Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cần “nâng niu” cây lúa
Bài 2: Xây dựng thương hiệu gạo Tây Ninh
Thứ bảy: 23:51 ngày 14/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tình cờ, người viết gặp ông Phạm Văn Minh (ngụ xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng) khi ông đang gieo sạ vụ mùa. Ông Minh cho biết đang canh tác một giống lúa quý và có thể nói, ông là người đầu tiên ở Tây Ninh trồng được giống lúa này trên diện tích lớn.

Ông Minh gieo sạ lúa ST25 vụ Mùa 2020 bằng cơ giới.

Nông dân cần được hỗ trợ nhiều hơn.

“Từ một cơ duyên, tôi được một cán bộ công tác trong ngành Nông nghiệp ở ngoài tỉnh chuyển giao cho một số lúa giống quý có tên gọi ST25. Về Tây Ninh, tôi bắt tay vào canh tác. Ngoài diện tích đất vài ha của gia đình, tôi thuê thêm 10 ha đất gần nhà, thuộc ấp Tân Thuận, xã Hưng Thuận để gieo sạ vụ Hè Thu 2020. Tổng diện tích canh tác vụ này là 13 ha, năng suất bình quân khoảng 4 tấn/ha. Tôi bán một số lúa tươi với giá 6.000 đồng/kg, trong khi giá các loại lúa khác được trồng ở cùng địa phương tối đa chỉ khoảng 4.500 đồng/kg”, ông Minh cho biết.

Theo ông Minh, vụ đầu tiên, do chưa am hiểu đặc tính sinh trưởng và chưa có kinh nghiệm canh tác, chăm sóc giống lúa mới này nên năng suất bình quân chỉ đạt 4 tấn/ha. Ở miền Tây, cùng vụ, cùng giống lúa năng suất có thể trên 8 tấn/ha.

 “Tôi đã đi tham khảo quá trình canh tác giống lúa ST25 ở Sóc Trăng. Do điều kiện thổ nhưỡng và được chăm sóc đúng kỹ thuật, cây lúa cho năng suất từ 7 - 8 tấn/ha hoặc có thể cao hơn. Ðồng thời, giá bán giống lúa này ở miền Tây cũng cao đáng kể so với giá tôi bán, chênh lệch khoảng 1.000 đồng/kg”, ông Minh chia sẻ.

Ngoài bán lúa tươi, ông Minh dành phần lớn số lúa vừa thu hoạch để sấy khô, xay xát và bán gạo cho một số đơn vị ngoài tỉnh, thu lợi nhuận cao hơn so với bán lúa tươi.

Dù có giá bán cao hơn các giống lúa khác nhưng năng suất đạt thấp nên lợi nhuận thu được của ông Minh vụ Hè Thu năm nay không nhiều. Rút kinh nghiệm từ vụ trước, vụ Mùa này, ông Minh đầu tư bài bản hơn trong quá trình canh tác ở các khâu gieo sạ, chăm sóc lúa ST25 với diện tích 28,5 ha.

 “Do diện tích tôi thuê trồng lúa manh mún, phân tán, thuộc nhiều vùng đất khác nhau nên bất tiện cho việc canh tác. Ðồng thời, vùng đất này có lẽ không phù hợp với giống lúa ST25 nên năng suất không cao.

Tôi đang định chuyển sang vùng đất phù hợp hơn đối với giống lúa này ở các xã cánh Tây Trảng Bàng. Tôi rất nặng lòng với giống lúa này, muốn phát triển rộng ra, nhiều người cùng trồng, vì lợi ích đem lại rất đáng kể.

Tuy nhiên, cũng như nhiều nông dân khác, tôi cần được sự hỗ trợ từ Nhà nước về vốn, về máy móc - thiết bị cơ giới hoá, về dịch vụ đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lẫn đầu ra. Tôi thấy ở một số nơi, nông dân được hợp tác xã hỗ trợ rất tích cực, không phải tự bơi, tự mua vật tư nông nghiệp với giá cao, phải chịu lãi suất…”, ông Minh băn khoăn.

Gạo ST25 nổi tiếng của Việt Nam.

Phải đổi mới tư duy

Từ thông tin của người viết cung cấp, Thạc sĩ nông nghiệp Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh cùng một số cán bộ của Trung tâm đã đến Hưng Thuận gặp gỡ, trao đổi với ông Minh về việc sản xuất lúa ST25.

Ông Tùng đánh giá sơ bộ, vùng đất Hưng Thuận nơi ông Minh canh tác không phù hợp để trồng lúa, nên ông ủng hộ ông Minh chọn vùng đất phù hợp hơn. Nếu được trồng và chăm sóc bài bản, lúa ST25 sẽ cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với các giống lúa trồng đại trà trong tỉnh.

Do đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ hết sức hỗ trợ, tạo điều kiện trong khả năng để nông dân canh tác giống lúa này. Trung tâm đã làm việc với hợp tác xã ở xã Hưng Thuận, đề nghị nghiên cứu, đề xuất mô hình, cây trồng phù hợp với vùng đất này để có thể được hỗ trợ chuyển đổi cây trồng hiệu quả hơn cây lúa.

Trao đổi với người viết về việc nâng cao giá trị cây lúa trên địa bàn tỉnh, Thạc sĩ Hà Thanh Tùng cho biết, nhiều nông dân rất tích cực trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật tiến bộ vào trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, đa phần nông dân vẫn còn tâm lý ngại áp dụng cái mới vào sản xuất thay cho phương pháp canh tác truyền thống vốn đã lạc hậu, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều người chưa quen với cách làm ăn theo chuỗi sản xuất nên còn tuỳ tiện trong việc mua bán nông sản- cụ thể là lúa. “Một số doanh nghiệp đến Tây Ninh đầu tư liên kết với nông dân thực hiện chuỗi sản xuất - tiêu thụ đã gặp thất bại.

Họ chia sẻ với tôi nguyên nhân không phải do sản xuất không hiệu quả hay doanh nghiệp có vấn đề về giá thu mua, mà là do một số nông dân không thực hiện đúng nguyên tắc đã giao kết trong hợp đồng.

Khi giá lúa thị trường tự do xuống thấp, nông dân có ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp lại bắt tay với nông dân không có ký hợp đồng đưa lúa vào bán cho doanh nghiệp, vì giá thu mua của doanh nghiệp lúc này cao hơn giá bên ngoài.

Ngược lại, khi giá lúa thị trường tự do cao hơn giá doanh nghiệp đã ký hợp đồng tiêu thụ với nông dân thì nhiều nông dân đã ký hợp đồng lại bán lúa ra thị trường, chừa lại sản lượng rất ít để cung ứng cho doanh nghiệp và lấy cớ do thất mùa”.

Gạo ST25 do ông Minh trồng, được xay xát thô.

Theo ông Tùng, tình trạng trên không phải là quá phổ biến, nhưng là một trong những rào cản gây tác động tiêu cực về lâu dài, cần được nông dân quan tâm, khắc phục. Vì muốn sản xuất hiệu quả, có thị trường tiêu thụ ổn định và phát triển, nông dân cần phải giữ chữ tín.

“Tôi khẳng định là cây lúa có triển vọng phát triển nếu có định hướng đúng, cách làm đúng. Do đó, nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất. Hợp tác xã phải hoạt động tốt. Công tác tuyên truyền phải đáp ứng yêu cầu và công tác khuyến nông phải hiệu quả”, ông Tùng nói.

Nói về định hướng phát triển cây lúa, hạt gạo mang thương hiệu Tây Ninh, ông Tùng chia sẻ: “Ngoài việc quan tâm phát triển các giống lúa cho gạo ngon nổi tiếng như ST24, ST25, tôi đang tập trung phát triển giống lúa đen, hiện được trồng thử nghiệm và cho kết quả khả quan. Nếu thuận lợi, trong năm tới tôi sẽ xây dựng xong thương hiệu sản phẩm gạo lúa đen Tây Ninh và bước đầu đưa ra thị trường. Dự kiến đây sẽ là sản phẩm gạo đặc trưng của tỉnh nhà”.

Bảo Tâm

Theo một tài liệu, giống lúa quý ST25 do Kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự là cán bộ nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng lai tạo. Trước đó, năm 2017, gạo ST24 cũng do Kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự “đẻ” ra được lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới trong cuộc thi World’s Best Rice tại Macau.

Ðây là lần đầu tiên, một giống lúa cải tiến ngắn ngày có năng suất cao, thích nghi với nhiều vùng đất, đặc biệt là các vùng đất nhiễm mặn được chọn là giống lúa gạo ngon nhất thế giới. Cơ hội này giúp Việt Nam có thể mở rộng diện tích canh tác, mang về lợi nhuận cao cho nông dân.

ST24, ST25 có phẩm chất gạo ngon, khả năng chống chịu hạn mặn và sâu bệnh rất tốt.

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục