ông bày tỏ sự tiếc nuối với nước Mỹ: “Ðáng tiếc là chúng ta không hiểu được phẩm chất này của người Việt Nam. Chúng ta không nhận thấy, trong bản phân tích cuối cùng rằng chiến thắng không quyết định bởi công nghệ mà bởi quyết tâm của con người. Ý chí của những người Việt Nam không bao giờ sụt giảm dù họ phải chiến đấu với những đôi chân trần”.

Sau khi tìm hiểu về người Việt Nam, một viên trung tá sinh ra trong gia đình có truyền thống binh nghiệp nhiều đời mới thấm thía câu nói của viên tướng Mỹ nổi tiếng trong chiến tranh thế giới thứ II George Patton: “Ðánh nhau bằng vũ khí, chiến thắng bằng con người!”.

Việt Ðông

(còn tiếp)