Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trước khi diễn ra trận đánh, nhiều chính khách Pháp đến thăm Điện Biên Phủ, họ chung một nhận định lạc quan, không một ai tỏ ý lo ngại. “Một vị tướng khẳng định với tôi, nếu tấn công, Việt Minh chắc chắn sẽ bị đè bẹp”- Navarre viết trong hồi ký “Thời điểm của những sự thật”, xuất bản năm 1979.
Kéo pháo vào tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là một kỳ tích của quân và dân ta.
Hai “điểm mù” của tình báo Pháp
Trong một văn bản đề ngày 31.12.1953, Navarre viết: “Tôi coi trận Điện Biên Phủ là ưu tiên số một. Tôi quyết tâm bằng mọi cách để triển khai nó trong những điều kiện thuận lợi nhất và để chiến thắng”. Tài liệu của Pháp cho thấy, trong suốt cuộc chiến, tình báo Pháp được đầu tư tối đa về nhân sự, tài chính, công nghệ, tại thời điểm đó, máy bay trinh sát của Pháp đã được trang bị tia hồng ngoại để dò tìm mục tiêu. Nhiều thông tin của lực lượng kháng chiến Việt Minh đã bị tình báo Pháp thu thập được, trong đó có nhiều bức ảnh được máy bay trinh sát chụp ở độ cao từ một ngàn đến ba ngàn mét. Hơn mười ngàn tấm ảnh đã được chụp và từ những bức ảnh này, quân Pháp phát hiện Việt Minh đang chuyển quân, đào công sự, ngay cả những đoàn xe thồ lương thực cũng lọt vào trong ảnh. Trong phim, nhóm phóng viên dẫn ý kiến của Đại tá Trần Liên (Trung đoàn Pháo cao xạ 347 của ta tại Điện Biên Phủ), ông cho biết, thực tế rất nhiều mục tiêu, hoạt động của lực lượng kháng chiến bị lộ. “Chúng ta đào giao thông hào, không thể nào giấu được, làm thế nào chúng ta nguỵ trang được giao thông hào? Không quân Pháp ném bom trúng đường giao thông, ban đêm ta lại khôi phục. Anh em rất gian khổ” - Đại tá Trần Liên kể. Ngày 16.6.1955, trong phiên điều trần sau thất bại, những vị tướng chỉ huy quân Pháp tại Đông Dương nói chung, Điện Biên Phủ nói riêng đã thừa nhận: “Chúng ta ném bom nhưng không hiệu quả. Quân Việt Minh di chuyển vào ban đêm rất thận trọng. Việt Minh mở đường nhánh trong rừng giúp họ tránh được sự phát hiện của máy bay. Chúng ta đã phá huỷ những tuyến đường quan trọng của Việt Minh nhưng họ khắc phục còn nhanh hơn chúng ta phá huỷ. Ngài có biết Việt Minh tài tình thế nào không, họ làm được những cây cầu giấu chìm dưới nước. Họ nguỵ trang hoàn hảo” - trích đoạn hội thoại giữa các tướng lĩnh Pháp. Trên cơ sở khai thác thông tin từ kho tư liệu, nhóm làm phim cho biết, có hai điểm tình báo Pháp không ngờ tới trong trận Điện Biên Phủ. Thứ nhất, chiến thuật sử dụng pháo cao xạ, và thứ hai, vị trí các hầm pháo được Việt Minh giấu trong hầm núi. Đây được coi là hai “điểm mù” trong hoạt động tình báo của Pháp. Theo nhận định của chính giới Pháp, sự tài tình trong sử dụng chiến thuật pháo cao xạ và những khẩu pháo giấu trong hầm khiến quân Pháp bất ngờ đến choáng váng. Tài liệu lưu trữ cho thấy, ngày 13.3.1954, ngay trong ngày đầu tiên của trận Điện Biên Phủ, Navarre bắt đầu tỏ thái độ hoài nghi về kết quả cuộc đấu. “Cách nay hai tuần, tôi vẫn cho rằng chiến thắng đó (Điện Biên Phủ) là 100%. Điện Biên Phủ vốn là một vị thế phòng thủ rất tốt nhưng trước sự tập kết của các thiết bị mới mà thông tin tình báo Pháp chuyển cho chúng tôi từ hai tuần nay (pháo phòng không 37 ly, có thể có trọng pháo và đầu đạn cơ giới hoá) tôi không thể nào đảm bảo chắc chắn về thành công nếu như các thiết bị này tồn tại trên thực tế về số lượng và nhất là nếu như Việt Minh thành công đưa pháo vào trong các trận đánh” - Tướng Navarre viết.
“Đại tướng đừng để họ thất vọng”
Trong phim, nhóm phóng viên VTV4 trích ý kiến bình luận của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. “Pháp không bao giờ nghĩ lực lượng của ta kéo được pháo lên núi và còn làm hầm giấu từng khẩu pháo. Cách làm hầm đó, tôi nghĩ, chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của chúng ta. Máy bay trinh sát của Pháp có chụp ảnh cũng không thấy được. Những khẩu pháo này bắn rất chính xác” - ông Hà nói. Phiên điều trần ngày 16.6.1955 giữa các tướng lĩnh Pháp - những người chịu trách nhiệm cho thất bại ở Điên Biên Phủ cho thấy, họ không thể biết Việt Minh có bao nhiêu khẩu pháo dùng trong chiến dịch. “Nếu tìm hiểu rộng rãi hơn, trên thế giới này không có một quân đội nào dùng tay kéo khẩu pháo nặng hai tấn tư để leo núi cả, chỉ có quân đội Việt Nam” - ông Phạm Đức Cư, cựu chiến binh Trung đoàn Pháo cao xạ 367 phát biểu trong phim. Nói thêm, ông Cư, năm nay (2024) 97 tuổi, chính là người đọc phát biểu cảm tưởng trong buổi truyền hình trực tiếp chương trình kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 7.5.2024. “Thời gian chuẩn bị cho chiến dịch, đồng chí Giáp nhắc nhở phải tiếp tục giữ bí mật các binh chủng đến cùng để sẵn sàng giáng đòn bất ngờ lên đầu quân địch. Ngay trận đầu xuất hiện, các đồng chí phải làm cho quân thù khiếp sợ trọng pháo và pháo cao xạ Việt Nam” - cựu chiến binh, Đại tá Trần Liên, Trung đoàn Pháo cao xạ 367, phát biểu trong phim.
Phút thứ 20, bộ phim chiếu cảnh một nhà báo Pháp đi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Tướng Giáp đưa tôi đến Bảo tàng Quân đội, nơi có một mô hình lớn rộng vài mét vuông, trong đó thể hiện toàn bộ lòng chảo Điện Biên Phủ với những ngọn đồi. Ông ấy giải thích chi tiết cho tôi về chiến lược ông ấy áp dụng với vị trí của các khẩu đại bác. Người Pháp cho rằng người Việt không có pháo hạng nặng, vì vậy những ngày đầu tiên, khi Việt Minh khai hoả, người Pháp bị bất ngờ” - nhà báo Daniel Roussel, đạo diễn phim tài liệu “Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi” phát biểu. Nhà báo này nói tiếp: “Thật không thể tin được (quân Việt Minh) ngay ngày đầu tiên đã bắn pháo chính xác, phá huỷ đường băng, nơi máy bay Pháp thường xuyên hạ cánh để cung cấp vũ khí”.
Nhận rõ ý đồ của quân Pháp, tháng 12.1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm này bằng phương châm “đánh chắc thắng”. “Tướng quân tại ngoại. Cho chú toàn quyền. Bàn nhất trí thì cứ làm. Lúc ra về, Bác nói thêm một câu, trận này nhất định đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” - phim phát lại phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại phút 21,47 giây của bộ phim, nhóm phóng viên VTV4 trình chiếu văn bản của “Lời hiệu triệu của Tổng Quân uỷ”, trong đó có đoạn: “Các đồng chí! Chiến dịch này là một chiến dịch to lớn từ xưa đến nay trong lịch chiến tranh giải phóng của nước ta, trong lịch sử chiến đấu của Quân đội nhân dân chúng ta. Chiến dịch này nhằm đánh bại kế hoạch quân sự của Na-va (Navarre), đưa chúng vào một tình thế khủng hoảng lâu dài, giữ vững quyền chủ động của quân ta, tạo ra nhiều thắng lợi mới của quân ta từ đây về sau trên các chiến trường toàn quốc”. Ngày 14.1.1954, trong một hang núi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tập thể lãnh đạo chỉ huy chiến dịch xác định, để giành thế chủ động, ta dự kiến phương châm tác chiến, “đánh nhanh giải quyết nhanh” tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 3 đêm, 2 ngày. Tuy nhiên, ta có thể gặp bất lợi lớn, vì chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm phòng ngự liên hoàn. Sau 11 ngày đêm cân nhắc, đánh giá lực lượng giữa ta và địch, sáng 26.1.1954, Đại tướng cùng tập thể Đảng uỷ chiến dịch quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh giải quyết nhanh sang “đánh chắc tiến chắc”. Phương châm này được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất trí, cho đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Bình luận về sự thay đổi quan trọng này, nhà sử học người Pháp, ông Alan Ruscio nói: “Đến phút cuối cùng, Tướng Giáp suy nghĩ và thay đổi chiến lược, ông luôn cho rằng đó là khó khăn lớn nhất trong cuộc đời”. Cách nay đã rất lâu, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài RFI của Pháp, một nhân vật được coi là trùm phản động cũng thừa nhận quyết định thay đổi cách đánh thể hiện sự thông minh của Tướng Giáp.
Việc bộ chỉ huy chiến dịch dời ngày tấn công của quân Việt Minh càng củng cố chứng minh niềm tin chiến thắng của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ. Một tài liệu tại kho lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp cho thấy, sau khi nhận được tin tình báo Việt Minh dời ngày tấn công, tướng De Castries cho in một trăm năm mươi ngàn truyền đơn bằng tiếng Việt thể hiện thái độ đầy tự tin, kiêu ngạo. Trích: “Kính gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Để đọ tài cùng mấy tiểu đoàn của tôi đóng tại Điện Biên Phủ, Đại tướng đã tập trung bốn đại đoàn tinh nhuệ nhất với một số võ khí hùng hậu, thế mà đến hôm nay, vẫn chưa thấy Đại tướng cho lâm trận. Đại tướng coi trận này là trận quyết định cuộc chiến tranh giữa hai phe chúng ta. Đại tướng không tin chắc sẽ thắng trận chăng? Đại tướng đã hứa, Đại tướng nên giữ lời hứa. Đại tướng vẫn hằng hô hào quân sĩ tin tưởng vào Đại tướng. Vậy, đừng nên để họ thất vọng. Mời Đại tướng cứ đến. Tôi chờ Đại tướng”.
Việt Đông
(còn tiếp)